Học sinh tiểu học và những chuyến đò ngang ‘tử thần’

Đò vừa cập bờ, hàng chục em chen lấn, tranh nhau để được lên trước, chưa ổn định chỗ ngồi, đò đã rời bến – Ảnh: Dân Trí

Vì những chuyến đò ngang này thường chở quá số người và “nói không” với áo phao. Thế mà cứ 5 ngày trong tuần, mỗi ngày có gần 100 học sinh tiểu học ở thôn Tiên Xuân, xã Quảng Tiên, phải bước lên đó để đi học.

Tiên Xuân là thôn vùng cồn bãi giữa sông Gianh, người dân vẫn gọi khu vực này là Cồn Cưỡi, thuộc xã Quảng Tiên, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình.

Toàn thôn hiện có hơn 200 nhà, con đường bộ duy nhất để về trung tâm xã của người dân nơi đây là đi vòng qua xã khác. Do đường bộ xa, nhiều người dân và hơn 100 học sinh phải lựa chọn vượt sông bằng đò qua sông Gianh.

Lái đò là bà Nguyễn Thị Hà, nhưng lại do UBND xã Quảng Tiên quản lý. Có người hỏi nếu thế lỡ khi đò bị chìm, bà Lý hay UBND xã Quảng Tiên chịu trách nhiệm thì không ai trả lời.

Thấy phóng viên chụp ảnh, người lái đò mới lên tiếng bảo các em mặc áo phao, nhưng cũng chẳng đủ cho tất cả học sinh – Ảnh: Dân Trí

Theo báo Dân Trí, cứ đầu giờ sáng và lúc tan trường, cả trăm học sinh lại tập trung về bến đò để qua sông. Đò vừa cập bờ, hàng chục em chen lấn, tranh nhau để được lên trước. Chẳng biết bà Lý có bận gì không mà mười chuyến như một, các em còn nhốn nháo chưa ngồi yên chỗ bà ấy đã cho đò chạy. Thực ra, nếu có chậm một chút cũng chẳng có con đò nào khác giành khách của bà cả.

Bà Lý cũng “biết làm kinh tế” lắm, thay vì chở đúng số người quy định cho chiếc đò nhỏ là 20 người, bà luôn chở hơn từ 5 đến 10 người. Như thế bà sẽ đi ít chuyến hơn, nhưng tiền vẫn thu đủ. Có người hỏi ngộ nhỡ quá tải ra giữa sông ghe bị chìm thì sao, bà im lặng, bĩm môi mắt quay đi chỗ khác, như muốn nói “tao chạy bao nhiêu năm nay có bị gì đâu!”

Thấy phóng viên chụp ảnh, người lái đò mới lên tiếng bảo các em mặc áo phao, nhưng cũng chẳng đủ cho tất cả học sinh – Ảnh: Dân Trí

Đúng là bà Lý chưa bị gì, vì nếu đò bị chìm thì một là bà ấy chết chìm, hai là giờ cũng đang ở trong tù, chứ đâu còn đứng được ở đây mà bĩu môi! Cách đây hơn 10 năm, cũng trên sông Gianh đã xảy ra một vụ chìm phà gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng với 42 người chết. Do vậy, những chuyến đò ngang chở quá số học sinh, không mặc áo phao tiềm ẩn nhiều rủi ro. Chỉ cần một chút bất cẩn, thảm họa hơn 10 năm trước có thể lặp lại. Bài học đó hình như UBND xã Quảng Tiên cũng chẳng nhớ.

Theo ghi nhận của phóng viên, trên đò cũng có gần chục chiếc áo phao và một số phao tròn, thế nhưng các học sinh đều không mặc áo phao, ngồi chen chúc, thậm chí đùa nghịch trên đò. Một số em còn ngồi luôn lên lan can đò vô cùng chông chênh. Nguy hiểm rình rập từng ngày trên chặng đường đến trường của học sinh nơi đây. Em Hoàng Văn Sỹ, học sinh lớp 6, Trường THCS Quảng Tiên cho biết:

“Cháu và các bạn cùng thôn đều đi học bằng đò, đi nhiều cũng quen nên không sợ lắm. Đi có một đoạn thôi nên không ai mặc áo phao cả, các bạn không ai mặc nên cháu cũng không”.

Trường Tiểu học Quảng Tiên có 95 học sinh thường xuyên đi đò qua sông để đến lớp – Ảnh: Dân Trí

Để đưa được toàn bộ học sinh qua sông, mỗi ngày chiếc đò của xã Quảng Tiên phải qua lại hàng chục lượt. Bên cạnh đưa đón học sinh, còn phải phục vụ nhu cầu đi lại của người dân và cán bộ xã đi công tác qua lại.

Một người cho biết tụi học sinh chẳng có đứa nào chịu mặc áo phao cả, nếu không bắt chúng mặc. Nhà trường hay một vài nơi có cho áo phao chúng cũng mang về nhà cất, vì mang theo rất bất tiện cho chúng. Dù chúng không chịu mặc áo phao, nhưng không thể đổ hết trách nhiệm cho chúng được, vì nếu chủ đò có trách nhiệm, bắt khách mặc áo phao, nếu không mặc sẽ không chở, thì có đứa nào dám không mặc?

Bởi thế, nói mỗi chuyến đò ngang này là những chuyến đò “tử thần” cho các em nhỏ cũng có phần đúng. Mà cho dù có “tử thần” trên mỗi chuyến đò chăng nữa, cũng không ngăn cản được các em đi học.

Nhân vật đưa các học sinh đến gần “tử thần” là bà Lý lái đò (được UBND xã Quảng Tiên cấp phép), và cũng chỉ có bà Lý mới “đủ quyền lực” bắt các em nghỉ học, nếu vì lý do gì đó bà không làm việc.

Thí dụ như mỗi lần bà Lý cảm thấy không khỏe, hoặc đơn giản là “hôm nay bận việc phải lên huyện” chẳng hạn, thì gần 100 học sinh thôn Tiên Xuân được nghỉ học, vì không thể… bơi qua sông!

Đã có ngày như thế, và nhờ như thế Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Quảng Tiên mới biết “sức mạnh” của bà lái đò.

Theo cô Bùi Thị Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quảng Tiên, ngoài ra cứ mỗi khi thời tiết xấu, mưa lớn, đặc biệt là vào mùa mưa lũ thì nhiều học sinh ở thôn Tiên Xuân nghỉ học vì đò không thể qua sông. Cứ mỗi lần như thế, nhà trường lại phải bố trí giáo viên dạy bù cho các em vắng học. Cô Hiền nói nhà trường đã đề xuất xã, huyện làm ơn xây một cái cầu nhỏ cho người dân và học sinh đỡ cực, nhưng xin hoài mà họ cứ làm lơ!

Chính quyền địa phương đã cho tạm dừng việc chạy đò sau khi báo chí đến ghi nhận thực trạng hiểm nguy rình rập – Ảnh: Dân Trí

Còn ông Hoàng Văn Ngừng, Chủ tịch UBND xã Quảng Tiên dù thừa nhận mối nguy hiểm của những chuyến đò ngang, trong đó có việc học sinh đi đò không mặc áo phao, nhưng “trách nhiệm” của ông cũng chỉ dừng lại ở chỗ “thường xuyên nhắc nhở”, còn việc bà lái đò và học sinh có nghe lời không thì ông không biết.

Phóng viên báo Dân Trí cho biết, sau bài báo của họ về những nguy hiểm rình rập trên chuyến đò ngang của xã Quảng Tiên, chính quyền địa phương đã ngay lập tức lệnh bà Lý tạm dừng chạy đò, để chính quyền “xây dựng quy định lưu thông đường thủy cho đàng hoàng” mới cho đò vận hành trở lại. Còn chuyện các em đến trường như thế nào là chuyện của phụ huynh.

Có người nói quyết định của xã như muốn “phạt nguội” người dân sao để báo chí xuống viết bôi bác lãnh đạo xã, giờ phạt cho biết tay, chứ muốn giải quyết thì chỉ cần mua đủ áo phao, chở đúng người là được rồi, cần gì phải ngăn sông!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: