Giá nhà ở Sài Gòn cao gấp 34 lần thu nhập của người dân

Khu chung cư cao cấp có sân vườn, hồ bơi, trung tâm thương mại …ở TP. Thủ Đức như thế này có giá thấp nhất khoảng 62 triệu đồng/m2 ($2,605/m2) – Ảnh: An Vui

Bất động sản ở Sài Gòn và cả Việt Nam đang trong tình trạng “ngủ đông”, đã có rất nhiều cuộc họp của nhà cầm quyền để tìm giải pháp vực dậy thị trường.

Trong một cuộc họp của Hiệp hội doanh nghiệp thành phố (Sài Gòn) mới đây, một ông chủ công ty đã nói thẳng: Để giải cứu bất động sản, chỉ có cách là để hai bên cung và cầu gặp nhau.

Chính xác. Chả có cách giải cứu nào hơn cách đó cả. Khi đội ngũ người lao động nhập cư vào Sài Gòn làm việc phải thuê mướn nhà, họ đều mơ ước được mua những căn nhà giá rẻ để an cư lạc nghiệp nhưng Sài Gòn chỉ có nguồn cung căn nhà chung cư loại sang. Cung không gặp cầu hỏi sao không ế mới lạ.

VTC News ngày 23 Tháng Hai 2023 cho biết Sài Gòn có tỷ lệ giá nhà/thu nhập trung bình là 34,3 lần, còn Hà Nội có giá nhà gấp 18,6 lần thu nhập trung bình của người dân. Khoảng cách giữa giá nhà và thu nhập trung bình ở Hà Nội nghe có vẻ khó tin, vì giá nhà đất ở Hà Nội cao ngất ngưỡng đến mức phi lý, có lẽ thu nhập trung bình của dân Hà Nội ám chỉ những quan chức không chừng!

Con số này được trang numbeo.com (một website chuyên thống kê về chỉ số mức sống tại các thành phố và quốc gia trên thế giới thông qua các cuộc khảo sát) đưa ra, dựa theo khảo sát giá bất động sản của 347 thành phố trên thế giới, tính tới Tháng Giêng 2023.

Thế nhưng, trả lời VTC News, ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc EZ Property lại cho rằng giá nhà tại Việt Nam so với các nước trên thế giới chỉ ở mức trung bình, không đắt đỏ. Ông dẫn chứng là tỷ lệ sở hữu nhà ở của người dân Việt Nam khá cao. Cụ thể, theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 (đã lạc hậu) của Tổng cục Thống kê, cả nước có 88.1% gia đình sở hữu nhà riêng, 11.4% gia đình đi thuê mượn của nhà nước, cá nhân hoặc tư nhân, 0.3% gia đình ở nhà tập thể. Cũng theo ông Toản, tỷ lệ giá nhà trên thu nhập trung bình của người dân có khoảng cách vài chục lần là do thu nhập được công bố của người Việt Nam hiện nay thấp.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam, phân tích cấu trúc tạo ra giá nhà ở Việt Nam hiện nay có nhiều yếu tố khiến giá bị đội lên, chẳng hạn như: Giá đất đền bù cao; tiền thuế đất, tiền sử dụng đất hàng năm có xu hướng tăng; chi phí vật liệu, nhân công luôn tăng; thủ tục xin giấy phép xây dựng kéo dài, có những dự án 5 – 10 năm mới xong nên chi phí để nuôi bộ máy làm thủ tục rất cao. Bên cạnh đó, lãi suất cho vay bất động sản tại Việt Nam trên dưới 10%/năm, trong khi thế giới chỉ 1 – 2%/năm.

Tuy nhiên, Tuổi Trẻ ngày 16 Tháng Mười 2021 đã khẳng định mục tiêu sau đại dịch Covid-19 của nhà cầm quyền là xây dựng 1 triệu căn nhà giá rẻ cho người lao động nhập cư rất khó thực hiện, vì thực tế đã nhìn thấy là trong 5 năm trước đó, mục tiêu xây dựng 20,000 căn nhà giá rẻ cho người nghèo của thành phố đã phá sản. Đến bây giờ, chả còn báo nào đề cập đến mục tiêu đó nữa.

Cũng Tuổi Trẻ, ngày 7 Tháng Ba 2022 khẳng định “Sài Gòn tuyệt chủng nhà giá bình dân”, trong đó nêu rõ thị trường bất động sản Sài Gòn không có căn nhà chung cư mới nào nào giá dưới 25 triệu đồng/m2 ($1,050/m2) mà đa số đều trên 40 triệu đồng/m2 ($1,681/m2).

Biểu đồ tỷ lệ giá nhà/thu nhập trung bình của VTC News dựa trên kết quả khảo sát của numbeo.com, trong đó khoảng cách lớn nhất là giá nhà ở Thượng Hải, Bắc Kinh, Hongkong (Trung Cộng), kế đến là Sài Gòn

Báo cáo đánh giá thị trường bất động sản năm 2021, xu hướng năm 2022 do Hiệp hội bất động sản Sài Gòn (HoREA) đã chỉ ra nghịch lý “lệch pha cung – cầu”, thừa cung bất động sản cao cấp, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng (condotel), nhưng lại thiếu sản phẩm nhà ở vừa túi tiền với đa số người dân.

HoREA còn dẫn chứng các số liệu cho thấy ở Sài Gòn, tỷ lệ căn nhà giá rẻ tụt dốc dần dần, năm 2020 còn 1 % và đến năm 2021 chỉ còn… 0%, trong khi đó, nhà siêu sang chiếm tỷ lệ 73.9%, còn nhà trung cấp chiếm tỷ lệ 26%.

Cũng chính HoREA trong một báo cáo Tháng Tư 2022 đã đánh giá chỉ số giá nhà ở Việt Nam cao hơn 20 lần so với thu nhập trung bình, khiến nhiều người Việt khó sở hữu được nhà ở.

Vnexpress ngày 16 Tháng Tư 2022 cũng đăng nhiều ý kiến bạn đọc cho thấy giá nhà đất ở Việt Nam tăng cao đến mức vô lý, nhất là khi phải bỏ hàng triệu đôla để sở hữu một căn nhà nhiều tầng ở trung tâm Sài Gòn, trong không gian bị ô nhiễm tiếng ồn và thường xuyên bị kẹt xe là điều quá đắt.

Bạn đọc Quách Như Trường Diệp nhận xét giá nhà đất ở Sài Gòn đã bị thổi lên quá mức, không cung cấp đúng giá trị. Bạn kể: “Vừa rồi, tôi cho các con qua nhà dì tại một khu đô thị ở TP.HCM chơi. Nghe kể rằng nhà bên đó có giá hiện tại cho mỗi căn trong trục đường nhỏ là 16-20 tỷ đồng ($672,409 – $840,512), còn những căn ở trục đường lớn hơn thì vài chục tỷ (hơn $1 triệu). Trong thời gian mấy tiếng ngồi chơi, đi dạo vòng quanh khu đô thị, tôi nhận thấy phía trên là máy bay cất cánh, hạ cánh với tiếng ồn động cơ rất lớn. Mặc dù ngồi trong tầng một của ngôi nhà, đóng kín cửa cách âm, nhưng ô nhiễm tiếng ồn vẫn ở mức rất cao. Nếu tôi có tiền bỏ ra 18-20 tỷ đồng ($756,460-$840,512) hoặc cao hơn để mua căn nhà nghỉ ngơi sau mỗi ngày làm việc với tiếng ồn như vậy thì đúng là chẳng đáng chút nào”.

Cũng theo bài báo này, đánh giá của chuyên gia trong ngành cho biết giá bất động sản trung bình ở Việt Nam hiện gấp khoảng 30 lần thu nhập trung bình của người dân; trong khi ở Thái Lan chỉ 6.3 lần, ở Singapore là 5.2 lần.

Thế nên, có rất nhiều người Việt ở hải ngoại về Việt Nam để mua nhà hay đất thì cũng nương theo đà thổi giá của các công ty bất động sản trong nước, với mong ước đây là khoản đầu tư mang lại lợi nhuận trong tương lai.

Thời ấy, nay đã xa rồi.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: