Ghép nội tạng ở Việt Nam: Phần lớn lấy nội tạng từ người còn sống

Hồi Tháng Giêng 2022, bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện thành công ca ghép thận không cùng nhóm máu đầu tiên – Ảnh bệnh viện Chợ Rẫy

Việt Nam có 23 bệnh viện đủ điều kiện ghép nội tạng và đã ghép được 8 loại bộ phận cơ thể người, với tổng cộng 7,297 ca.

Đó là thông tin trong hội thảo “Đăng ký hiến và phòng, chống mua bán mô, bộ phận cơ thể người” được Bộ Y tế và Hội Khoa học Kinh tế y tế Việt Nam tổ chức ngày 6 Tháng Hai ở Hà Nội.

Sức Khỏe Đời Sống dẫn lời GS.TS Trần Văn Thuấn – Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, tính đến 31 Tháng Mười Hai 2022, cả nước đã thực hiện 7,297 ca ghép tạng, trong đó, hơn 6,000 người được ghép thận, số còn lại là ghép gan, tim, phổi, tụy, ruột.

Cũng tại hội nghị này, các chuyên viên y tế và Cục cảnh sát hình sự (Bộ công an) cũng cho hay bên cạnh các mô và nội tạng hiến tặng hợp pháp (lấy từ người chết đồng ý hiến tặng và từ thân nhân của bệnh nhân), vẫn còn có những ca cấy ghép nội tạng từ việc mua bán. Tuy số người đăng ký hiến nội tạng ngày càng nhiều (hiện có 63,552 trường hợp đăng ký hiến nội tạng sau khi chết hoặc “chết não”) nhưng mỗi tháng chỉ có vài người đồng ý hiến tặng bị “chết não”, thế nên đa số các ca ghép nội tạng ở Việt Nam đều lấy từ người còn sống, trong đó không thống kê được bao nhiêu ca mua bán.

Ảnh Sức khỏe đời sống: Nhân viên y tế bệnh viện Chợ Rẫy chăm sóc bệnh nhân sau ghép thận

Năm 2022, Cục cảnh sát hình sự đã bắt được ba đường dây mua bán nội tạng, trong đó có 7 cá nhân trực tiếp điều hành đường dây: Họ thăm dò nhu cầu tại các bệnh viện và thông qua mạng xã hội tìm kiếm người mua, người bán; ra giá và thu tiền của người bệnh với giá cao nhưng trả cho người bán giá thấp; hợp thức hóa bằng việc làm giả các giấy tờ có quan hệ huyết thống. Do ghép thận có nhu cầu lớn, thị trường mua bán một quả thận ở Việt Nam hiện có giá từ 700 triệu đồng – 1 tỷ đồng ($29,806 -$42,580) tùy theo chi phí xét nghiệm và thỏa thuận với người bán, nhưng người bán chỉ nhận được từ 200 – 250 triệu đồng/thận ($8,516 – $10,645).

Có kẻ còn lập hội, nhóm mua bán thận, ghép thận trên các trang mạng xã hội và tổ chức “nuôi” họ tại các khu nhà trọ để chờ bán. Với mỗi trường hợp môi giới mua bán thành công, các cá nhân này thu về ít nhất từ 150 đến 250 triệu đồng ($6,387-$10,645).

VTV ngày 9 Tháng Giêng 2023 cho hay một trong ba người cầm đầu đường dây mua bán nội tạng bị bắt năm 2022, Trần Văn Hiệp ngụ tại quận Tây Hồ, Hà Nội đã liên kết với một số người tổ chức môi giới tiến hành thành công bốn vụ ghép thận và một vụ ghép gan. Nhóm của Hiệp nhận 1.2 tỷ đồng ($51,101) từ người mua gan  và trả cho người bán có 450 triệu đồng ($19,163). Hành vi mua bán nội tạng ở Việt Nam có thể bị xử tù từ 20 năm – chung thân, vì khiến người bán nội tạng suy giảm 45%-70% sức khỏe, chưa kể có người bị chết vì quy trình mổ lấy nội tạng để ghép không bảo đảm an toàn.

Ba kẻ cầm đầu đường dây mua bán nội tạng bị bắt năm 2022 – Ảnh cắt từ video VTV

Năm 2020, một tài xế xe công nghệ từng kể với tôi trường hợp của chị gái (ở Sài Gòn) mới thực hiện ca ghép thận với tổng chi phí hơn 1 tỷ đồng (trị giá lúc đó $43,706), trong đó tiền mua thận (của một thanh niên) giá 450 triệu đồng ($19,667). Một tài xế xe công nghệ khác “tiết lộ” từng làm nghề môi giới bán nội tạng giữa người bán (thanh niên ngụ tại các làng quê nghèo Việt Nam) và người mua (dân Singapore). Ông đã về các làng quê Việt Nam tìm kiếm người muốn bán thận và đưa họ sang Singapore để “hiến thận” cho người mua với giá thỏa thuận. Sau vài năm làm nghề này, kiếm đủ số vốn cần thiết, ông ta đã bỏ nghề đi chạy xe công nghệ vì thấy “nghề này thất đức quá”.

Hồi cuối Tháng Ba 2021, Vnexpress đăng câu chuyện của một đôi vợ chồng giả “hiến thận cho nhau” tại bệnh viện ĐH Y Dược (Sài Gòn) với đầy đủ giấy tờ theo quy định, bao gồm giấy chứng nhận đăng ký kết hôn. Cũng trong bài báo này cho biết tại Bệnh viện Trung ương Huế, số người hiến tạng khi còn sống tuổi dưới 30 chiếm trên 50% tổng số ca ghép mỗi năm tại đây và khi bệnh viện xác minh, thấy xuất hiện tình trạng giả giấy tờ, giả chữ ký, giả con dấu của cơ quan có thẩm quyền….

Từ Tháng Sáu 2022, một số bệnh viện ở Sài Gòn như Chợ Rẫy, Thống Nhất, Nhi Đồng 2 đã công bố mạng lưới điều phối về hiến ghép thận nhân đạo bằng phần mềm công nghệ thông tin nhằm tạo sự công khai, minh bạch trong tiếp nhận và điều phối, hiến, ghép nội tạng.

Tuy nhiên, do cầu lớn hơn cung, mặt khác tình trạng nghèo đói có thể đẩy người dân đến bước đường cùng, việc mua bán nội tạng ở Việt Nam vẫn đang âm thầm diễn ra, không thể dẹp bỏ, đến mức ông Nguyễn Trường Sơn – cựu Thứ trưởng Bộ Y tế, hồi cuối Tháng Ba 2021 từng đề nghị nhà cầm quyền nên tạo điều kiện để ngành y tế khai thác sử dụng số nội tạng từ hơn 10,000 trường hợp tử vong vì tai nạn giao thông mỗi năm!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: