Hát quan họ và cảnh “ngửa nón nhận tiền”

Ảnh cắt từ video trên VnExpress – Các đoàn hát quan họ trên thuyền phải xin tiền

Hôm 29 Tháng Giêng 2023, các báo Việt Nam đăng tin ban tổ chức lễ hội Lim ra thông báo nghiêm cấm tất cả các hình thức hát quan họ “ngửa nón nhận tiền”.

Thông tin này xuất hiện sau khi clip quay một liền chị (cách gọi người nữ hát quan họ Bắc Ninh) bị ngã xuống nước khi đang đứng trên thuyền cầm nón quai thao xin tiền của khán giả đứng trên bờ. May mà nhờ biết bơi và được các bạn trên thuyền ứng cứu, liền chị đó leo lên thuyền trở lại.

Clip được đăng trên fanpage của SaigonTV, không rõ tác giả, không rõ thời gian quay, với giọng bình: “Tội nghiệp liền chị bị ngã xuống nước trong thời tiết lạnh giá (trên dưới 12 độ C) ở miền Bắc, đã vậy tiền nhận được từ khán giả đựng trong nón bị cuốn trôi hết”. Cuối đoạn clip, nữ bình luận viên còn đọc câu thơ châm biếm của bạn đọc: “Chị cả ngồi tựa màn thuyền – Chị hai xuống nước vớt tiền mua rau”.

Để giữ sĩ diện, ban tổ chức lễ hội Lim liền ra thông báo cấm các hình thức hát quan họ “ngửa nón nhận tiền” tại lễ hội này. Điều đáng nói là thông báo với nội dung tương tự đã được ban tổ chức hội Lim đưa ra từ tết 2013, tức 10 năm nay. Vì sao chỉ là cấm mà không tìm cách khác tốt hơn để có thể duy trì nét văn hóa đặc trưng của Bắc Ninh?

Hội Lim là một lễ hội lớn của tỉnh Bắc Ninh, là nét văn hóa độc đáo của vùng Kinh Bắc, thu hút đông đảo du khách. Hội Lim năm 2023 sẽ được tổ chức từ ngày Hai đến ngày Ba Tháng Hai (tức ngày 12 và 13 Tháng Giêng năm Quý Mão), sau ba năm bị tạm ngưng vì đại dịch Covid-19. Hội Lim 2023 sẽ diễn ra tại ba xã thuộc tổng Nội Duệ xưa, nay là thị trấn Lim, xã Nội Duệ và xã Liên Bão (huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh). Trong đó, trung tâm lễ hội là núi Hồng Vân (núi Lim), thị trấn Lim.

Phần lễ gồm có: Dâng hương tại chùa Hồng Ân, lăng tướng công Nguyễn Đình Diễn trên đồi Lim (ngày 2 Tháng Hai); rước sắc từ đình làng Đình Cả sang đình làng Lộ Bao và tế lễ dâng hương theo nghi thức truyền thống tại các đình, đền chùa ở các làng thuộc xã Nội Duệ, xã Liên Bão và thị trấn Lim (ngày 3 Tháng Hai).

Hội Lim, Bắc Ninh (ảnh: ITN)

Phần hội diễn ra tại nhiều địa điểm khác nhau, với nhiều hoạt động như tổ chức hát đối đáp quan họ tại trung tâm đồi Lim; tổ chức hát quan họ dưới thuyền tại khu vực hồ Vân Tương… Ngoài ra, tại các khu vực khác tại ba xã diễn ra lễ hội cũng có các hoạt động khác như tổ tôm điếm, thư pháp, hội thơ, thi cờ người, bóng chuyền hơi, tổ chức các canh hát quan họ truyền thống tại nhà chứa quan họ, hát quan họ tại cửa đình, cửa chùa, hát quan họ dưới thuyền, hát quan họ tại các gia đình nghệ nhân…

Hồi Tết năm 2017, đội hát quan họ ngả nón xin tiền trong hội Lim đã bị ban tổ chức dừng hoạt động. Tại các lán quan họ ở lễ hội những liền anh liền chị thay vì đi mời trầu hay ngửa nón nhận tiền thưởng từ du khách thì họ mời mọi người mua băng đĩa các bài hát quan họ hay sách in các bài hát quan họ… Ban tổ chức hội Lim khi hay biết đã tịch thu sản phẩm họ bày bán.

Trao đổi với VnExpress vào Tháng Hai 2017, chuyên viên văn hóa Bùi Trọng Hiền, thuộc Viện Văn hoá nghệ thuật quốc gia Việt Nam, cho rằng các liền anh liền chị không nên ngửa nón quai thao để nhận tiền ném từ bờ ao xuống trong lễ hội Lim, thay vào đó các câu lạc bộ nên đặt thùng ủng hộ đặt ở bờ ao hay góc lán biểu diễn, để khán giả muốn thưởng tiền cho người hát sẽ tự bỏ vào.

Từng tham gia làm hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận quan họ Bắc Ninh là di sản văn hóa của nhân loại, ông Bùi Trọng Hiền cho biết việc thưởng và nhận tiền cho người hát có cách đây vài chục năm khi quan họ Bắc Ninh chuyển sang hình thức biểu diễn bán chuyên nghiệp.

Theo ông, thời xưa, quan họ là một thú chơi nghệ thuật của các nhóm liền anh, liền chị kết nghĩa với nhau, cùng nhau hát đối đáp trong ngày hội xuân như một cách giao duyên, không phục vụ cộng đồng. Khi thú chơi văn hóa này được khôi phục hồi năm 1986, các câu lạc bộ quan họ mới lập ra các đội, sắm loa, đàn… với mục đích kiếm tiền, trở thành văn nghệ làng, hình thức biểu diễn bán chuyên nghiệp, chuyển từ hát cho nhau nghe thành hát cho cộng đồng.

Lúc đầu, ông Hiền rất khó chịu trước hình ảnh liền anh liền chị hát quan họ ngửa nón xin tiền tại lễ hội vùng Lim, nhưng khi tìm hiểu, ông biết những câu lạc bộ hát quan họ không được cấp kinh phí hoạt động, trong khi việc sắm trang phục, thuê loa, đàn, thuyền rồng biểu diễn… đều cần tiền. Hát ở lễ hội vùng Lim do đó trở thành dịp để các câu lạc bộ kiếm thêm thu nhập, trang trải chi phí duy trì hoạt động.

Nguyễn Chí Bền, cựu Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cũng cho rằng, hát quan họ ngày nay để phục vụ công chúng đến xem hội thì việc được nhận tiền công biểu diễn là đương nhiên. Song, hình thức nhận cần tế nhị hơn, không nên giơ nón, giơ khay xin tiền du khách.

10 cái Tết trôi qua, năm nay ban tổ chức hội Lim lại tiếp tục cấm mà không tìm cách giải quyết vấn đề này từ gốc, nhằm duy trì một lễ hội văn hóa và bảo đảm đời sống cho các nhóm liền anh, liền chị Bắc Ninh. Để các nghệ sĩ hát quan họ Bắc Ninh phải rơi vào tình cảnh “ăn xin” như bình luận của độc giả sau khi xem clip liền chị bị ngã xuống nước là lỗi của ban tổ chức hội Lim, lẽ ra họ phải chấn chỉnh lại cách tổ chức thay vì đưa thông báo cấm.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: