Hy vọng gửi theo người lấy rác

Chàng trai ấy, đương nhiên là có tên như mọi người đã hiện hữu trên cõi đời này; nhưng ở chúng cư thuộc Phường 15, Quận 11 của tôi không ai gọi tên anh ấy, cũng không gọi bằng thứ kiểu anh Ba, anh Năm… theo cách thường gọi của người miền Nam.

Vậy họ gọi anh là gì? Dạ thưa, tên mọi người thường gọi anh là người lấy rác. Thật, cách gọi chung đó xưa nay vẫn thường có ở Sài Gòn, như người đạp xe xích lô, người phụ hồ, người lượm ve chai… Tiếng người gắn với danh tánh và nghề nghiệp ở đây, dù hiểu theo cách nào thì cũng toả ra cái nghĩa kiếm sống lương thiện vẫn hiển nhiên như ánh nắng, gió lành của đô thị nhiệt đới này. Một đô thị mà ai ‘phe đỏ’ cũng tưởng chủ nhân ông của nó chính là giới giai cấp vô sản thị trường đang cai trị, cùng các nhóm lợi ích trục lợi, được viết tên, định danh trên nền màu đỏ.

Người lấy rác đến hành nghề ở chúng cư tôi được chừng một năm.  Thoạt nhìn anh, ai cũng nghĩ là anh vừa từ đồng ruộng bởi dáng anh rám nắng khoẻ mạnh, và cách anh cười hề hà với mọi người, cách cười của một người miền Nam có niềm tin rằng, mọi nhà, mọi người mà anh gặp lúc đến lấy rác dù không cần chào hỏi gì hết, đều là họ hàng, bà con của anh.

Trước lệnh Sài Gòn phải bị phong toả vì dịch, tôi thường gặp anh vào khoảng 9 giờ mỗi tối. Lúc anh đi ngang cửa nhà tôi, con chó của tôi dù quen mặt anh vẫn ló mỏ ra sủa om sòm và anh dừng lại cười, “Sủa hoài vậy mậy, không quen tao được hay sao?”.

Rồi anh đi lấy rác, dọc theo hàng lang chập chờn ánh sáng đèn, hai tay anh xách các túi rác, anh đi nhanh như cách người ta phụ xách túi hành lý của người thân để tiễn họ ra ga tàu hay bến xe đêm.

Trong những ngày chính quyền ra hết nghiêm lệnh này đến nghiêm lệnh khác, bắt người dân phải ở nhà, người lấy rác ấy không hề trễ nải, vẫn làm hết việc của mình. Lô chúng cư đối diện có một bô rác nhỏ, trong các cơn mưa đêm Sài Gòn Tháng Bảy, anh vẫn đứng ngoài trời, hốt từng xẻng rác hất lên thùng xe ba gác tự chế.

Người lấy rác tư nhân ấy vẫn dầm mình trong mưa, làm việc của mình suốt những đêm Sài Gòn trống vắng lạnh người như bãi tha ma. Tiếng máy nổ của xe rác, cái thùng đựng phía sau, mùi hôi thối của rác vẫn là âm thanh hình ảnh và không khí đồng hành cùng anh trong các khu phố. Nơi con người đang sợ hãi cả bầu không khí mà mình đang hít thở.

Những buổi tối đầu lệnh phong thành ở Sài Gòn, tôi đóng cửa sớm. Trong các bản tin vừa hù doạ vừa khoe thành tích chống dịch của hệ thống tuyên truyền chế độ phát lên tivi, tôi nghe được lời kêu cứu mong được ưu tiên chích ngừa của đội nhân viên thu gom rác y tế ở các khu cách ly tập trung, thuộc Sở Vệ sinh-môi trường. Tôi nghĩ rất ngây thơ là: Biết đâu anh và những người lấy rác nhỏ nhoi như anh được chế độ đoái hoài tới tình trạng hiểm nguy vì công việc và sự hết lòng trách nhiệm trong cơn dịch khốn đốn này.

Nếu chế độ không màng đến số phận dân đen và cái nghề đen đủi của họ, thì hẳn những người có đời sống sung túc từ tiền thuế dân, tiền tham nhũng – vì ích kỷ, thủ lợi, cầu an hơn – sẽ coi nghề lấy rác cũng là một nguồn lây mà nghĩ đến chuyện bố thí một ít thuốc chích ngừa cho họ. Tôi đã hy vọng vậy.

Buổi sáng của ngày thứ ba thực hiện lệnh giới nghiêm đêm với toàn Sài Gòn, tôi bước ra ban-công nhìn thấy túi rác nhà mình và hàng xóm vẫn còn nguyên ở chỗ để rác. Tôi đoán có thể là do lệnh giới nghiêm, người lấy rác chưa thể làm công việc của mình được.

Vào ngày thứ tư của lệnh giới nghiêm, tôi được bà tổ trưởng cho biết là: Ngưi ly rác đã dương tính với cúm Tàu quái ác. Thú thật, tôi bần thần cả người. Không phải vì tôi nghĩ đến cái biến thể Delta mà chỉ cần đi ngang qua nhau cũng có thể bị lây, khiến cả chúng cư tôi tới đây sẽ bị phong toả-cách ly; mà vì sự xác định: Dân đen, nghề đen vẫn là đối tượng bị bỏ rơi, nếu cần thì hy sinh, theo cách vận hành chống dịch của hệ thống hiện hành.

Giờ đây, tôi không biết người ly rác ấy ra sao? Anh nhiễm bệnh nặng, nhẹ thế nào? Vợ con anh sống ở đâu, có bị lây nhiễm không?

Ai cũng biết sự tàn nhẫn- oan uổng nhất mà người bệnh Covid phải chịu không phải chỉ là cái chết mà là lúc đổ bệnh và trước khi lìa đời bên cạnh không có người thân, đến một chút tin tức về họ cũng khó lọt ra khỏi sự phong toả của hệ thống chống dịch. Một kiếp người như hòn đá nhỏ rơi vào thăm thẳm im bặt.

Tối hôm qua, 28 Tháng Bảy bà tổ trưởng cho biết sẽ có người lấy rác khác đến thay thế. Nhưng hình ảnh anh lấy rác ấy cứ như ở trước mắt tôi, như thể thấy anh đang đi lấy rác dọc theo hàng lang chập chờn ánh sáng đèn, hai tay xách các túi rác, đi nhanh như thể đang xách phụ túi hành lý của người thân, đưa họ ra ga tàu hay bến xe đêm.

Không, lần này anh không đưa tiễn người thân nào hết, mà có thể là chuyến đi của chính mình như một dân đen bị xô đẩy, bắt buộc phải đi về phía không khí đầy đặc virus của các bệnh viện chật cứng người bệnh và sự bất công, phó mặc đến tàn nhẫn của hệ thống chống dịch này.

Nhưng bằng linh tính, tôi tin anh sẽ vượt qua và trở lại. Tôi tin sẽ gặp lại anh, nhìn thấy miệng cười hề hà theo cách nông dân miền Nam thân thương của anh, và nghe anh vừa cười vừa lên tiếng rầy rà con chó nhà tôi…

Chắc chắn sẽ là vậy, bởi hy vọng là thứ chúng ta duy nhất còn lại vào lúc này.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: