Hai bài toán khó của tân Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam

Tân Đại sứ Hoa Kỳ Marc Knapper đến Hà Nội. Ảnh FB Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Saigon

Tân Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper đã đến Hà Nội tối ngày 27 Tháng Giêng vừa qua, chuẩn bị thực hiện nhiệm vụ người đại diện cho chính phủ Mỹ trong một nhiệm kỳ được dự báo là rất nhiều thách thức.

Trang Facebook của Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Sài Gòn hôm 27 Tháng Giêng đăng ảnh Đại sứ Knapper cùng phu nhân đưa tay chào, với dòng thông báo: “Tôi và gia đình đã tới Hà Nội an toàn vào đêm qua, bắt đầu những ngày cách ly. Chúng tôi rất mong được gặp những người bạn và những đối tác Việt Nam trong thời gian sớm nhất!”

Ông Knapper, 50 tuổi, được Tổng thống Joe Biden đề cử làm đại sứ ở Việt Nam thay cựu Đại sứ Daniel Kritenbrink trở về nhận công việc mới tại Bộ Ngoại Giao. Đề cử của Tổng thống Biden được Thượng Viện chuẩn thuận hôm 18 Tháng Mười Hai và ông Knapper tuyên thệ nhậm chức đại sứ vào ngày 30 Tháng Mười Hai 2021 tại thủ đô Washington.

Đại sứ Marc Knapper là nhà ngoại giao chuyên nghiệp, có nhiều kinh nghiệm về Việt Nam. Ông đã từng đảm nhiệm công việc Tham tán Chính trị của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội trong ba năm 2014-2017 và có thể sử dụng thông thạo ba ngôn ngữ: tiếng Việt, tiếng Hàn và tiếng Nhật. Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ dẫn nhận xét của hai người từng làm việc cùng ông Knapper tại Hà Nội cho rằng ông Knapper là người có kiến thức uyên thâm, tư duy sắc sảo, có quan điểm cân bằng, không định kiến về Việt Nam.

Nhưng lần này quay lại Việt Nam với cương vị đại sứ của chính quyền Biden, ông Knapper có thể phải đối mặt với những thách thức không nhỏ do tình hình khu vực đã thay đổi nhiều, trong đó nổi bật là cuộc cạnh tranh ảnh hưởng ngày càng gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc mà Việt Nam là nước chịu nhiều tác động nhất.

***

Cốt lõi trong chính sách Châu Á của chính quyền Biden là vận động các quốc gia dân chủ cùng chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc để bảo vệ các giá trị và nguyên tắc dân chủ – tự do. Tổng Thống Biden nhiều lần cam kết khôi phục vai trò của Mỹ với tư cách là người bảo vệ dân chủ và nhân quyền trên toàn thế giới và sẽ đánh giá các quốc gia dựa trên hồ sơ về các vấn đề nhân quyền của họ. 

Với Việt Nam, chính phủ Biden một mặt muốn quan hệ mật thiết hơn, muốn Hà Nội hợp tác tích cực hơn với đồng minh ngăn chặn ảnh hưởng chính trị và kinh tế của Bắc Kinh, ủng hộ một “trật tự quốc tế dựa trên luật lệ,” nhưng mặt khác cũng muốn Việt Nam cải tổ chính trị, tôn trọng nhân quyền, tự do dân chủ. Nên để ý rằng, dân chủ và nhân quyền không phải là những đòi hỏi riêng của Hoa Kỳ mà là những giá trị phổ quát của nhân loại mà chính những người cộng sản Việt Nam cũng đã công nhận qua việc ký kết tham gia các công ước của Liên Hiệp Quốc; hiến pháp Việt Nam cũng có những điều khoản tôn trọng các quyền dân sự và chính trị của công dân.

Nhưng trong thực tế nhà cầm quyền Việt Nam vẫn tiếp tục chính sách đu dây giữa hai cường quốc, vừa muốn đẩy mạnh xuất cảng hàng hóa sang Mỹ lấy thặng dư thương mại bù vào phần thâm hụt do kinh tế quá phụ thuộc vào Trung Quốc gây ra; vừa muốn lợi dụng uy lực của Mỹ để kìm hãm sự hung hăng của Trung Quốc nhưng không dám tiến gần tới Mỹ vì sợ Bắc Kinh trả đũa.

Trong đối nội, đảng Cộng Sản Việt Nam lo sợ nhất là sự chống đối của người dân trong nước đang bất mãn sâu sắc với sự cai trị của đảng, bùng phát thành các cuộc đấu tranh đòi đất đai nhà cửa, đòi môi trường trong sạch, đòi quyền tối thiểu của người lao động. Cũng giống như các chính thể độc tài khác, Việt Nam coi sự phản kháng của người dân là “do thế lực thù địch kích động” chứ không phải do các chính sách cai trị tệ hại của đảng cầm quyền. Mà trong cái gọi là “thế lực thù địch” của Việt Nam, Hoa Kỳ luôn bị xếp đầu bảng, một phần do nước Mỹ có cộng đồng người Việt hải ngoại đông đảo nhất, chống cộng mạnh mẽ nhất. Báo cáo của Viện Nghiên Cứu Chính Sách Công của Quốc Hội Mỹ công bố ngày 16 Tháng Hai, 2021 nhận định, các nhà lãnh đạo Việt Nam luôn “nghi ngờ mục tiêu lâu dài của Hoa Kỳ là chấm dứt quyền lực độc tôn của đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN)”.

Sau đại hội đảng CSVN lần thứ 13 đầu năm 2021, giới lãnh đạo Việt Nam có dấu hiệu nghiêng mạnh về phía Trung Quốc. Ông Nguyễn Phú Trọng, một nhà lý luận giáo điều, tôn sùng mô hình Trung Quốc, tiếp tục nắm quyền tổng bí thư đảng thêm nhiệm kỳ thứ ba bất chấp sức khỏe yếu kém. Ông Phạm Minh Chính, người mới được đưa vào chức vụ lãnh đạo chính phủ, cũng là một nhân vật thân Trung Quốc thể hiện rõ trong thời kỳ ông làm bí thư tỉnh ủy tỉnh Quảng Ninh trước khi đảm nhiệm chức trưởng ban tổ chức trung ương đảng – chuyên sắp xếp nhân sự cho bộ máy lãnh đạo cấp cao.

Bộ đôi Trọng và Chính – cùng với Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, đã làm việc rất hiệu quả để xóa sạch các mầm mống phản kháng ở trong nước. Chưa bao giờ phong trào đấu tranh dân chủ bị đàn áp khốc liệt, số nhà hoạt động và bất đồng chính kiến bị bắt bớ, giam cầm và xử những án tù nặng nề nhiều như trong thời gian một năm qua. 

***

Ông Marc Knapper tuyên thệ nhậm chức Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam. Ảnh Đại sứ quán HK

Tân Đại sứ Knapper phải giải một bài toán khó, làm thế nào cân bằng yêu cầu có vẻ đối kháng nhau của chính phủ Hoa Kỳ là muốn gia tăng hợp tác với Việt Nam để Hà Nội trở thành một đối tác tin cậy về an ninh, vừa muốn Việt Nam cải cách theo hướng dân chủ hóa, đề cao các giá trị tự do và nhân quyền. Nếu làm căng về dân chủ nhân quyền thì có thể đẩy Hà Nội lún sâu hơn vào vòng ảnh hưởng của Bắc Kinh, ngược lại nếu chỉ chú trọng vào hợp tác thì sẽ đi ngược với hệ giá trị của Mỹ và chính sách châu Á của chính quyền Biden.

Đối với chính quyền Việt Nam, tân Đại sứ Marc Knapper cũng không dễ dàng. Ông sẽ làm gì để giảm nhẹ cái bóng Trung Quốc đang đè lên giới lãnh đạo Hà Nội, để họ tin tưởng vào thiện chí hợp tác của Hoa Kỳ, giúp cho họ nhận ra và tôn trọng khát vọng dân chủ và phú cường của người dân Việt Nam? Tất nhiên không ai đòi hỏi ở một vị đại sứ ngoại quốc cái trách nhiệm “khai sáng” cho cả một đảng cầm quyền quen thói độc tài toàn trị, mà chỉ có thể hy vọng sự thay đổi người lãnh đạo phái bộ Hoa Kỳ sẽ kéo theo những sự thay đổi tiến bộ hơn ở Việt Nam.

Giả sử ông tân Đại sứ có thể vận động đảng CSVN thực thi các quyền tự do dân chủ đã được ghi trong Hiến Pháp 2013, bãi bỏ các điều phi lý và vi hiến trong bộ luật Hình sự như điều 331 (lợi dụng các quyền tự do dân chủ), điều 117 (tuyên truyền chống nhà nước) v.v… để đổi lấy đầu tư và viện trợ về an ninh, kinh tế, công nghệ của Hoa Kỳ chẳng hạn thì đó đã là một thành tích đẹp trong nhiệm kỳ đại sứ của ông.

Là người thông thạo tiếng Việt, mong sao ông tân đại sứ Knapper sẽ dành nhiều thời gian tiếp xúc với các tầng lớp dân chúng ở hai miền Nam-Bắc, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân, đặc biệt là của giới xã hội dân sự và những người đấu tranh đang bị giam cầm trong các nhà tù, để có những nhận định chính xác, những đề nghị tốt cho chính phủ Biden trong tình hình mới. 

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: