Sáng 8 Tháng Hai, ông Đặng Văn Cảnh – Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức cho biết huyện đã xin phép thành phố Hà Nội cho phép mở cửa đón khách vào thăm quan khu di tích thắng cảnh Hương Sơn (chùa Hương)…
Lý giải việc mở cửa chùa Hương, ông Cảnh cho rằng đó không chỉ là mong muốn của chính quyền sở tại, người dân xã Hương Sơn, mà còn là “niềm mong mỏi của du khách thập phương trong việc thể hiện tín ngưỡng, tâm linh”.
Không biết ông Cảnh dựa vào nguồn tin nào để thay mặt “du khách thập phương” nói lên “nỗi lòng” của họ. Ông cũng cho biết thêm, theo đánh giá cấp độ dịch thì tất cả các xã trên địa bàn huyện đều là “vùng xanh”, như một lý do an toàn để mở cửa chùa Hương.
Thế nhưng ông lại quên tính du khách từ vùng đang còn dịch đến chùa thắp nhang!
Trước đó, ngày 25 Tháng Giêng, UBND huyện Mỹ Đức ra thông báo về việc tạm dừng tổ chức lễ hội, không đón khách tham quan tại di tích, thắng cảnh Hương Sơn (Chùa Hương, huyện Mỹ Đức, Hà Nội).
Theo huyện Mỹ Đức, mọi công tác chuẩn bị cho lễ hội đã được hoàn tất. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, UBND huyện Mỹ Đức thông báo tạm dừng tổ chức lễ hội, không đón khách tham quan tại khu di tích thắng cảnh Hương Sơn (chùa Hương) năm 2022 cho đến khi có thông báo mới.

Ban Quản lý khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn cho biết, trong những ngày gần đây, mặc dù đã được thông báo dừng tổ chức lễ hội, không đón khách tham quan từ trước đó nhiều ngày nhưng vẫn có du khách đến đây rồi phải quay về.
Tối ngày 8 Tháng Hai, UBND thành phố Hà Nội đồng ý với đề xuất của UBND huyện Mỹ Đức về mở cửa tổ chức đón khách tới chùa Hương. Di tích thắng cảnh Hương Sơn (chùa Hương) sẽ đón khách trở lại từ ngày 16 Tháng Hai sau gần 20 ngày tạm dừng khai hội để phòng dịch Covid-19.
Lễ hội Chùa Hương là một trong những lễ hội lớn nhất, có thời gian tổ chức kéo dài nhất tại miền Bắc. Những năm trước, lễ hội diễn ra trong 3 tháng từ ngày 2 Tháng Hai đến hết ngày 30 Tháng Năm (từ ngày mùng 2 Tết đến hết ngày 30 tháng Ba năm Nhâm Dần).
Trong đó, lễ khai hội được tổ chức vào ngày mùng 6 Tháng Giêng. Ngoài ý nghĩa tâm linh, việc tổ chức lễ hội còn giúp thúc đẩy du lịch văn hóa của huyện Mỹ Đức cũng như Hà Nội.
Việc mở cửa lại chùa Hương cũng làm dấy lên cuộc tranh luận trên mạng xã hội. Một nickname tên Phấn viết: “Vì sức khỏe cộng đồng, chúng ta phải chấp nhận việc tạm thời tránh tụ tập”, đã bị nieckname Minh Phuong phản bác: “Cho người ta làm ăn sinh sống với, thu nhập cả năm phụ thuộc mùa lễ hội. Xác định sống chung với dịch, bình thường mới mà hở chút là cách ly, phong tỏa thì sống sao?”
Có một lý do mở cửa “tế nhị” mấy ông lãnh đạo huyện Mỹ Đức, và thành phố Hà Nội không nói ra, nhưng người dân thì ai cũng biết, đó là mở cửa sớm để các ban ngành còn kiếm tiền trong “hòm công đức” chứ cứ đóng cửa mãi, nhiều người cũng… “nhớ”! (Theo Lao Động)