Hơn thiệt ra sao nếu dỡ bỏ thuế phí xăng dầu

Giá xăng liên tục điều chỉnh tăng. Nguồn: Báo VTV News

Mục đích của đánh thuế trước tiên là tăng nguồn thu cho ngân sách. Trong tình hình thâm hụt ngân sách nghiêm trọng thì nhà nước hoặc tăng thuế hoặc đi vay. Tuy nhiên, dù đi vay thì cuối cùng nhà nước cũng tăng thuế tạo nguồn thu để trả nợ. Nói chung, đã chi tiêu quá trớn, đã để ngân sách thất thoát vì lãng phí, vì tham nhũng thì đường nào nhà nước cũng tìm cách tăng thuế.

Vấn đề hiện hay là thuế xăng dầu. Thuế này rất nhạy cảm, vì nó tác động tới đời sống dân sinh rất lớn. Giá xăng dầu là thành phần không thể thiếu trong chi tiêu gia đình. Tuy nhiên, đấy chưa phải là tác động lớn. Tác động lớn nhất của giá xăng tăng là nó đẩy hầu hết mọi mặt hàng lên cao gây ra lạm phát. Người dân sẽ nghèo đi nếu giá xăng dầu tăng. Đấy là bài toán mà nhà nước cần phải cân nhắc kỹ mỗi khi Bộ tài Chính áp mức thuế lên loại sản phẩm này. 

Hiện nay mỗi lít xăng, dầu bán ra đang chịu 4 loại thuế: Giá trị gia tăng (VAT 10%), nhập khẩu (10%), tiêu thụ đặc biệt (10%) và bảo vệ môi trường (với xăng E5RON92 là 3,800 đồng, xăng RON95 là 4,000 đồng, dầu diesel là 2,000 đồng.) Ước tính, bình quân thuế, phí hiện chiếm khoảng từ 42-43% đối với xăng và 21-27% đối với dầu. Với giá xăng hiện nay 32,000 đồng/lít thì tiền thuế mà người dân phải đóng cho nhà nước là 15,000 đồng/lít. Nếu không đánh thuế thì xăng có giá 17,000 đồng/lít.

Theo ước tính, nếu giảm 2,000 đồng thuế bảo vệ môi trường cho mỗi lít xăng/dầu thì nhà nước thất thu khoảng 12,000 tỷ đồng/năm. Như vậy nếu nhà nước CS dỡ bỏ các khoản thuế để đưa giá xăng Việt Nam về mốc 17,000 đồng thì nhà nước cũng chỉ thất thu 90 ngàn tỷ đồng tiền thuế, tương đương $3.75 tỷ.

Ông Hồ Đức Phớc trả lời trước Quốc hội. Nguồn: Báo điện tử Chính phủ

Đấy là cái mất trước mắt cho Chính phủ, nhưng ngược lại cái được cho nền kinh tế, cho đời sống dân sinh thì sao? Theo ước tính của các chuyên gia, giá xăng dầu giảm 10% thì GDP sẽ tăng 0.5%. Giả sử giảm hết các loại thuế tương đương với 43% giá xăng thì nền kinh tế sẽ được lợi $6.25 tỷ.  Rõ ràng nền kinh tế được lợi nhiều hơn sự mất mát của nhà nước nếu giảm giá xăng. Tuy nhiên, đấy là cái lợi cho GDP, còn nhiều cái lợi khác khó mà cân đo đong đếm bằng tiền. Đó là Việt Nam giảm được áp lực lạm phát, người dân có được đời sống đầy đủ hơn vì chi phí nhiên liệu thấp và hàng hóa không tăng giá. 

Khi lạm phát tăng thì Nhà nước sẽ áp chính sách thắt chặt, không có cách nào khác. Mà chính sách thắt chặt luôn tác động xấu đến nền kinh tế. Lãi suất tăng cao là một loại chính sách thắt chặt tiền tệ của Ngân hàng nhà nước. Chính sách này có tác dụng kiểm soát lạm phát nhưng nó cũng để lại hậu quả không nhỏ, đấy là doanh nghiệp buộc phải hạn chế đi vay vì áp lực lãi suất quá cao. Điều này dẫn tới nguy cơ phá sản hàng loạt hoặc chí ít doanh nghiệp thu hẹp quy mô hoạt động. Mà khi doanh nghiệp bị phá sản hoặc giảm quy mô hoạt động thì điều này có nghĩa là Nhà nước cũng thất thu thuế mà thôi. 

Như vậy, khi Chính phủ chỉ chăm chăm vào tính toán thiệt hơn của những đồng thuế xăng dầu mà giữ mức giá xăng cao như hiện nay thì hệ quả là rất lớn. Chưa nói đến cái mất của nền kinh tế, chưa nói đến cái mất của đời sống dân sinh mà nói đến cái mất của Chính phủ. Nếu giữ thuế xăng dầu cao như hiện nay thì nhà nước có $3.75 tỷ nhưng lại thất thu những khoản thuế khác do giá xăng cao gây ra. Tất nhiên sự tác động ấy luôn có một độ trễ, nên chính phủ khó so sánh thiệt hơn ở thời điểm hiện tại.

Để bao biện cho chính sách áp thuế khủng neo giá xăng cao như hiện nay thì phía Bộ tài Chính lại có lời giải thích khác. Ngày 8 Tháng Sáu, ông Hồ Đức Phớc đã trả lời trước Quốc hội rằng “Nếu giảm thuế để hạ giá xăng dầu sẽ dẫn tới buôn lậu, dòng tiền chảy ra nước ngoài”. Câu nói này đúng nhưng chỉ đúng một nửa, còn một nửa nữa là lộ rõ vấn đề ở phía công an và các chính quyền tại các tỉnh biên giới. Chỉ có quản lý yếu kém hoặc thông đồng với buôn lậu mới để diễn ra hiện tượng buôn lậu xăng dầu tràn lan. Nếu quản lý tốt thì sẽ hạn chế buôn lậu, thành phần buôn lậu sẽ không gây thiệt hại đáng kể cho nền kinh tế. 

Lời bao biện của ông Hồ Đức Phớc khi bị chất vấn về giá xăng dầu cao

Những ngày gần đây mạng xã hội và nghị trường rần lên vì giá xăng dầu Malaysia chỉ ở mức 13,000 đồng/lít cực kỳ thấp so với Việt Nam. Malaysia là quốc gia tiến bộ đứng nhì Đông Nam Á chỉ sau Singapore. Họ cũng có biên giới với Thái Lan, Indonesia và Singapore, vậy tại sao họ dám giảm thuế và thậm chí họ là trợ giá xăng dầu còn Việt Nam thì không làm được? Ắt hẳn họ tự tin  vào khả năng kiểm soát buôn lậu nên mới áp chính sách như vậy.

Ở Đông Nam Á, Singapore là quốc gia phát triển nhất nhưng quốc gia này rất đặc thù, nó là một đô thị duy nhất. Họ đánh thuế xe hơi rất cao và đánh thuế xăng dầu cũng cao vì họ cần khuyến khích giao thông công cộng hơn là để xe hơi phát triển tràn lan. Việt Nam không thể học hỏi họ được, Việt Nam là quốc gia đa dạng loại hình phát triển. Còn Malaysia thì sao? Việt Nam đáng phải học hỏi họ chứ? Tại sao Việt Nam lại đi phân bì với Campuchia và Lào? Và cũng không nên lấy Thái Lan ra làm cái cớ để bao biện, vì tuy chính trị Thái Lan khá hơn Việt Nam nhưng họ là quốc gia độc tài nên rất nhiều vấn đề. Ở Đông Nam Á, Việt Nam nên nhìn quốc gia khá nhất mà học hỏi đừng nên phân bì rồi bao biện cho những chính sách mang lại bất lợi cho dân, cho nền kinh tế.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: