Lúc nhúc như… “tiến sĩ”

Hý họa của báo Tuổi Trẻ

Hôm rồi thấy báo đăng UBND Thành phố Hà nội có hơn 400 tiến sĩ làm việc trong cái tập thể cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp thuộc UBND TP. Hà Nội là 137,768 người. Như vậy số tiến sĩ hiện có nhiều hay ít, và câu hỏi sát sườn nhất: Tiến sĩ làm gì trong bộ máy UBND và có thật sự cần những cái bằng tiến sĩ để chỉ làm một công việc duy nhất: Xem xét và ký giấy tờ có liên quan tới đời sống người dân.

Ai cũng biết khi Nguyễn Thiện Nhân làm Bộ trưởng Giáo dục, phát biểu gây xôn xao nhất của ông ta là phải đạt được chỉ tiêu đào tạo cho 20 ngàn tiến sĩ nhưng ông Nhân không giải thích số tiến sĩ này được đào tạo để làm gì và trong cái guồng máy rệu rạo của Bộ Giáo dục, việc đào tạo có chắc là đủ tiêu chuẩn cho cái bằng tiến sĩ hay không.

Đối với ông Nhân và nhiều người trong guồng máy công quyền thì một ông tiến sĩ ngồi giữa văn phòng tiếp dân vẫn oai hơn một cán bộ bình thường với nón cối và dép nhựa. Cái tư duy mang bằng tiến sĩ trên ngực sẽ làm cho người dân khâm phục bộ máy cầm quyền khi từ trên xuống dưới hiếm có ai đủ kiến thức làm cho người dân nể sợ. Nhưng khốn nạn thay, bằng tiến sĩ mà Việt Nam với hàng chục ngàn người kiếm được không qua đào tạo nào bài bản, mà đa phần là mua và báo cáo với cấp trên để coi như xong chỉ tiêu mà một cán bộ văn phòng tầm tầm bậc trung phải có.

Hý họa của báo Người Lao Động

Người ta không lạ gì vụ Đại học Đông Đô vừa qua với hàng trăm cán bộ mua bằng tại đây được nhà nước ra lệnh không lộ danh tính trước dư luận. Điều này khó giúp cho bộ mặt nhà nước sạch sẽ thêm mà trái lại nhơ nhuốc không thể rửa. Người dân hỏi nhau, sao không công khai danh tính người mua bằng để làm trong sạch một bộ phận cán bộ mà lại âm thầm ra lệnh im lặng, có phải đây là chủ trương của nhà nước, im lặng chấp nhận cán bộ mua bằng khi đổ bể ra nhà nước sẽ bao che miễn sao người bán bằng phải bị khởi tố là được

Không phải bản thân người có bằng tiến sĩ muốn khoe mẽ mà thật ra vì áp lực của nhà nước là nguyên nhân chính. Nghị quyết số 27-NQ/TƯ ngày 6.8.2008 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã buộc người làm việc trong guồng máy phải tìm cách ở lại bằng cách kiếm cho được mảnh bằng mà Nghị quyết này yêu cầu nếu không muốn bị đá ra khỏi cái vòng mưu sinh nhàn nhã.

Từ Đại học Đông Đô lan ra các địa chỉ chuyên cung cấp bằng tiến sĩ giả đã tạo cơ hội cho người mua bằng nhiều chọn lựa. Ở đây không phải chọn lựa chuyên ngành mà là chọn nơi nào bán bằng rẻ, khó bị phát hiện và nhất là chưa bị báo chí ngắm tới.

Tiến sĩ càng nhiều thì càng lộ ra nhu cầu cần thiết của đất nước trước nạn khan hiếm tiến sĩ thực thụ càng rõ. Mới đây nhất lộ ra thông tin Trường đại học Sân khấu Điện ảnh xin cơ chế đặc thù cho các giảng viên có danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú, Nghệ sĩ nhân dân được tính tương đương học vị thạc sĩ, tiến sĩ để phù hợp ngành nghề đào tạo. Mới xem thì có vẻ hài hước nhưng khi biết cái nguyên nhân thì cười không bằng khóc:

Do là trường đại học nên giảng viên bắt buộc phải có bằng tiến sĩ mới phù hợp tiêu chuẩn của một đại học, bất kể đại học đó đào tạo chuyên ngành gì. Với trường Đại học Sân khấu Điện ảnh hiện nay đã mời những người có tay nghề cao, từng sống cả đời trong lĩnh vực sân khấu hay điện ảnh nhưng họ không có bằng cấp mặc dù từng nhận được danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú, Nghệ sĩ nhân dân… do thiếu người giảng dạy mới có kiến nghị này nhằm hợp thức hóa danh phận của người đứng lớp.

Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh xin cho các giảng viên có danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú, Nghệ sĩ nhân dân được tính tương đương học vị thạc sĩ, tiến sĩ để phù hợp ngành nghề đào tạo. Ảnh chụp màn hình Baomoi

Có một nguyên tắc căn bản mà trường Đại học Sân khấu Điện ảnh không chú ý đó là bất cứ đề tài nào để trình luận án tiến sĩ phải qua một ban giám tuyển có kinh nghiệm phê duyệt thì mảnh bằng ấy may ra mới có giá trị. Một nghệ sĩ dù “Ưu tú” hay “Nhân dân” không thể đồng đẳng với một tiến sĩ vì đơn giản muốn có mảnh bằng tiến sĩ phải qua học thuật, còn được công nhận là gì đó chẳng qua nhu cầu chính trị của bên cấp lẫn bên xin (Xin vì muốn công nhận thì phải làm đơn). Người tự trọng không ai làm đơn xin cấp cho mình thứ tài năng mà mình hiện có, nghệ sĩ Thành Lộc là một trong số ít người tự trọng đó.

Trên thế giới người ta xem mảnh bằng tiến sĩ cũng như các loại bằng cấp khác dùng để xác định khả năng của mình trước công việc đặc thù mà thôi. Nó không làm cho người nhận bằng cao hơn người khác trong bất cứ hoàn cảnh nào. Nó cũng không phải là sự hãnh diện để người có bằng ngẩng cao đầu hơn người khác và đặc biệt ở chỗ nó chưa bao giờ trở thành một hiện tượng bẩn thỉu như ở Việt Nam đã xảy ra nhiều chục năm nay.

Đối với chính quyền, chưa từng có nước nào lại yêu cầu nhân viên văn phòng lại phải có bằng tiến sĩ để nhà nước hãnh diện với… nhân dân. Chỉ có Việt Nam đứng một mình trơ trọi trong cái đám đông quốc tế, móc tắm bằng tiến sĩ giả ra để tự sướng và tự đề cao mình là nước có con số tiến sĩ cao nhất thế giới. Nhưng tai hại thay, tiến sĩ thì nhiều mà chưa từng có một công trình nào ích nước lợi dân trong khi thực tế cả một nền công nghiệp tự xưng là hiện đại hóa chỉ làm được duy nhất một con ốc để gắn bảng số xe hơi, vậy thì tiến sĩ nhiều để làm gì?

Cơ chế kỳ quái làm sản sinh nhiều tiến sĩ “dỏm”. Ảnh chụp màn hình

Thật ra càng ngày càng ít người can đảm khoe cái bằng tiến sĩ mình có được bởi dù là học thật, làm luận án thật nhưng dư luận đã có thành kiến nặng nề với cái danh hiệu này thì có thật cũng như giả mà thôi. Vì cơm áo người ta buộc phải cúi mặt chịu nhục mà mua bằng trình lên cho thượng cấp, còn thượng cấp vì cái gì mà buộc nhân viên phạm pháp khi mua bằng giả trình cho mình?

Đó là niềm kiêu ngạo cộng sản đã ăn sâu vào tiềm thức của mọi giai tầng cán bộ. Không có kiến thức nên tưởng rằng hai chữ tiến sĩ sẽ bù đắp vào sự thiếu thốn ấy và tiếp tục chai lì nhân cách để khoác lên chiếc áo chằng đụp bởi không biết bao nhiêu sai lầm mà vẫn tỏ ra kiêu ngạo, khinh thường trí thức thực sự. Khi nào tiến sĩ Việt Nam không còn nhung nhúc như hiện nay thì may ra mới kích thích được sự học thực sự từ đại học để có được những tiến sĩ tài năng giúp ích nước nhà.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: