Giám đốc BV Chợ Rẫy: “Dao mổ rẻ phải rạch ba lần da mới đứt”

Ông Nguyễn Trí Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (Zing)

Tại hội thảo trực tuyến sáng 21 Tháng Tám, BS Nguyễn Trí Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (Sài Gòn) đã đề cập đến những khó khăn đang xảy ra tại các bệnh viện, các cơ sở y tế.

Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho rằng theo quy định hiện tại, việc đấu thầu mua sắm rất vất vả. Nhiều khi phải mở đến… 18 cửa sổ máy tính để tìm giá tham khảo. Nhân lực y tế của bệnh viện có khi phải huy động cho công tác đấu thầu chứ không phải là điều trị. Đáng lưu ý, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho rằng, trong mua sắm thuốc, thiết bị y tế không nên quy định mua giá rẻ nhất mà là chọn giá hợp lý với chất lượng tốt.

“Thực tế một bác sĩ trưởng khoa ngoại của Bệnh viện Chợ Rẫy phàn nàn: Bệnh viện mua dao mổ rẻ ảnh hưởng công tác chuyên môn. Dao mổ giá đắt rạch một đường mổ, dao rẻ phải rạch ba lần mới đứt”, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy nói.

Liên quan đến các thiết bị y tế theo hình thức máy đặt, máy mượn, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: “Đối với các thiết bị y tế, máy xét nghiệm hiện đại đa phần có hóa chất tương thích, nếu sử dụng các hóa chất khác thì sẽ không sử dụng được. Các hãng sẽ cho mượn hoặc đặt máy để sử dụng, như vậy nhà nước không phải tốn tiền, bệnh viện không phải tốn tiền, bảo trì bảo hành đã có hãng lo, hơn nữa có thể phục vụ nghiên cứu khoa học rất nhiều. Nếu bỏ tiền ra mấy chục tỉ mà máy hư mà không có kỹ sư thì máy đó cũng sẽ trùm mền”.

Ông Nguyễn Trí Thức kiến nghị Chính phủ cho phép các bệnh viện từ hạng 1 đến hạng đặc biệt được phép lựa chọn nhà sản xuất để mua sắm thiết bị y tế phù hợp với các bệnh chuyên sâu. Vì các thương hiệu lớn thường mới có máy tốt phục vụ điều trị các bệnh lý chuyên sâu. Hiện giờ nếu đấu thầu tên chung chung thì các thiết bị trúng thầu sẽ không phục vụ được nhu cầu của các bệnh viện hạng 1 và mua về không sử dụng được sẽ gây lãng phí.

Đối với các loại thuốc hiếm và thuốc nhập theo hạn ngạch, y tế Việt Nam gặp khó khăn vì không có nguồn cung (chẳng hạn thuốc Protamin Sulfat dùng trong phẫu thuật tim mạch bị thiếu thời gian qua), ông Nguyễn Trí Thức đề nghị Bộ Y tế mua sắm tập trung hoặc cho phép chỉ định thầu rút gọn hoặc lập kho dự trữ quốc gia nhằm có thể điều phối cho các tỉnh, thành phố.

Ngoài ra, theo BS Thức, khi các đơn vị đăng công khai kết quả đấu thầu thường không đăng chi tiết các tính năng kỹ thuật mà đăng chung chung. Do đó, chỉ dựa vào thông tin đó thì không thể nào lập được giá sát thực tế. Nhưng nếu không sát thực tế thì các cơ quan chức năng sẽ thắc mắc vì sao cùng chủng loại mà bệnh viện này mua giá cao mà bệnh viện khác mua giá thấp. Thực tế, bệnh viện mua giá cao thì máy có nhiều chức năng trong khi máy mua giá thấp có ít chức năng. Điều này gây khó khăn cho các bệnh viện trong xây dựng kế hoạch.

Nói chung là ngành y tế Việt Nam luôn hoạt động trong tình trạng bát nháo, ăn chia phe nhóm, không minh bạch. Hậu quả cuối cùng là không chỉ một số y bác sĩ lãnh đủ mà nạn nhân trực tiếp còn là bệnh nhân.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: