Hai di tích của các cung nữ và thái giám triều Nguyễn bị bỏ hoang 

Khu nghĩa địa lạnh lẽo của các thái giám triều Nguyễn trong khuôn viên chùa Từ Hiếu – Ảnh: VTC News

Bình An Đường và nghĩa địa các thái giám triều Nguyễn đang dần trở nên hoang phế.

VTC News ngày 10 Tháng Ba 2023 đã làm phóng sự ảnh về sự hoang phế của hai di tích này, xem như số phận hẩm hiu của các cung nữ và thái giám triều Nguyễn.

Bình An Đường là nơi chữa bệnh cho các cung nữ và thái giám nhà Nguyễn, được xem như một y viện dành riêng cho họ. Nhìn hình ảnh, Bình An Đường – một y viện cung đình, trông giống như một ngôi nhà vườn Huế nhỏ, có bề ngang rộng với kiểu cửa gỗ thường thấy ở miền Trung, tọa lạc ở góc đường Đoàn Thị Điểm – Đặng Thái Thân, phường Thuận Thành, TP.Huế. 

Theo Lịch triều hiến chương loại chí thì Bình An Đường được xây dựng hồi năm 1823, theo ý chỉ của vua Minh Mạng. Vị vua này có nhiều vợ, con đông nên cần số lượng thái giám, cung nữ đông đảo để phục vụ. Để chữa trị cho hàng ngàn con người ấy mỗi khi ốm đau, bệnh tật… Minh Mạng cho xây riêng một khu an dưỡng, khám, điều trị bệnh, dưới sự trông coi của Thái Y Viện. Để tiện cho việc họ đi lại và điều trị, Bình An Đường được xây dựng sát bên cửa hậu của Hoàng thành Huế (hiện nay là đường Đặng Thái Thân, TP.Huế). 

Bình An Đường có khu nhà khám, bốc thuốc, châm cứu… để chữa bệnh và nhà an dưỡng dành cho những bệnh nhân già, yếu. Phía Bắc của Bình An Đường là Cung Giám Viện, nơi các thái giám ăn ở, chờ đợi được khám, chữa bệnh (tách riêng khu thái giám với cung nữ). Tất cả thuốc men điều trị đều lấy trong kho thuốc Hoàng cung, bệnh nhân không phải trả tiền, còn thầy lang chữa trị tại Bình An Đường do Thái Y Viện phân công. 

Sau chiến tranh, Bình An Đường được phục dựng để phục vụ du khách tham quan, giới thiệu một số loại dược phẩm truyền thống như rượu thuốc Minh Mạng, trà cung đình, các bài thuốc Đông y,… và trưng bày những hình ảnh, hiện vật liên quan đến đời sống các cung nữ xưa.

Rồi có thời gian di tích này được “trưng dụng” để mở quán cà phê. Không hiểu vì lý do gì, Bình An Đường bỗng bị bỏ hoang, nay di tích này đang dần bị hư hỏng, cỏ dại mọc cả lên mái nhà. Còn tranh ảnh vật dụng bên trong thì bị vất chỏng trơ, xiêu vẹo, mạng nhện giăng đầy. Bên ngoài Bình An Đường có một tấm bảng vốn được in thông tin về lịch sử của khu nhà thì chữ còn chữ mất, xiêu vẹo một góc. 

Bình An Đường, di tích lịch sử triều Nguyễn nay thành căn nhà hoang, nơi trú ngụ của dân bụi đời – Ảnh VTC News

Việc Bình An Đường hoang phế với thời gian làm hình ảnh di sản Huế bị xấu đi trong mắt du khách, vì di tích này nằm ngay trong Kinh thành Huế, sát với di tích Đại Nội Huế – hai điểm du lịch nổi tiếng và hàng ngày đón rất nhiều du khách.

Chung số phận hẩm hiu với Bình An Đường là  khu nghĩa trang thái giám trong chùa Từ Hiếu (thôn Dương Xuân Thượng III, phường Thủy Xuân, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế), nằm cách Bình An Đường 10 km (6.21 miles). Chùa Từ Hiếu là ngôi cổ tự nổi tiếng ở Huế, được thiền sư Thích Nhất Hạnh chọn làm nơi an dưỡng cuối đời khi trở về Việt Nam, còn được gọi là chùa thái giám, vì xưa kia lúc mới thành lập, các vị thái giám là thí chủ cúng dường xây dựng chùa.

Khu nghĩa địa rộng 1,000 m2 (10,763 square feet), là nơi an nghỉ của 25 vị thái giám nhà Nguyễn, nằm trên một quả đồi giữa rừng thông cổ thụ và vắng bóng người.

Thời nhà Nguyễn, trung bình mỗi đời vua có khoảng 200 thái giám. Các thái giám sẽ sống suốt đời trong cung đến cuối đời, khi về già họ sẽ nằm chờ chết tại tòa nhà phía Bắc Hoàng thành, gọi là Cung Giám Viện ở gần Bình An Đường chứ không được chết ở trong cung. Vì thế, từ thời trẻ, các thái giám đã dành dụm tiền để tìm nơi chôn cất cho chính mình lúc chết. 

Tương truyền, trong tiến trình mở rộng Thảo Am Đường thành chùa Từ Hiếu có sự đóng góp không nhỏ của một thái giám nhà Nguyễn có tên Châu Phước Năng. Vị thái giám này kêu gọi các thái giám trong triều đình quyên góp mở rộng Thảo Am Đường, để sau này có nơi yên nghỉ, việc làm này được vua Tự Đức chấp thuận.

Bên trong Bình An Đường, tranh ảnh xệu xạo, dơ bẩn, trở thành nơi chứa rác – Ảnh: VTC News

Do có công đóng góp xây dựng chùa nên khi chết các vị thái giám này được chôn cất tại một quả đồi nhỏ trong khuôn viên chùa Từ Hiếu. 

Trong 25 ngôi mộ, có hai mộ gió (có mộ nhưng không có thi hài) và chỉ 21 ngôi mộ có thể đọc được chữ trên bia. Ngôi mộ số 22 có chữ trên bia còn khá rõ: “Hoàng triều cung giám viện, quảng vụ Nguyễn Hầu, quê ở thôn Nhi, Hà Nội, mất Tháng Giêng năm Khải Định thứ 5”. Một bia đá dựng trong nghĩa địa, có những dòng chữ nói về số phận hẩm hiu của các thái giám lúc về già: “Khi còn sống chúng tôi nương nhờ cửa Phật, mà khi chết thì biết nương nhờ vào đâu? Nhận thấy rằng phía Tây thành có một miếng đất nên lấy gạch xây thành để có nơi thờ cúng về sau, gần với Phật mới là nơi thờ tự lâu dài, bằng hữu ốm đau có nơi chữa bệnh, ai nằm xuống có nơi để mà tống táng…”. Thế mà, hiện nay một số kẻ thiếu ý thức còn lên khu nghĩa địa các thái giám để tô vẽ bậy. 

Việc nhang khói ở khu nghĩa địa thái giám đều trông cậy vào các vị tu hành trong chùa Từ Hiếu. Hàng năm cứ đến đầu Tháng Mười Một âm lịch, chùa lại tổ chức hiệp kỵ, cúng viếng cho các vị thái giám. 

Chùa Từ Hiếu, ban đầu chỉ là “Thảo am an dưỡng” được hòa thượng Nhất Định khai sơn hồi năm 1843, để tịnh tu và nuôi dưỡng mẹ già. Ông là người con có hiếu, nghe tiếng nên vua Tự Đức ban cho “Sắc tứ Từ Hiếu tự”. Chùa được mang tên Từ Hiếu từ đó. Trong tấm bia ghi lại quá trình xây dựng chùa giải thích: Từ: là đức lớn của Phật, nếu không từ thì lấy gì tiếp độ tứ sanh cứu giúp vạn loại; Hiếu: là đầu hạnh của Phật, nếu không hiếu thì lấy gì để đạt thông cõi nhiệm bao phủ đất trời.

Cùng với ban cấp kinh phí của vua Tự Đức, sự đóng góp của Phật tử, nhà chùa còn được xây dựng từ tiền cúng dường của các vị quan triều Nguyễn, nhiều nhất là các vị thái giám và đến năm 1848, Từ Hiếu trở thành một ngôi chùa lớn.

Năm 1894, Hòa thượng Cương Kỷ tiếp tục trùng tu và kiến thiết toàn cảnh chùa với sự giúp đỡ của vua Thành Thái, giám quan và các Phật tử.

Chùa Từ Hiếu nằm khuất trong một rừng thông trên một vùng đồi của phường Thủy Xuân, diện tích khoảng 8ha (19.7 Acres), phía trước có khe nước uốn quanh, phong cảnh thơ mộng.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: