Mới hôm trước có tin UBND TP. Hà Nội quyết định tổ chức bán 600 biệt thự cổ ở các quận trung tâm thành phố, thì ngày 19 Tháng Tư, chính quyền Hà Nội lại ra quyết định “tạm dừng bán” những căn biệt thự này để “ra soát tổng thể, báo cáo chi tiết các cấp có thẩm quyền”.
Việc thay đổi quyết định “như chong chóng” của UBND TP. Hà Nội khiến dân tình xôn xao. Nhiều người cho rằng đây là “miếng bánh béo bở” mà các đại gia bất động sản và lãnh đạo chính quyền không muốn bị “rơi vãi” ra ngoài công chúng, nên tìm cách “chặn” quyết định này lại để tính kế.
Trước đó, UBND TP Hà Nội ban hành quyết định về giải pháp đẩy mạnh công tác quản lý, sử dụng các biệt thự công được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 – 2025. Theo đó, Hà Nội sẽ tiếp tục bán 600 biệt thự cũ thuộc danh mục được bán, thuộc sở hữu nhà nước, đang bán dở dang…
Việc bán biệt thự nhằm tạo lập nguồn vốn để thực hiện việc cải tạo, chỉnh trang, tái thiết khu nội đô lịch sử đối với các công trình nhà cổ, biệt thự cũ, các công trình kiến trúc khác.

Theo số liệu từ chính quyền, hiện trên địa bàn thành phố có 1,216 biệt thự, gồm: 367 biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước; 732 biệt thự thuộc sở hữu hỗn hợp giữa Nhà nước với các hộ dân hoặc giữa các hộ dân với nhau và 117 biệt thự thuộc sở hữu tư nhân. Các biệt thự cũ chủ yếu được xây dựng trước năm 1954 chủ yếu nằm ở các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa và Tây Hồ.
Trong khi đó, tại họp báo chiều 19 Tháng Tư, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Mạc Đình Minh cho biết, qua rà soát, Hà Nội được phép bán 600 biệt thự cũ theo đúng quy định của pháp luật. Việc bán biệt thự nói trên chỉ thực hiện với các hộ, cá nhân đang ở trong biệt thự.
Ông Minh không cho biết cách định giá của từng biệt thự như thế nào, và nếu người đang ở trong những biệt thự được bán đó, không đủ tiền mua thì có được công khai bán hoặc để công chúng đấu giá hay không, hoặc thành phần nào được mua những căn biệt thự đó?