Hoa Kỳ, EU lên tiếng đòi trả tự do cho cô Phạm Đoan Trang

Sau gần hai năm bị giam giữ trong điều kiện khắc nghiệt, cô Phạm Đoan Trang ra tòa phúc thẩm hôm 25 Tháng Tám với thần sắc rất xấu. Ảnh TTX-VN

Ngay sau khi có tin tòa án phúc thẩm ở Hà Nội tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm chín năm tù đối với cô Phạm Đoan Trang, nhà báo, nhà đấu tranh không mệt mỏi cho dân chủ và nhân quyền của Việt Nam, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tại thủ đô Washington đã ra tuyên bố gọi đây là “một mô hình đáng báo động về việc bắt giữ và kết án các cá nhân ở Việt Nam vì đã bày tỏ ý kiến ​​một cách ôn hòa”, kêu gọi Việt Nam trả tự do cho cô Trang và cho phép mọi cá nhân ở Việt Nam thực hiện quyền tự do ngôn luận.

Toàn văn tuyên bố của Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, ông Ned Price, như sau: 

“Hoa Kỳ quan tâm sâu sắc đến việc giữ nguyên  việc kết tội và bản án chín năm tù của tác giả, nhà báo nổi tiếng của Việt Nam Phạm Đoan Trang. Cô Trang, người được Giải thưởng Phụ nữ Dũng cảm Quốc tế của Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ năm 2022, đã được quốc tế công nhận vì những nỗ lực thúc đẩy nhân quyền và quản trị tốt ở Việt Nam. 

Vào Tháng Chín năm 2021, Nhóm công tác của Liên hiệp quốc về giam giữ tùy tiện đã phát hiện ra rằng việc giam giữ cô Trang là tùy tiện và trái với các cam kết quốc tế của Việt Nam về nhân quyền. Chúng tôi ghi nhận các báo cáo về tình trạng sức khỏe giảm sút của cô Trang và kêu gọi Việt Nam đảm bảo chăm sóc y tế đầy đủ và cho phép tiếp xúc với cô Trang để đánh giá tình trạng sức khỏe của cô ấy.

Trang tiếp tục bị giam giữ là trường hợp mới nhất trong một mô hình đáng báo động về việc bắt giữ và kết án các cá nhân ở Việt Nam vì đã bày tỏ ý kiến ​​một cách ôn hòa. Chúng tôi kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do cho cô Trang và cho phép mọi cá nhân ở Việt Nam thực hiện quyền tự do ngôn luận mà không sợ bị trả thù, phù hợp với các quy định về quyền con người trong hiến pháp Việt Nam cũng như các nghĩa vụ và cam kết quốc tế của Việt Nam.”

Như tin tức trên mạng xã hội mấy hôm nay, phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án cô Phạm Đoan Trang đã diễn ra ngày Thứ Năm 25 Tháng Tám tại Hà Nội. Tuy chính quyền nói là phiên tòa công khai nhưng mẹ của cô Trang là bà Bùi Thiện Căn, anh trai của cô, cùng một số đại diện ngoại giao của Phái đoàn Liên minh Châu Âu (EU), của các Đại sứ quán Hoa Kỳ, Cộng hoà Czech, Đức và Thuỵ Sĩ đã đến cổng tòa án nhưng không được vào phòng xử án. 

Thân nhân cô Trang và các đại diện ngoại giao quốc tế bị chặn lại ngoài cổng tòa, không được vào phòng xét xử dù phiên tòa xử cô Trang được chính quyền nói là “công khai” Người phụ nữ đứng giữa là mẹ cô Trang, bà Bùi Thiện Căn. Ảnh FB Thu Đỗ.

Sau khoảng ba tiếng đồng hồ xét xử, Toà án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội giữ nguyên mức án chín năm tù giam đối với nhà hoạt động nhân quyền và nhà báo nổi tiếng Phạm Đoan Trang cho tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự cũ.

Cô Trang, 44 tuổi, bị bắt vào đầu Tháng Mười năm 2020, và sau đó bị toà án thành phố Hà Nội kết tội trong phiên sơ thẩm vào cuối Tháng Mười Hai năm 2021.

Gần đây các phiên tòa phúc thẩm của chính quyền Việt Nam xử những người đấu tranh hoặc bất đồng chính kiến gần như đều giữ nguyên mức án phạt của bản án sơ thẩm, không giảm án dù bị công luận quốc tế và các chính phủ đối tác của Việt Nam phản đối mạnh.

Cùng với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Phái đoàn EU tại Việt Nam nhận định các vụ bắt giữ và kết án tùy tiện đối với cô Phạm Đoan Trang cùng các nhà hoạt động ôn hòa khác “là trái ngược với luật nhân quyền quốc tế.”

“Liên minh Châu Âu tiếp tục kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do cho tất cả những người bảo vệ nhân quyền bị bắt giữ một cách tùy tiện. Chúng tôi cũng kêu gọi các nhà chức trách cho phép việc theo dõi phiên tòa và bảo đảm quyền được xét xử công bằng cho tất cả các cá nhân. Liên Minh Châu Âu sẽ tiếp tục theo dõi tình hình nhân quyền ở Việt Nam và tích cực hướng tới việc cải thiện tình hình nhân quyền,” thông báo của Phái đoàn EU nêu rõ.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: