Hà Nội: Phá thai 18 lần, người phụ nữ 25 tuổi bị hiếm muộn

Bác sĩ ở bệnh viện Bưu Điện (Hà Nội) phẫu thuật gỡ dính tử cung cho bệnh nhân – Ảnh: Bác sĩ cung cấp

Một phụ nữ 25 tuổi khi đến bệnh viện Phụ Sản Trung Ương (Hà Nội) khám để biết tại sao bị hiếm muộn (sau ba năm lập gia đình) đã thổ lộ với bác sĩ là từng phá thai đến… 18 lần!

Trao đổi với Vnexpress ngày 5 Tháng Tư, bác sĩ Phan Chí Thành, khoa Khám bệnh thuộc bệnh viện trên, cho biết đây là trường hợp phá thai nhiều lần nhất mà ông gặp, và khẳng định người phụ nữ này rất khó có con tự nhiên, vì tử cung đã bị bào mỏng, bị dính và viêm nhiễm nặng. Nếu chức năng buồng trứng tốt và đủ sức khỏe thì người phụ nữ này phải sử dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo (IVF).

Cũng theo ông Thành, phá thai là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến vô sinh thứ phát (vô sinh sau một lần có thai), vì để lại sẹo ở tử cung hoặc tử cung bị biến dạng, thậm chí tàn phá hệ thống sinh sản như vòi trứng, cổ tử cung, gây tắc, viêm, dính. Tỷ lệ vô sinh ở nhóm phụ nữ từng phá thai cao gấp 4 lần so với người chưa từng phá thai.

Thống kê của Bộ Y tế Việt Nam cho thấy mỗi năm có khoảng 1 triệu cặp vợ chồng bị vô sinh, chiếm tỷ lệ 7.7%,  trong đó chiếm 50% là cặp vợ chồng dưới 30 tuổi. Đặc biệt, tỷ lệ vô sinh thứ phát đang gia tăng 15 – 20% sau mỗi năm và chiếm hơn 50% các cặp vợ chồng vô sinh. Tỷ lệ vô sinh do nam giới chiếm 40%, do nữ giới chiếm 40%, do cả hai vợ chồng 10% và không rõ nguyên nhân 10%.

Một con số giật mình khác đến từ Hội Kế hoạch hóa gia đình: Trung bình mỗi năm Việt Nam có gần 300,000 ca phá thai, trong đó 60-70% là học sinh-sinh viên và 30% thuộc độ tuổi 15-19.

Kết quả khảo sát hành vi tình dục hơn 7,700 học sinh 13-17 tuổi tại 81 trường ở 21 tỉnh thành, so sánh năm 2013 và 2019, do Bộ Y tế công bố hôm 25 Tháng Tư 2022 cho thấy trẻ dưới 14 tuổi ở Việt Nam có quan hệ tình dục gia tăng 135% sau 6 năm – Đồ họa: Hoàng Khánh/Vnexpress

Trước đó, theo Vnexpress ngày 19 Tháng Hai 2023, Hà Nội cũng có hai trường hợp phụ nữ bị hiếm muộn đến khám tại bệnh viện Bưu Điện, nguyên nhân cũng là do từng phá thai. Một phụ nữ tên Ngọc 27 tuổi, từng phá thai năm 19 tuổi, nay bị dính tử cung, một nguyên nhân gây vô sinh ở phụ nữ, phải mổ nội soi gỡ dính. Một phụ nữ khác tên Xuân 25 tuổi, từng phá thai hai lần năm 18 và 19 tuổi, nay bị ứ dịch hai vòi trứng do viêm nhiễm. Để Xuân có hy vọng cấn thai, bác sĩ phải mổ kẹp vòi trứng ứ dịch, sau đó làm IVF, vừa tốn tiền vừa tổn hại sức khỏe.

Theo nghiên cứu của Quỹ Dân Số Liên Hiệp Quốc (UNFPA), năm 2022 Việt Nam thuộc nhóm 20 quốc gia có tỷ lệ phá thai vị thành niên cao nhất thế giới. Cũng theo UNFPA, chỉ 20% nữ giới Việt (hoặc 4% nữ giới từ 15-19 tuổi) chưa kết hôn sử dụng biện pháp tránh thai khi quan hệ tình dục.

Cũng theo nghiên cứu này, tỷ lệ vô sinh do dính tử cung chiếm khoảng 5% số trường hợp vô sinh, trong đó 95% là sau phá thai. Còn vô sinh do tắc hoặc ứ dịch vòi trứng chiếm tới 40%, trong đó 50% từng phá thai. Tỷ lệ nữ giới từng phá thai bị sẩy thai khi mong muốn có con cũng cao hơn nhóm chưa từng phá thai, do cổ tử cung đã bị tổn thương.

Với những trường hợp bị dính tử cung hoặc ứ dịch vòi trứng, bác sĩ phải mổ nội soi gỡ dính buồng tử cung hoặc gỡ dính vòi trứng. Nhiều trường hợp sau đó cũng không có thai tự nhiên mà phải làm IVF rất tốn kém. Chi phí mổ dính tử cung hoặc vòi trứng từ 10 triệu – 20 triệu đồng ($426-$852), còn trung bình một ca thụ tinh ống nghiệm chi phí khoảng 100 triệu đồng ($4,261) nhưng tỷ lệ thành công chỉ đạt 55-60%.

Hồi cuối Tháng Chín 2022, tại hội nghị nhân Ngày tránh thai thế giới, ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng Cục trưởng Dân số Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) cho biết hơn 53% ca phá thai ở Việt Nam là mang thai ngoài ý muốn vì không áp dụng các biện pháp tránh thai an toàn. Theo kết quả Điều tra các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ Việt Nam 2020-2021 do Tổng cục Thống kê, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) và UNFPA thực hiện, số lần phá thai trung bình ở nữ giới Việt (đã từng phá thai) là 1.3 lần. Trong nhóm này, 73.1% đã từng phá thai một lần; 21.8% đã từng phá thai hai lần và 5.1% đã từng phá thai ít nhất ba lần.

Tỷ lệ phá thai cao nhất ở nữ giới từ 25-29 tuổi (9 lần/1,000 người), tiếp theo là nhóm 20-24 tuổi (7 lần/1,000 người), nhóm 30-39 tuổi (6 lần/1,000 người) và cuối cùng là nhóm vị thành niên 15-19 tuổi (1 lần/1,000 người).

Tại sao tỷ lệ phá thai cao nhất lại thuộc về nhóm 25-29 tuổi? Do họ mới đi làm, công việc chưa ổn định, mặt khác muốn có cơ hội thăng tiến nhanh nên lỡ có thai là phá. Mặt khác, có thể bạn trai của họ không đồng ý tiến tới hôn nhân hoặc không bảo đảm tài chánh cho họ nên họ quyết định phá thai để khỏi vướng bận.

Điều đáng sợ nhất là hành động phá thai ở Việt Nam được đa số nữ giới Việt coi là bình thường, vì các bệnh viện, thậm chí là phòng khám tư nhân…. đều nhận làm thủ thuật này và luôn đồng ý phá thai theo yêu cầu của khách hàng, không hề có sự tư vấn về tác hại của việc phá thai để khách hàng phải cân nhắc và suy nghĩ lại.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: