Trong khi chuyện hiệu trưởng một trường tiểu học ở Quảng Bình cấm cố sổ đỏ của nhà trường lấy tiền trả nợ còn lùm xùm chưa biết đúng hay sai, thì ở Tây Ninh, có một ông giám đốc công ty kinh doanh đi vay tiền ngân hàng bằng sổ đỏ… giả!
Đúng là “ngộ biến tùng quyền”, khi không còn đồng nào để kinh doanh cả, thì ông Nguyễn Đình Vân (59 tuổi), Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Phúc Ninh ở huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh, nghĩ một cách tạo vốn khá táo bạo.
Ông lục lọi trên mạng xã hội tìm mua giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà (sổ đỏ) mang tên ông, rồi đem đến ngân hàng thế chấp để vay 2.5 tỷ đồng.
Không biết do nhân viên công chứng phát hiện ra sổ đỏ này là giả nên mật báo công an, hay chính nơi ông Vân mua sổ đỏ giả là cơ sở hoạt động của công an, khi ông đang làm thủ tục công chứng thì công an Tây Ninh ập vào bắt ông.

Hiện nay sổ đỏ được làm giả rất tinh vi, mắt thường khó nhận biết được, trừ trường hợp người làm sổ giả mắc phải một số lỗi lầm căn bản như thay vì ghi “UBND huyện Bình Chánh” thì trên sổ giả lại ghi “UBND quận Bình Chánh” chẳng hạn.
Một điều ngạc nhiên là ở Việt Nam có khá nhiều trang web công khai dịch vụ làm sổ đỏ giả, như lambangnhanh.vn.
Vào trang web này tìm hiểu, người xem cứ tưởng rằng dịch vụ làm sổ đỏ, sổ hồng giả, thậm chí cả bằng lái xe giả, chứng minh thư giả được làm hợp pháp tại Việt Nam.
Tất cả mọi dịch vụ làm giấy tờ giả ở trang lambangnhanh.vn như được “bảo chứng tại tòa” với lời hứa bảo đảm chất lượng giống bản thật 100%.

Nhưng có người nói đó chỉ là những cái “bẫy” của công an dành cho những người nhẹ dạ mà thôi.
Tuy vậy, điều này cho thấy sổ đỏ giả hiện nay đã tràn lan trên thị trường mua bán bất động sản trong nước, Việt kiều về mua nhà đất, hãy thật thận trọng trong việc xác định chủ quyền thực sự của miếng đất muốn giao dịch.
Nếu đúng sổ đỏ được làm với chất lượng 100% giống thật như quảng cáo, không biết các ngân hàng cho vay tiền với thế chấp bằng giấy tờ nhà, hiện giữ bao nhiêu cuốn sổ đỏ giả như thế này?