Hải Phòng: Bị giết vì cùng phe phản đối tiếng ồn

Chỉ vì không chịu nổi tiếng ồn, trong lúc nóng giận, ông Lê Công Bình đã trở thành thủ phạm giết người ngày 13 Tháng Ba 2023 – Ảnh: Thanh Niên

Án mạng có nguyên nhân là tiếng ồn ở Việt Nam hiện cũng là điều đáng báo động, chả kém gì ma túy đá.

Hôm 1 Tháng Tư 2023, tin không phải “cá Tháng Tư”, là một cuộc “hỗn chiến ở Hải Phòng” (chữ dùng của truyền thông trong nước) khiến một người đàn ông bị đâm chết. Thủ phạm là ông Nguyễn Hữu Sơn (57 tuổi, ngõ 199 Tô Hiệu, phường Trại Cau, quận Lê Chân) đã bị bắt.

Trước đó, ngày 31 Tháng Ba, ông Sơn đã mở nhạc hát karaoke rất to tại nhà, khiến hàng xóm là ông Nguyễn Anh Tuấn (33 tuổi) chịu không nổi chạy sang nhắc nhở. Hai bên đã cãi vã vì ông Sơn không chịu nhận lỗi. Thấy vậy, bạn ông Tuấn là ông Nguyễn Đức Tiến (37 tuổi, ngụ phường Cầu Đất, quận Ngô Quyền) đã vào can ngăn. Thế là ba người thân của ông Sơn là Nguyễn Xuân Tùng (43 tuổi), Lê Ngọc Trung (42 tuổi) và Nguyễn Đồng Thịnh (40 tuổi), tất cả đều ngụ quận Lê Chân, lao đến bênh vực ông Sơn. Trong lúc xô xát, ông Sơn đã dùng cây giáo đâm trúng ông Tiến khiến nạn nhân gục xuống và chết trên đường đi cấp cứu.

Công an có mặt tại hiện trường đã tịch thu được hai con dao gọt trái cây và một cây thép gắn mũi nhọn dạng đầu giáo.

Theo phản ảnh của một số người dân là hàng xóm của ông Sơn, ông này nhiều lần mở nhạc to, gây ồn ào, ảnh hưởng đến mọi người, nhưng nhắc nhở thì ông không hài lòng.

Từ đầu năm 2023, đây không phải là vụ án mạng duy nhất có nguyên nhân từ tiếng ồn. Ngày 14 Tháng Ba 2023, Công an Đà Nẵng cũng bắt giam một thủ phạm giết người vì tiếng ồn, đó là ông Lê Công Bình (31 tuổi, quê thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, tạm trú đường Phạm Như Xương, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng).

Án mạng xảy ra tại dãy phòng trọ đường Phạm Như Xương vào đêm 13 Tháng Ba. Bốn người cùng ở trọ như Bình là Mai Nhân Phương (34 tuổi, quê huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai), Trần Văn Thắng (32 tuổi, quê thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình), Đinh Thị Thương (22 tuổi, quê huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) và em gái Đinh Thị Yêu (19 tuổi) đã ngồi nhậu trước dãy phòng trọ và sử dụng loa kẹo kéo để hát karaoke.

Hiện trường vụ án mạng ở Hải Phòng tối 31 Tháng Ba 2023 – Ảnh: Công an cung cấp

Khi cả nhóm đang hát karaoke thì ông Lê Công Bình đến bàn nhậu đề nghị ông Thắng ngừng hát, tắt nhạc đi ngủ để không làm phiền xóm trọ. Thắng không đồng ý và hai bên đã đánh nhau. Mặc dù Bình đã giải thích xóm trọ chủ yếu là người lao động cần nghỉ ngơi ban đêm, nhưng Thắng vẫn không chịu dẹp loa kẹo kéo. Trong lúc xô xát, Bình bất ngờ rút dao từ túi quần cắt cổ ông Thắng khiến nạn nhân mất máu, tử vong tại chỗ.

Sau khi giết người, Bình đến Công an phường Hòa Khánh Nam đầu thú và khai báo sự việc. Nhìn khuôn mặt thất thần của Bình tại văn phòng công an phường, mới thấy người thanh niên này cũng là nạn nhân của một xã hội không hề có tôn ti trật tự, “mạnh ai nấy tự xử”.

Với kết quả gần 4 triệu bài báo trên Google với từ khóa “Án mạng từ tiếng ồn ở Việt Nam”, cho thấy tiếng ồn đã trở thành nguyên nhân của nhiều vụ án mạng xảy ra từ năm 2015. Đa số vụ án mạng đều xảy ra giữa hai người hàng xóm, khi một bên hát karaoke bằng loa kẹo kéo (loại loa khuyếch đại âm thanh) khiến hàng xóm không chịu nổi. Đa số vụ án mạng thì người bị giết chính là kẻ gây ồn. Còn vụ xảy ra ngày 31 Tháng Ba 2023 ở Hải Phòng là “oan ơi ông địa” khi người bị giết lại là người can ngăn xô xát giữa bạn mình và ông hàng xóm – thủ phạm gây ồn.

Không phải Việt Nam không có luật xử người gây ra tiếng ồn. Điểm a, khoản 1, điều 6 nghị định 167/2013/NĐ-CP về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội quy định: Gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc bị phạt tiền 100,000-300,000 đồng ($4.2-$12.7). Ngoài ra, nếu gây ra tiếng ồn vượt quá giới hạn cho phép sẽ bị xử phạt hành chính theo điều 17 nghị định 155/2016 từ 1 triệu – 160 triệu đồng ($42 – $6,818). Có luật, nhưng tại sao người dân phải “tự xử” với nhau? Vì họ bất lực không cầu cứu được ai, gọi công an địa phương thì hên xui mới có người chịu xuống nhắc nhở, nên thường người dân “tự xử”. Mà “tự xử” trong cơn nóng giận thì ai cũng thấy mình đúng, khó ai kiềm chế được.

Tiếng ồn ở các đô thị Việt Nam, trong đó có Sài Gòn, đúng là “kẻ giết người thầm lặng”. Khi ra đường, tiếng còi xe đủ loại đã làm người dân khổ sở, về nhà lại gặp trúng hàng xóm thích hát karaoke với âm thanh khuyếch đại thì… thật quá dễ điên.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: