Giả mạo Viện Wonjin Hàn Quốc, một “cơ sở làm đẹp” Hà Nội lừa nhiều khách hàng

Bệnh viện thẩm mỹ Wonjin Hàn Quốc đăng tải thông tin cảnh báo Wonjin ở Việt Nam là hàng giả (nhái thương hiệu) trên trang web chính thức – Ảnh: Lao Động

Giả mạo là một chi nhánh của bệnh viện thẩm mỹ Wonjin Hàn Quốc nổi tiếng, Wonjin Hà Nội đã lừa được nhiều phụ nữ nhẹ dạ, cả tin vào cái gọi là “nâng ngực không chạm”.

Từ vài phụ nữ bị biến chứng khi “nâng ngực không chạm” (hay không phẫu thuật) đang chữa trị tại một số bệnh viện và từ đơn thư tố cáo của bạn đọc, Lao Động đã điều tra viện thẩm mỹ quốc tế Wonjin Hà Nội và phát giác ra nơi này chỉ có giấy phép làm spa, và hoàn toàn không phải là chi nhánh của bệnh viện Wonjin Hàn Quốc ở Việt Nam!

Chính bệnh viện thẩm mỹ Wonjin Hàn Quốc đã xác nhận điều này với Lao Động và đăng cả thông tin lên trang web bằng tiếng Việt với nội dung “Cảnh báo cơ sở Wonjin giả ở Việt Nam. Wonjin chỉ có trụ sở duy nhất ở Gangnam, Seoul, Hàn Quốc”.

Loạt bài về viện thẩm mỹ quốc tế Wonjin Hà Nội khởi đăng từ 16 Tháng Năm đến 19 Tháng Năm trên Lao Động đã cho thấy bức tranh bát nháo của ngành chỉnh sửa sắc đẹp ở Việt Nam.

Đặc biệt bát nháo hơn là viện thẩm mỹ này tồn tại ngang nhiên giữa thủ đô Hà Nội, nơi có trụ sở của Bộ y tế và Bộ kế hoạch và đầu tư – một nơi cấp giấy phép đủ điều kiện hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ và một nơi cấp giấy phép kinh doanh.

Nhưng ngoài trụ sở chính ở Hà Nội, viện thẩm mỹ quốc tế Wojin còn có chi nhánh ở Đà Nẵng, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Sài Gòn, đúng là “ăn nên làm ra” nhờ lừa đảo.

Cái gọi là “Viện thẩm mỹ quốc tế Wonjin” chỉ có giấy phép làm spa, nghĩa là không được quyền phẫu thuật, chích thuốc hay phẫu thuật gây chảy máu – Ảnh: Lao Động

Theo điều tra của Lao Động, không ít phụ nữ sau khi đọc quảng cáo trên mạng xã hội của Wonjin Hà Nội (địa chỉ 93 Tô Hiệu, quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã đến đây nộp tiền “nâng ngực không chạm” bằng sóng xung kích với giá quảng cáo là gần 6 triệu đồng. Khi nộp rồi mới hay gần 6 triệu đồng là chỉ được làm một lần, muốn ngực “no tròn” phải mua gói… 60 triệu đồng. Chẳng hạn như bà T. (quận Đống Đa, Hà Nội).

Khi bà bảo không có tiền thì vị bác sĩ tư vấn giảm giá còn 40 triệu, rồi xuống 30 triệu đồng. Thấy cách tư vấn và giá cả giống… bán hàng ngoài chợ, bà T. quyết định không sử dụng dịch vụ thì không được trả tiền, với lý do tiền nộp qua thẻ, không lấy lại được!

Sau nhiều lần đòi tiền, hai tuần sau bà T. nhận được cuộc hẹn đến Wonjin giải quyết nhưng chỉ được hoàn trả… 3 triệu đồng (mất gần 2 triệu đồng), với điều kiện bà phải ký cam kết giữ kín sự việc, không cung cấp thông tin cho báo chí. Khi bà T. không đồng ý ký biên bản này thì bị đuổi về.

Còn bà Lê Ngọc Hân (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) trong khi nâng ngực bằng sóng xung kích chi phí lên tới 50 triệu đồng, bà đã cảm thấy ngực đau rát. Khi bà la hét và yêu cầu những người tự xưng là bác sĩ dừng lại thì họ mới tắt máy rung.

Bà yêu cầu hoàn trả số tiền vì không giống như quảng cáo thì Wonjin khất lần. Bà Hân phải đòi rất nhiều lần, Wonjin yêu cầu bà ký cam kết giữ bí mật thông tin thì mới trả lại cho bà phân nửa, là 25 triệu đồng.

Quảng cáo nâng ngực không chạm của Wonjin rầm rộ trên mạng xã hội khiến nhiều phụ nữ sập bẫy – Ảnh chụp màn hình quảng cáo của Wonjin Hà Nội

Tệ nhất là trường hợp của Nguyễn Hoài Châu (27 tuổi, quận Long Biên, Hà Nội). Châu đã đóng 50 triệu đồng để “nâng ngực không chạm” và bị chích thuốc (không rõ chất gì) xung quanh hai bầu ngực, hai núm vú, hai bên lườn, mỗi bên chích 5 -7 mũi và nói đó là thuốc tê.

Khi bị chích, Châu đau buốt, hỏi tại sao lại chích nhiều như vậy thì người xưng là bác sĩ nói phải chích tê đa điểm để khi đánh máy không đau. Thế nhưng khi áp máy hai bên bầu ngực và rung khoảng 10 phút, toàn bộ quá trình thực hiện chỉ kéo dài khoảng 20-25 phút, Châu đau đến phát khóc.

Khi làm xong, Hoài Châu rất ngỡ ngàng vì vòng một của mình vẫn sa trễ, thậm chí chi chít vết chích và xuất hiện khối cứng bất thường ở vết chích trên đỉnh bầu ngực. Ngay ngày hôm sau, vòng một của Hoài Châu bị cương cứng ở vết chích nên cô đã đến bệnh viện Phụ sản Trung ương siêu âm và phát hiện hai ổ dịch ở tuyến vú phải.

Hơn một  tuần sau, Hoài Châu vẫn hoảng loạn, lo âu, vì không biết viện thẩm mỹ này đã chích chất gì vào người mình.

Sau khi thâm nhập thực tế ở Wonjin, Lao Động kết luận nơi này không công khai bảng giá dịch vụ và nâng giá, hạ giá, ngã giá dịch vụ đều bằng lời nói. Khi khách hàng trả tiền cũng không có hóa đơn chi tiết và xuất hóa đơn VAT cho khách hàng.

Toàn bộ quá trình tư vấn của nhân viên viện thẩm mỹ này không đồng nhất, người tư vấn, người kiểm tra và thực hiện đều khác nhau, không rõ chuyên môn, bằng cấp. Khi được yêu cầu bồi thường vì dịch vụ không hiệu quả, nhân viên của viện thẩm mỹ giở thói côn đồ, dọa nạt và đuổi khách hàng.

Lợi dụng tâm lý khách hàng muốn làm đẹp nhưng không muốn động chạm dao kéo, can thiệp phẫu thuật, Wonjin Hà Nội đã quảng cáo làm đẹp vòng một bằng công nghệ mới nhất như “nâng ngực đệm mô lipid”, “nâng ngực bằng sóng xung kích”, không xâm lấn, không đau, không cần nghỉ dưỡng, làm một vài lần nhưng sử dụng trọn đời, chi phí rẻ… đã khiến nhiều phụ nữ thiếu kiến thức sập bẫy.

Hóa đơn thanh toán của Wonjin không có dấu đỏ, thông tin sơ sài, với ghi chú khách hàng không được hoàn tiền dù bất cứ lý do nào – Ảnh: Lao Động

Lao Động còn cho biết thực chất “Viện thẩm mỹ Quốc tế Wonjin” chỉ được cấp giấy phép mở spa, thực hiện các dịch vụ chăm sóc da, không được phẫu thuật, không gây chảy máu…

“Viện thẩm mỹ quốc tế Wonjin” không phải thẩm mỹ viện, không phải cơ sở khám chữa bệnh, không được cấp phép các dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa thẩm mỹ, cũng không hề có bất cứ bác sĩ nào đăng ký hành nghề tại đây.

Vì vậy, các hành vi nâng ngực, nâng mông, nâng mũi… thời gian qua mà nhân viên tại spa Wonjin thực hiện trên cơ thể khách hàng là hoàn toàn trái phép.

Cơ sở này còn sử dụng nhiều chiêu thức nhằm che giấu thẩm mỹ viện trá hình. Địa chỉ 93 Tô Hiệu, Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội được giới thiệu là trụ sở của “Viện thẩm mỹ quốc tế Wonjin” thực chất là trụ sở đăng ký phòng khám nha khoa Wonjin chuyên khoa răng hàm mặt, không hề có bất cứ phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ nào được cấp phép tại đây.

Phòng khám nha khoa này nằm tại tầng hai tòa nhà, có bảng hiệu và bảng quảng cáo giới thiệu giấy phép, nhưng “Viện thẩm mỹ quốc tế Wonjin” ở tầng một thì không trưng ra bất kỳ loại giấy phép nào.

Có thể nói “Viện thẩm mỹ quốc tế Wonjin” đã “mượn” trụ sở, “mượn” giấy phép của phòng khám chuyên khoa răng hàm mặt nhằm thực hiện các dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa thẩm mỹ.

Trước những thông tin mà Lao Động cung cấp, một chuyên viên thuộc ngành y tế khẳng định, những nạn nhân đã phải chịu hậu quả khi sử dụng dịch vụ trái phép tại “Viện thẩm mỹ quốc tế Wonjin” có thể gửi đơn tố cáo đến cơ quan công an.

“Được vạ thì má đã sưng” hoàn toàn đúng trong trường hợp này.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: