Giới trẻ Sài Gòn nhiễm bệnh lây qua đường tình dục gia tăng

Bác sĩ bệnh viện Da Liễu thành phố tư vấn, khám bệnh STIs cho bệnh nhân – Ảnh: Thanh Niên

Trước tết, mỗi ngày bệnh viện Da Liễu thành phố đón trung bình từ 228-304 ca bệnh lây qua đường tình dục (STIs) nhưng sau tết tăng lên 301-384 ca/ngày.

Thông tin từ bác sĩ Đoàn Văn Lợi Em, trưởng khoa Lâm sàng 3, Bệnh viện Da Liễu thành phố ngày 6 Tháng Hai 2023. Thanh Niên dẫn lời vị bác sĩ này cho biết các ca bệnh STIs là do quan hệ tình dục không an toàn như có nhiều bạn tình cùng một lúc mà không mang bao cao su.  Ông nhấn mạnh: Bất kỳ ai cũng có thể bị mắc bệnh STIs, một vài nhóm có nguy cơ mắc cao hơn so với các nhóm khác (như trẻ vị thành niên, nam với nam, người hành nghề bán dâm…), ngoài ra, quan hệ tình dục bằng đường miệng và đường hậu môn thì sẽ bị lây truyền bệnh STIs cao hơn.

Tuổi Trẻ ngày 31 Tháng Mười 2022, trong bài viết “Sùi mào gà, giang mai, lậu… lây qua đường tình dục tăng, rất phổ biến ở giới trẻ” đã trích lời bác sĩ Đoàn Thị Phương Thảo, phụ trách khoa da liễu, Bệnh viện Quận 11 (Sài Gòn) cho biết đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị STIs, trung bình từ 70-80 ca/tháng, trong đó 10-15% bị sùi mào gà, giang mai, lậu…. Đáng lo ngại là số người trẻ mắc bệnh STIs có xu hướng tăng, nhất là cộng đồng LGBT.

Biểu hiện của bệnh giang mai, một loại bệnh STIs ở bệnh nhân – Ảnh bác sĩ Da Liễu cung cấp cho Tuổi Trẻ

Thống kê từ báo Pháp Luật ngày 18 Tháng Mười Hai 2022 cho biết: Trong khoảng hơn 40 ca bệnh STIs/ngày ở Bệnh viện Da Liễu thành phố, có hơn 10% là học sinh, sinh viên. Từ Tháng Giêng 2022 – Tháng Mười Một 2022, số ca mắc mới các bệnh STIs tại bệnh viện này là 35,696 ca, trong đó có 26,484 ca bị sùi mào gà (1,881 ca là học sinh, sinh viên, tăng 154 ca so với năm 2020).

Trong các loại bệnh STIs, có 4 loại không thể chữa khỏi bao gồm viêm gan B, viêm gan C, HSV (Herpes simplex virus) và HIV, chỉ có thể kiểm soát và giảm sự lây truyền bằng cách sử dụng thuốc thường xuyên theo chỉ định. Ngoài ra, bệnh lậu và nhiễm Chlamydia, nếu không điều trị có thể dẫn đến viêm mào tinh, tuyến tiền liệt, niệu đạo… gây vô sinh ở nam giới; còn bệnh giang mai ở nữ giới có thể biến chứng nhiễm trùng, gây vô sinh hoặc bị sẩy thai, sinh non, thai ngoài tử cung, lây truyền bệnh cho con khi sinh.

Sức Khỏe Đời Sống hôm 28 Tháng Mười Hai 2022 cũng khẳng định thống kê tại các bệnh viện cho thấy, người trẻ đặc biệt là học sinh, sinh viên mắc các bệnh STIs như: Giang mai, sùi mào gà, lậu… đang có xu hướng tăng, đặc biệt là nhóm nam quan hệ với nam (MSM).

Bác sĩ Dư Tuấn Quy đang giáo dục giới tính cho trẻ nhiễm HIV tại bệnh viện – Ảnh: Thanh Niên

Bên cạnh đó, nhiều người trẻ nhiễm HIV ở Việt Nam hiện đang bỏ thuốc điều trị, quan hệ tình dục không an toàn. Thanh Niên hôm 19 Tháng Mười Hai 2022 dẫn lời thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Dư Tuấn Quy, trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, bệnh viện Nhi đồng 1, báo động tình trạng trẻ vị thành niên và người trẻ tuổi bị nhiễm HIV bỏ tái khám, bỏ thuốc điều trị ngày càng nhiều.

Ở Việt Nam hiện có khoảng hơn 220,000 người nhiễm HIV, với số ca nhiễm mới hằng năm khoảng hơn 10,000 người, trong đó 70% thuộc độ tuổi từ 16-39 tuổi. Năm 2019, tỷ lệ lây nhiễm HIV có lý do quan hệ tình dục không an toàn là 65%, năm 2020 là 75% và năm 2021 là 79,1%, gia tăng nhanh trong giới trẻ và nhóm MSM, là mối đe dọa lớn đến nền kinh tế và sức khỏe nòi giống.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: