Học cả trăm triệu/năm, ra làm bác sĩ chỉ được 5 triệu đồng/tháng

Học y cả trăm triệu đồng một năm, ra trường chỉ nhận lương 5 triệu đồng một tháng, có bác sĩ nào muốn về trạm y tế xã/phường để hành nghề và “chôn vùi” đời mình? – Ảnh cắt từ video Lao Động

Đó là ý kiến của một đại biểu quốc hội đại diện đoàn Bến Tre sáng 29 Tháng Năm trên diễn đàn quốc hội.

Bà Nguyễn Thị Yến Nhi (đoàn Bến Tre) nêu ý kiến với mức thu nhập hiện nay trong tương lai sẽ không còn bác sĩ làm việc tại các trạm y tế xã/phường.

“Sinh viên trường y phải học sáu năm, đầu vào điểm rất cao, học phí cũng rất cao, trên dưới 200 triệu đồng/năm ($8,516), nhưng khi ra trường đi làm chỉ nhận được mức lương trên dưới 5 triệu đồng/tháng ($212), rất khó sống”, bà Nhi phát biểu, được truyền thông trong nước trích dẫn.

Mạng lưới y tế ở Việt Nam bao phủ đến tuyến xã/phường nhưng lại không đáp ứng với nhu cầu vì không được đầu tư về cơ sở vật chất cũng như nhân lực. Thực tế phòng chống dịch COVID-19 vừa qua cho thấy điểm yếu đó, nhiều trạm y tế xã/phường không có bác sĩ, năng lực khám chữa bệnh yếu, người dân không tin tưởng.

Cho rằng hệ thống y tế cơ sở hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu vì thiếu nguồn nhân lực và trang thiết bị y tế, bà Nhi nói hậu quả là sinh viên trường y mới ra trường thường không chọn về các bệnh viện, trung tâm y tế cơ sở; còn bác sĩ đang có sẵn ở hệ thống này lại chuyển sang bệnh viện tư thuộc các đô thị lớn.

Bà Nhi cho biết nguyên nhân là tiền lương, phụ cấp, chính sách đãi ngộ với cán bộ y tế tuyến cơ sở hiện chưa tương xứng với thời gian, công sức lao động mà các y, bác sĩ bỏ ra. Mỗi đêm trực ở trạm y tế xã/phường chỉ có một nhân viên (y, bác sĩ)… nhưng ban đêm thường có những ca cấp cứu vì tai nạn giao thông hoặc đánh nhau… rất phức tạp, cho nên nhân viên nữ thường không dám trực một mình, phải đưa mẹ/chị/em/chồng/con đi cùng hoặc nhờ bạn đồng nghiệp cùng trực rồi chia tiền trực cho họ. Nhưng tiền trực đêm chỉ được 25,000 đồng (dưới $1), cộng với tiền ăn 15,000 đồng ($0.64), quá thấp so với công sức bỏ ra!

Bên cạnh đó, chính sách tinh giản biên chế cán bộ ngành y tế lại khiến cho nhân lực ngành này thêm eo hẹp; điều kiện để nhân viên tại trạm y tế xã/phường đi học để nâng cao trình độ rất khó khăn, vì phải tham gia thi tuyển đại học cùng học sinh, điểm tuyển đầu vào cao, không phù hợp với khả năng và tài chính của họ.

Ngân sách chi ngoài lương cho trạm y tế xã/phường còn thấp, có địa phương chỉ nhận được 10 – 20 triệu đồng/trạm/năm, chỉ đủ cho điện nước, hành chính, không đáp ứng được kinh phí hoạt động chuyên môn. Trạm y tế xã/phường không được thu-chi độc lập mà thu-chi phụ thuộc y tế tuyến huyện, vì chưa có quy định về chi tiêu tại y tế xã/phường.

Điều này dẫn đến tổng số cán bộ làm công tác y tế dự phòng từ trung ương đến tuyến huyện chỉ đáp ứng 42% nhu cầu nhân lực, thiếu khoảng 23,800 người. Trong đó, bác sĩ y học dự phòng thiếu 8,075 người, cử nhân y tế công cộng thiếu gần 4,000 người.

Môn sinh vật lớp 12 rất khó, chỉ những ai có năng khiếu khoa học tự nhiên mới thẩm thấu nổi, thế mà tuyển sinh ngành y lại bỏ môn này, tức loại bỏ những thí sinh có năng khiếu môn này, có hợp lý không? – Ảnh cắt từ video của Lao Động

Những điều trên không cần bà Nhi kể ra thì dân chúng cũng biết hết. Nên ngay cả chích ngừa theo lịch hằng năm cho trẻ em, những gia đình có điều kiện ở thị trấn, thành phố… cũng không đưa con đến trạm y tế xã/phường để chích mà tìm đến các bệnh viện công lập hoặc tư nhân. Hễ có bệnh nặng là người dân các tỉnh phía Nam lại “bắt xe” về Sài Gòn để chữa, còn người dân các tỉnh phía Bắc sẽ tìm về Hà Nội.

Một điều bà Nhi nói đúng là học phí ngành y cao ngất mà tiền lương của bác sĩ rất thấp. Nghĩa là đầu tư tiền của công sức thì nhiều nhưng thu nhập lại không tương xứng.

Thực tế, học phí ngành y luôn cao nhất trong các trường đại học (ĐH) ở Việt Nam, và năm nay học phí cao nhất thuộc về trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch ở Sài Gòn, với mức 209 triệu đồng/năm ($8,899). Đó là chương trình hợp tác đào tạo giữa trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch và ĐH Y khoa Johannes Gutenberg, ĐH Mainz thuộc Cộng hòa Liên bang Đức.

Các chương trình học khác (tổng cộng 10 ngành) có mức gần 30 triệu – gần 60 triệu đồng/năm ($1,277-$2,554/năm).

Bi hài và gây tranh cãi nhất hiện nay là việc có một số trường y chọn môn ngữ văn để tuyển sinh, với lý do bác sĩ cần có sự giao tiếp tốt với bệnh nhân (?)

Trong khi các trường ĐH công lập vẫn giữ ba môn toán – hóa – sinh để xét tuyển sinh viên trường y tất cả các ngành thì có bốn trường ĐH tư chọn môn ngữ văn, thay cho môn sinh hoặc hóa.

Đó là các trường: ĐH Văn Lang (Sài Gòn) tuyển sinh một số ngành y bằng văn – hóa – tiếng Anh (bỏ môn sinh và toán); ĐH Tân Tạo (Long An) và ĐH Võ Trường Toản (Hậu Giang) tuyển sinh một số ngành y bằng  toán – sinh – văn (bỏ môn hóa); ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) tuyển sinh một số ngành y  bằng toán – sinh – văn hoặc toán – khoa học tự nhiên – văn hoặc toán – hóa – văn (bỏ môn hóa hoặc môn sinh).

Học sinh có nguyện vọng học ngành y thường giỏi các môn khoa học tự nhiên, đặc biệt là toán, hóa, sinh, buộc họ phải thi văn là “đánh đố” – Ảnh cắt từ video của Lao Động

Đây là năm đầu tiên tuyển sinh ngành y xuất hiện môn văn. Theo thông lệ tuyển sinh truyền thống, ngành y chủ yếu xét tuyển bằng ba môn toán, hóa, sinh (tổ hợp B00). Những năm gần đây, các trường có sử dụng thêm các tổ hợp khác nhưng vẫn là các môn tự nhiên để thi hoặc xét tuyển đầu vào, như tổ hợp A00 (toán, hóa, lý), A02 (toán, lý, sinh); D07 (toán, hóa, tiếng Anh), D08 (toán, sinh, tiếng Anh)…

Các trường ĐH chọn môn ngữ văn để tuyển sinh ngành y giải thích, đưa môn văn vào tuyển sinh là phù hợp với định hướng xây dựng đội ngũ bác sĩ gia đình hay bác sĩ cơ sở – những người cần kỹ năng tiếp xúc để chia sẻ, động viên, tư vấn cho người dân, nên giỏi ngữ văn là một lợi thế vì có “tư duy xã hội” tốt (?)

Tuy nhiên, trả lời Tuổi Trẻ, PGS.TS Lê Văn Quang, phó khoa phụ trách ngành y, khoa Y (ĐH Quốc gia thành phố), khẳng định ngành y liên quan trực tiếp đến con người, cần kiến thức sinh học trong quá trình đào tạo rất nhiều, vì thế sinh viên ngành y không có kiến thức tốt về sinh học, về cơ thể con người thì khó có thể học tốt được.

PGS.TS Nguyễn Hoàng Long, cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) cũng cho hay: Đối với bác sĩ, theo quy định, sau sáu năm đào tạo phải kiểm tra năng lực để được cấp giấy hành nghề, nếu sinh viên học ngành y không qua được bài kiểm tra năng lực thì cũng không thể hành nghề.

Do đó, khi chọn các môn xét tuyển ngành y, các trường cần phải cân nhắc đến quy định của “Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi” có hiệu lực từ năm 2023 để bảo đảm sinh viên ra trường có đủ năng lực hành nghề, không thì sẽ bỏ phí sáu năm học!

Môn ngữ văn bây giờ bị chính trị hóa, học vẹt vì luận văn có đáp án, đâu còn giống với môn Việt Văn ngày xưa mà bảo tuyển chọn bác sĩ giỏi văn để giỏi giao tiếp với bệnh nhân. Thật hài!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: