Kỳ nhân Chợ Lớn: Lưu Phước Thành

Lưu Phước Thành và Bạch Mi Đao Pháp

Sau Cửu Long Đại Hội tổ chức tại Sân vận động QK7 năm 2006, các võ phái miền Nam tụ hội để giao lưu và biểu diễn võ công bản môn, gần như lần đầu tiên trước công chúng, một cao thủ xứng danh Nhất đại tông sư xuất hiện: Lưu Phước Thành với biệt danh Ông Thầy Trẻ. Hầu như các phái võ khác của Sài Gòn Chợ Lớn đều thừa nhận không bàn cãi rằng ông là cao thủ bậc nhất hầu như của các phái!

Nghệ thuật thực chiến đường phố

Học trực tiếp quyền pháp Bạch Mi từ Lưu Vĩnh Hán từ Trung Hoa sang cùng bốn anh em họ Vương của Bạch Mi, sau đó Lưu Phước Thành tìm đến ông Nguyễn Thiệu Giai, lúc ấy là chưởng môn Bạch Mi ở Việt Nam để bổ sung quyền pháp. Vốn là người Hoa gốc Quảng Đông, Lưu Phuớc Thành đã trở thành một người “rặt Việt” từ thời cha ông sang Chợ Lớn làm thầy thuốc Đông y.

Bản tính hiếu động và ham thích võ thuật thực chiến khi còn là một cậu bé, Lưu Phước Thành (sinh năm 1958) lê la khắp các võ đường để học kỹ thuật chiến đấu. Năm 15 tuổi, Lưu Phước Thành đã trở nên khét tiếng với những trận chiến đường phố. Khu vực Nhà Tang lễ Nguyễn Trãi, giang hồ khắp nơi nghe đến tên Lưu Phước Thành là sợ mất mật. Giao chiến với Sò Sình (Thành Khùng-biệt danh của ông) mà không đủ bản lĩnh thì… mất mạng dễ như chơi.

Đến với những cao thủ ở Chợ Lớn, Lưu Phước Thành dần học được tuyệt kỹ của rất nhiều môn phái võ lâm Trung Hoa trong hàng triệu di dân. Cũng cần nói thêm, khi Quốc-Cộng ở Trung Hoa nội chiến, rồi Nhật Bản xâm chiếm…, hàng loạt cao thủ bỏ chạy ra nước ngoài để tránh họa sát thân, đa số chọn Việt Nam. Chính vì vậy, cao thủ bậc nhất của khá nhiều môn phái, thậm chí đã thất truyền ngay tại Trung Hoa, nơi sinh ra chúng, lại có mặt ở Chợ Lớn và mai danh ẩn tích bằng đủ loại nghề. Ngay cả một người họ Lý (xin không nêu tên), cao thủ số một của Bạch Mi, cũng sống ở Chợ Lớn bằng nghề… hành khất! Lưu Phước Thành cũng may mắn được thọ giáo với cao nhân họ Lý này.

Đại tông sư Nguyễn Thiệu Giai, chưởng môn Bạch Mi, bắt đầu chú ý đến Lưu Phước Thành. Ông đã chọn để biến Lưu Phước Thành thành một chưởng môn thừa kế phòng khi thất lộc. Cần biết, oán thù truyền kiếp với nhiều môn phái khiến vị trí chưởng môn Bạch Mi luôn đi đôi với tai họa và cuộc sống không yên bình dù chỉ một ngày. Chưởng môn Nguyễn Thiệu Giai và các cao đồ Bạch Mi lập phái với hệ thống bài quyền thống nhất, quy cũ thứ bậc rõ ràng.

Có một quy định rằng chỉ chưởng môn mới được giữ di ảnh của tổ sư Bạch Mi Đạo Trưởng được vẽ truyền thần trên giấy dó mực tàu có niên đại hơn trăm năm được mang từ Trung Hoa sang. Hai quyển bí kíp, một về quyền pháp cao cấp và một về binh khí, sẽ do chưởng môn đời sau tiếp quản, với lời dặn: Không mang về Trung Hoa mà chỉ được truyền lại ở Chợ Lớn. Những người Việt gốc Hoa đã khẳng định họ là người Việt từ thuở lưu dân như vậy. Có một điều đặc biệt: Trong tất cả môn phái có nguồn gốc Trung Hoa, chỉ riêng phái Bạch Mi, chưởng môn và giòng phái chính lại nằm ở Việt Nam, cụ thể là Chợ Lớn, do những biến động lịch sử!

Lưu Phước Thành không tham vọng học toàn bộ hệ thống bài quyền Bạch Mi mà chỉ khổ luyện những gì ông cảm thấy hiểu rõ. Lưu Phước Thành không có đối thủ, không riêng gì vùng Chợ Lớn! Ngay như Sấy Bạc (Đặng Tây), cao thủ lừng danh chiến đấu hè phố, sát thủ cận kề Tín Mã Nàm và Đại sư Diệp Quốc Lương (Tài Chẹc Cam) cũng e dè với cậu thanh niên trẻ tuổi nhưng già kinh nghiệm chiến đấu Lưu Phước Thành.

Lưu Phước Thành và một màn biểu diễn quyền thuật binh khí

Là người có máu giang hồ lãng tử, Lưu Phước Thành bắt đầu thực hiện những chuyến ra nước ngoài du đấu. “Cho đã sức!”. Hơn 20 triệu Hoa Kiều lúc đó sinh sống ở Đông Nam Á rất sính võ thuật. Những tay “lão bản” ở các nước lân cận thường xuyên tổ chức những trận đấu theo phong cách MMA (Mixed Martial Arts) nhưng không có găng tay và cũng chẳng có lồng sắt gì ráo. Hai cao thủ được cáp độ cứ thế lao vào nhau tử chiến. Không nghỉ giữa trận và cũng không có một ràng buộc nào về đòn thế. Trận đấu chỉ chấm dứt khi một trong hai đấu thủ nằm sóng soài trên vũng máu. Đa số kẻ thua trận đều mất mạng hoặc tàn phế. Chính vì vậy, các cuộc đấu thời đó mà Lưu Phước Thành tham gia là bất hợp pháp và tổ chức chui!

Trong những cuộc du đấu, khi được hỏi về những cao thủ mà Lưu Phước Thành từng giao chiến, ông kể, có một cao thủ rất đáng nể. Đầu những năm 2000, trong một dịp du đấu ở Hong Kong, Thành được các đại lão bản Hong Kong cáp đấu với một đối thủ. Trên tửu lâu, mọi thứ được dọn sạch để biến thành đấu trường. Đối thủ còn trẻ và có gương mặt quen thuộc nhưng Lưu Phước Thành không nhớ ra là ai. Quyền pháp của đối phương vừa là Vịnh Xuân vừa là Thái Lý Phật, vừa Hồng Gia, vừa xen nhiều môn phái khác, được thi triển hết sức thành thục khiến Lưu Phước Thành không thể không nể phục. Cả hai không thể đả bại đối phương nên kết cục hòa.

Sau trận chiến, cả hai vào tiệc cùng các đại lão bản một cách vui vẻ. Mãi đến lúc đó, Lưu Phước Thành mới nhận ra mình vừa giao thủ với… Chung Tử Đơn!

Những màn “độc nhất vô nhị” của kỳ nhân Lưu Phước Thành…

Xen giữa những chuyến du đấu của Lưu Phước Thành là việc ông quay về để biểu diễn cùng đoàn Lân Sư Rồng. Lưu Phước Thành đã tự sáng chế hàng loạt cách biểu diễn. Thập niên 1990, Lưu Phước Thành thực hiện màn biểu diễn: Trên sào tre cao 12 mét, với đôi tay đưa cơ thể nằm ngang suốt cả chục phút, ông khiến làng võ Chợ Lớn ngã mũ kính nể. Vài năm sau, khi vài đoàn lân bắt chước biểu diễn hệt như mình, Lưu Phước Thành quyết định biểu diễn phong cách mới, mà đến nay, kể cả ở Hong Kong và Hoa Lục cũng không cao thủ nào thực hiện được: Ông cho dựng ba sào tre cao 12 mét thành hình tam giác cách nhau năm mét. Trên độ cao chết người, ông nhảy qua lại như đang nhảy múa trên những chiếc ghế đẩu cách nhau vài tấc và cao ngang đầu gối!

Nhưng có thể nói, màn biểu diễn dịp Tết 1995 của Lưu Phước Thành tại tỉnh Bình Dương là gây chấn động võ lâm nhất. Khi đó, đoàn lân của Thành đến một lão bản (ông chủ) làm nghề lò mổ, người có hàng chục lò sát sinh trên toàn tỉnh Bình Dương. Một xấp tiền mệnh giá lớn dày cộp được đặt trên đất. Lưu Phước Thành suy nghĩ một lúc bèn ngỏ ý muốn có một con heo nặng hơn một tạ. Heo được mang ra mà mọi người chưa hiểu Lưu Phước Thành biểu diễn gì. Ông tiến lại gần rồi nhanh như chớp xuất thủ. Đòn Báo Quyền đánh thẳng vào đầu con heo. Con vật chỉ kịp “éc” một tiếng. Khi mổ heo, người ta thấy hộp sọ nó nát vụn như bị nện bằng búa tạ!

Lưu Phước Thành dùng răng cắn và nhấc Tý Vĩ Côn

Lưu Phước Thành hỏi “lão bản”: Có muốn xem thứ đáng sợ nhứt của võ công Bạch Mi? Lão bản gật đầu lia lịa và một xấp tiền dày gấp bội được đưa ra, cùng với một con heo thứ hai, to gấp rưỡi con trước. Lưu Phước Thành vận công và co ngón trỏ theo thế Phụng Nhãn (mắt phượng) gõ vào tam tinh con vật. Lần này con heo chết mà không có đến một tiếng kêu. Khi được mổ ra, người ta thấy xương sọ con vật thủng một lỗ nhỏ bằng điếu thuốc lá, nhưng não thì lỏng như nước. Lão bản sợ xanh mặt và lập tức “lì xì” cho Lưu Phước Thành một phong bao dày.

Những trò biểu diễn như vỗ vào cây chuối khiến bên trong nát nhừ, thọc thủng bao cát, dùng ngón cái thọc thủng lon bia còn để trong thùng…, Lưu Phước Thành vẫn thường xuyên thi triển trước mặt các cao thủ như một cách tiêu khiển. Tuy nhiên, nghề nghiệp chính của ông là thầy thuốc. Ít bệnh nhân nào ngờ ông thầy thuốc xoa bóp trị đau nhức xương khớp cho mình, miệng liến thoắng trò chuyện, lại là một quyền sư đệ nhất với hàng loạt môn công phu chết người.

Bài và ảnh: Nguyễn Minh Chí

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: