Làm thân với đại tá công an rởm, 10 người bị lừa tiền tỷ 

Mai Thị Lan, đại tá công an rởm có khuôn mặt trong sáng, thậm chí ngây thơ sau khi tút tát qua app rồi đăng lên mạng xã hội – Ảnh FB bà Mai Thị Lan

Khoe hình ảnh trên mạng xã hội với hàm đại tá công an, một bà có vẻ ngoài ưa nhìn đã lừa được từ ca sĩ, luật sư đến bác sĩ.

Lao Động ngày 8 Tháng Ba 2023 đưa tin phiên tòa xét xử bà Mai Thị Lan (46 tuổi, phường Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội) phạm tội lừa đảo vay tiền của nhiều người đã phải hoãn, do vắng mặt hai người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Từ năm 2017 đến Tháng Bảy 2021, bà Lan thường cập nhật trên mạng xã hội về đời sống phong lưu trong căn phòng Golden Mark (khu chung cư đắt tiền ở 136 Hồ Tùng Mậu, Từ Liêm, Hà Nội), khoe có sổ tiết kiệm Vietcombank 200 tỷ đồng ($8,440,600) và đang công tác trong Bộ Công an, đeo hàm đại tá. Không có nghề nghiệp ổn định nhưng bà Lan có gương mặt ưa nhìn, dễ gây thiện cảm với người khác. 

Sau khi xây dựng hình ảnh sang trọng trên mạng xã hội thành công, Lan bắt đầu giăng bẫy con mồi, bằng thông tin cần vốn để kinh doanh vé máy bay và mua vaccine nhưng thiếu tiền vì thời hạn đáo hạn sổ tiết kiệm chưa đến. 

Cuối năm 2020, Lan thuê nam ca sĩ V.T.T. đến tỉnh Bắc Giang biểu diễn văn nghệ và sau đó làm thân với vợ chồng nam ca sĩ này, mời họ về nhà ăn cơm nhiều lần. Lan đã cho họ xem hình ảnh trong trang phục ngành công an, khoe văn phòng làm việc tại Bộ Công an trên phố Yết Kiêu, cho họ xem tin nhắn giữa bà ta và đồng nghiệp. Sau đó, bà ta nói có việc cần tiền gấp, sổ tiết kiệm chưa đến ngày đáo hạn nên vay của vợ chồng nam ca sĩ 1.3 tỷ đồng ($54,863). Khi đã quá thời hạn trả tiền, bị đòi tiền ráo riết, Lan trả được 438 triệu đồng ($18,484). Bà vợ của nam ca sĩ đã tố cáo hành vi của Lan và yêu cầu bồi thường số tiền còn lại.

Ngoài vợ chồng nam ca sĩ, còn có tám người khác là nạn nhân của Lan và bị bà ta chiếm đoạt tổng cộng hơn 9 tỷ đồng, trong đó có cả luật sư giúp bà ta ly hôn chồng và một bác sĩ từng điều trị cho cha chồng của Lan. Mỗi người bị Lan vay tiền từ vài trăm triệu đến hơn 2 tỷ đồng nhưng sau đó bà ta biến mất, không liên lạc được. 

Bị lừa nhiều nhất là ông Nguyễn Ngọc Q. (ngụ tỉnh Lạng Sơn). Tháng Tám năm 2018, tin Lan có nhiều mối quan hệ với lãnh đạo các bộ ở Trung ương nên có thể mua nhà, mua xe hơi thanh lý giá rẻ, không cần gửi hồ sơ thầu nên ông Q. đã chuyển cho Lan 2.7 tỷ đồng ($113,948)

Khi Lan bị bắt, người chồng đã ly hôn của Lan khai chưa bao giờ thấy bà ta có nhiều tiền, trong thời gian chung sống, họ phải đi thuê nhà để ở. 

Bộ Công an xác định không có nữ đại tá tên Mai Thị Lan trong hàng ngũ, còn Vietcombank khẳng định không có khách hàng tên Mai Thị Lan gửi 200 tỷ đồng tại ngân hàng. Quyển sổ tiết kiệm là Lan đặt làm giả trên mạng với giá 2 triệu đồng ($84). Căn phòng sang trọng tại cao ốc Golden Mark cũng là nơi Lan thuê làm tấm bình phong lừa đảo. 

Với hành vi trên, Lan bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, theo khoản 4, với khung hình phạt cao nhất là tù chung thân.

Theo Hà Nội Mới ngày 13 Tháng Mười 2021, vụ việc bà Lan lừa đảo bị vỡ lở khi công an quận Bắc Từ Liêm nhận đơn tố cáo của vợ chồng ông Phạm Quang V. và bà Vương H., ngụ phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm. Họ tố bà Lan đã vay tiền họ 4 lần, tổng số tiền là 1 tỷ đồng ($42,203), nhưng mới trả được gần 100 triệu đồng ($4,220) và có dấu hiệu bỏ trốn.

Mai Thị Lan trong phiên tòa ngày 8 Tháng Ba 2023 tại Hà Nội với dáng vẻ khép nép – Ảnh: Tuổi Trẻ

Vợ chồng ông V. bị lừa vì thông tin giả của bà Lan trên mạng xã hội, lại còn tin bà Lan có chồng là ông L.D.H, đang công tác tại một tòa soạn báo ở Hà Nội và là con gái riêng của một cựu lãnh đạo cao cấp. 

Trong vụ việc này, các nạn nhân bị lừa vì muốn làm thân với một sĩ quan ở Bộ Công an, hy vọng việc tạo dựng mối quan hệ và làm thân với Lan ắt hẳn có lợi sau này, chưa kể khi vay tiền, Lan đều hứa hẹn trả lãi cao và thậm chí hứa tặng cả nhà nữa. Nói chung, những nạn nhân cho Lan vay tiền đều giàu có và có mục đích của họ.

Hồi Tháng Tư 2022, Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố bị can và bắt tạm giam 4 tháng đối với Lê Anh Tuấn, 47 tuổi, ngụ phường Đông Thọ, TP.Thanh Hóa, về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” bằng cách giả danh công an, theo đơn tố cáo của bà L.T.H. 

Tuổi Trẻ dẫn điều tra ban đầu của Công an Thanh Hóa, năm 2018, thông qua mạng xã hội, Lê Anh Tuấn quen với bà L.T.H., 45 tuổi, ngụ thị trấn Quán Lào, huyện Yên Định (tỉnh Thanh Hóa) và tự giới thiệu đang công tác tại một đơn vị thuộc Bộ Công an, cấp bậc thượng tá. 

Tháng Chín 2019, Tuấn nói dối với bà H. là trên đường đi công tác tại Nghệ An đã gây tai nạn giao thông làm chết hai người, nên hỏi vay 470 triệu đồng. Từ Tháng Năm 2020 đến Tháng Mười 2020, Tuấn tiếp tục bịa ra nhiều lý do để vay tiền của bà H, tổng cộng hơn 1.27 tỷ đồng ($53,597). 

Tuấn dùng tiền vay của bà H. để đầu tư vào thị trường chứng khoán và tiêu xài, đến hẹn trả nợ thì khất lần, sau thay số điện thoại rồi bỏ trốn vào tỉnh Bình Dương.

Tại cơ quan Công an Thanh Hóa, Tuấn khai mua trang phục giả của ngành công an trên mạng, không chỉ lừa đảo bà H. mà còn lừa vài người nhẹ dạ cả tin khác.

Hết chiêu giả danh công an hù dân qua điện thoại và mạng xã hội thì giờ đây đến người thật giả danh công an để lừa người quen. Công an ở Việt Nam, là “ông kẹ” với nhiều người (ai cũng sợ và không dám “dây” vào) nhưng vẫn là “mối lợi khi giao hảo” với số ít người.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: