Luật đất đai chỉ đem lại bất công và cản trở sự phát triển

Biếm hoạ: Satế

Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn cho biết thì đến hết Tháng Năm 2022, Chính phủ mới chỉ giải ngân được 22.37% vốn đầu tư theo kế hoạch đề ra, trong khi đó năm 2022 đã đi hết nửa năm. Đầu tư công là một công cụ quan trọng trong chính sách tài khóa của Chính phủ. Dự án vận hành, Chính phủ giải ngân thì những doanh nghiệp làm nhà thầu có thu nhập và từ đó kéo theo các ngành liên quan khác khởi sắc. Đầu tư công quan trọng như vậy, nhưng Chính phủ chỉ giải ngân chưa tới một phần tư so với kế hoạch thì đó là sự yếu kém. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế đất nước.

Dự án metro tuyến Bến Thành – Suối Tiên tại Sài Gòn bị đội vốn nhiều lần. Nguồn: Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn

Nguyên nhân được bài báo này đưa ra là: Thứ nhất, do phía chủ đầu tư thuê các đơn vị tư vấn không đủ năng lực, không có kinh nghiệm về lĩnh vực tư vấn dẫn đến tình trạng “bốc thuốc” giá trị gói thầu tư chọn nhà thầu tư vấn thiếu kinh nghiệm nên lập dự toán thấp hơn thực tế; thứ nhì là do các nhà thầu cố tình lập dự toán thấp, cốt để giật lấy gói thầu rồi sau đó tìm lý do xin nhà nước điều chỉnh giá.

Về nguyên nhân thứ nhất, thuê đơn vị tư vấn thiếu năng lực. Thực ra gói tư vấn nếu theo đúng luật đấu thầu cũng phải tổ chức đấu thầu công khai để chọn nhà thầu tốt nhất nhằm lập dự toán chứ không phải muốn gọi ai thì gọi đâu mà trúng nhà tư vấn thiếu năng lực? Nếu mời thầu công khai, minh bạch, và loại bỏ những mánh lới thông thầu thì không khó để chọn nhà thầu tư vấn có năng lực.

Đơn giá đền bù đất luôn thấp. Hình cắt từ Báo Đầu Tư

Nguyên nhân thứ hai, nhà thầu cố tình làm hồ sơ dự thầu giá thấp để giật thầu. Nếu luật pháp nghiêm minh, khi nhà thầu dám bỏ giá thấp rồi không hoàn thành trách nhiệm thì cắt hợp đồng. Nếu nhà tư vấn có năng lực thì không khó để phát hiện ra điểm nào trong hồ sơ dự thầu nhà thầu thi công cố tình làm giá thấp. Nếu nhà thầu thi công lấy cớ để nâng thầu thì bên tư vấn cứ ‘xoáy” vào điểm yếu đó mà loại bỏ nhà thầu thi công, mời nhà thầu khác tiếp tục. Vấn đề ở đây là đừng để sự thông đồng giữa nhà thầu và chủ đầu tư rồi bên này đòi thì có bên kia chiều lòng, đề xuất nhà nước chấp nhận nâng giá để chia chác. 

Đấy là hai vấn đề được đề cập trên báo. Theo tôi, còn có một vấn đề rất lớn mà Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn bỏ qua, đó là vấn đề về đền bù giải tỏa. Xác định giá xây dựng đúng là không khó, nhưng xác định giá đền bù để giải phóng mặt bằng phục vụ thi công thì gần như chưa bao giờ nhà nước làm người dân hài lòng. Đây là điểm mấu chốt gây ra hiện tượng dự án chậm tiến độ và đội vốn. Hầu như dự án nào cũng vướng, vì sao như vậy?

Dân oan Thủ Thiêm căng tấm bản đồ đòi quyền lợi đất đai. Nguồn: Vnexpress

Rất nhiều năm nay, từ người dân cho đến hệ thống báo chí đều than vãn giá đền bù giải phóng mặt bằng rất thấp so với giá thị trường. Mà khi nhà tư vấn lập dự toán cho nhà nước thì phải dùng bảng khung giá đất do nhà nước quy định mới hợp lệ. Vậy nên, dù nhà thầu tư vấn có năng lực thì họ cũng không dám áp giá thị trường vào. Họ áp giá thị trường thì họ bị bỏ tù thì sao?

Đã nhiều năm nay nhà cầm quyền cộng sản không điều chỉnh giá đền bù theo giá thị trường thì cũng có cái lý riêng của nó. Nếu không áp giá thấp thì đâu có vụ thu hồi đất 18 triệu đồng/m2 bán lại 350 triệu đồng/m2 như Thủ Thiêm? Đấy là lý do chính. Mà đâu phải chỉ một mình Thủ Thiêm mà còn đó những Văn Giang, Dương Nội, Đồng Tâm vv… là những minh chứng rõ nét. Việc áp giá đền bù thấp, ép dân nhượng đất giá rẻ mạt sau đó bán với giá cao đã mang bao nhiêu tiền của cho quan chức và chính quyền thì cớ gì họ điều chỉnh?

Hội nghị Trung ương 5, bàn Luật đất đai như không bàn. Nguồn: Báo SGGP

Trước áp lực xã hội thì tại Hội Nghị Trung ương 5, ông Nguyễn Phú Trọng cũng cho họp bàn về luật đất đai. Tuy nhiên, kết quả vẫn không có gì thay đổi. Vẫn giữ quy định “đất đai là sở hữu của toàn dân nhà nước quản lý”, dân chỉ nắm “quyền sử dụng” chứ không nắm được “quyền sở hữu”. Mà không có quyền sở hữu thì không thể giữ đất được, mặc dù mảnh đất của dân bị nhà nước định giá “rẻ như cho” rồi thu hồi.

Làm chính sách là phải đồng bộ, nghĩa là để cho những dự án đầu tư công chạy được suôn sẻ thì cũng phải chỉnh Luật đất đai và nhiều luật liên quan khác cho phù hợp. Làm luật là phải đồng bộ, còn thủng đâu vá đó thì mãi mãi các luật trở nên cản trở lẫn nhau. Không đồng bộ luật được cũng có thể do nhân lực trong Quốc hội yếu và cũng có thể do họ cố tình làm thế, bởi đại biểu Quốc hội hầu hết là quan chức. Những gì đang nuôi sống họ, đang làm giàu cho họ thì làm sao họ muốn sửa? Chắc là không đời nào! 

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: