Lương tri và tình đồng bào

Share:

Những gương mặt khác, cũng đáng nhớ của một năm 2021 đầy đau khổ, lại cũng là những gương mặt vô danh. Hầu hết trong số họ không phải là những con người cụ thể, có tên họ, chân dung. Nhưng họ có mặt khắp nơi, ở đâu có người đói, người rét, người bệnh thì có bàn tay chăm sóc giang rộng của họ.

Trong một Sài Gòn bị giới nghiêm, bị phong tỏa nghiêm ngặt với hàng rào kẽm gai và những đội quân đằng đằng sát khí, có những xóm nhà trọ quần tụ hàng trăm con người vật vã trong cái đói, cái bệnh. Họ là những công nhân bị thất nghiệp do nhà máy đóng cửa, là những người buôn gánh bán bưng mưu sinh trên các vỉa hè, trong các chợ cóc… nay đành bó chân trong nhà vì thành phố bị giới nghiêm, không ai được phép ra đường nếu không chứng minh được với đám sai nha canh gác ngoài kia chuyến đi là “hết sức thiết yếu”!

Mất việc, không có tiền thì đói. Người nghèo, xóm trọ liêu xiêu lấy đâu ra tủ lạnh để tích trữ thực phẩm lương thực sống qua mùa phong tỏa. Đi làm cật lực, tay làm hàm nhai, đồng tiền kiếm được chưa đủ trang trải tiền nhà trọ, tiền ăn, tiền học cho con, lấy đâu ra của để dành để ngồi ăn trong những tháng ngày thất nghiệp, chưa biết kéo dài đến bao giờ. Họ đói, rất đói, không chỉ một vài mà hàng ngàn, hàng chục ngàn người rải rác trong các khu xóm bình dân ở các vùng ven Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai, Long An.

Rồi bỗng xuất hiện những người hùng vô danh. Những tiệm ăn bị nhà nước lệnh phải đóng cửa vẫn âm thầm duy trì ngọn lửa trong bếp, nấu những phần ăn đóng hộp rồi cho người chở đến các xóm trọ, đi dò trên các đường phố, các ngõ hẻm xem có ai đói thì giúp, một miếng khi đói bằng một gói khi no. Không chỉ các tiệm ăn mà rất nhiều nhóm thanh niên, phụ nữ Sài Gòn cũng chung tay nấu cơm cho người nghèo trong mùa dịch. Bình thường họ là những người nội trợ chăm lo bữa ăn cho chồng cho con; trước cảnh khổ của đồng bào, họ âm thầm chăm lo cho những người bất hạnh. Đừng tưởng việc đó là dễ. Bình thường, chuyện nấu nướng cơm nước đối với họ không phải là việc quá khó khăn, nhưng khi chính quyền ngăn sông cấm chợ, tìm mua cho được gạo mắm rau củ cá thịt là cả một bài toán nan giải. Nhưng họ đã không bỏ cuộc, không bỏ mặc đồng loại vật vã thống thiết với cái đói trước mắt.

Ảnh: MXH
Ảnh: MXH

Một trường hợp đôi vợ chồng già trên 80 tuổi, ngày nào cũng nấu 100 phần cơm chay “không đồng” được tờ VNExpress đăng tải: “… Bà My đảo nhanh rồi nêm nếm lại nồi bí đỏ kho. Trong lúc đó, chồng bà, ông Trần Văn Hồng, 86 tuổi, múc từng vá cơm nóng từ chiếc nồi lớn ra sẵn từng hộp. Cặp vợ chồng cứ cặm cụi làm việc như thế từ rạng sáng để đủ hơn 100 phần cơm chay vào lúc 9 giờ. Họ mang ra đặt trước nhà ở số 203 đường Nguyễn Văn Đậu, quận Bình Thạnh để những người cần tự ghé qua lấy… Trong những ngày giãn cách xã hội, người dân hạn chế ra đường nhưng ông bà vẫn nấu vài chục suất cơm để trước cửa vì “sợ có ai quen đến lấy không có cơm thì tội người ta”. Nhiều ngày liên tục, đôi vợ chồng già phải ngồi đến chiều, có khi cơm canh đã nguội ngắt nhưng vẫn ế. Rút kinh nghiệm, mấy hôm sau cứ quá bữa trưa là bà My nhờ những người quen trong xóm chở cơm mang đi tặng ở những con hẻm có nhiều người lao động nghèo”.

Ảnh: MXH

Những người không có điều kiện để nấu nướng hoặc cung cấp bữa ăn cho người nghèo thì đóng góp gạo thịt, tùy hảo tâm và tùy hoàn cảnh, ai cũng cố chung tay xoa dịu nỗi đau khổ của đồng bào. Có khi chỉ là vài thùng nước, dăm hộp cơm đặt trước cửa nhà cho ai đói thì ăn, ai khát thì uống.

Tôi biết những chủ nhà trọ, lấy việc kinh doanh chỗ ăn ở cho người lao động tha hương là nguồn thu nhập chính; nhưng đến khi dịch bệnh và phong tỏa xảy ra, có người giảm hoặc miễn tiền trọ, tiền điện nước, nhận phần thua thiệt về mình và có người chia sẻ thức ăn, gạo mắm cho khách trọ giúp họ sống qua ngày, “chẳng lẽ để họ đói mà chết trong nhà mình?” – một lẽ rất giản đơn, không cần suy nghĩ gì.

Không ai đếm được hết những gương mặt vô danh, những tấm lòng thơm thảo như vậy giữa Sài Gòn trong suốt bốn tháng phong tỏa “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Nếu không có những tấm lòng quảng đại như vậy, không ai biết số tử vong trong mấy tháng phong tỏa sẽ lên đến đâu; nhiều người chết vì bệnh dịch nhưng cũng có nhiều người chết chỉ vì đứt bữa, vì cùng kiệt do cuộc mưu sinh vốn dĩ đã gian lao lại bị tai họa bất ngờ giáng xuống.

Tôi có người bạn là bác sĩ, có phòng mạch riêng. Từ mấy năm trước dịch, anh cùng nhiều đồng nghiệp tổ chức các buổi ca nhạc từ thiện vào cuối tuần mà ca sĩ nhạc công là những người mặc blouse trắng. Tiền thu được từ các đêm nhạc đó được biến thành các “đĩa cơm trên tường” cho bệnh nhân và người nuôi bệnh nghèo, từ các tỉnh lên Sài Gòn chữa bệnh. Hàng trăm buổi ca nhạc như vậy đã được tổ chức, hàng chục ngàn đĩa cơm đã góp phần làm giảm khó khăn cho những người nghèo chẳng may mắc bệnh phải vào Sài Gòn chạy chữa.

Ảnh: MXH

Khi dịch bệnh bùng phát, không tổ chức ca nhạc được, anh chuyển sang cung cấp bình oxy miễn phí cho những người mắc COVID-19, mà chính quyền gọi là F0, cần oxy mà không thể vào bệnh viện của nhà nước. Hàng ngàn bình oxy các cỡ đã được nhóm của anh đưa đến tận nhà bệnh nhân giúp họ duy trì sự sống dù công việc của các anh không dễ dàng, bị sự cạnh tranh, xuyên tạc của các tổ chức vụ lợi cho thuê bình oxy, và cả sự cản trở từ phía nhà cầm quyền. Qua những lần trò chuyện viễn liên, anh nói anh rất buồn, phẫn nộ, nhưng anh không bỏ cuộc vì người bệnh, người dân cần sự giúp đỡ của các anh…

Rồi hàng chục ngàn lưu dân khăn gói rời miền đất hứa ở miền Nam trở về miền Bắc miền Trung, vượt hàng ngàn cây số trên những chiếc xe gắn máy già cỗi, mang theo vợ con, tất cả sản nghiệp gói trong mấy chiếc bao nhựa, đi trong mưa dưới nắng trông thật bi thảm! Lúc ấy, trên đường thiên lý, chúng ta lại thấy cảnh người dân đem cơm nước, xăng dầu, cả sữa cho trẻ em, áo đi mưa cho người lớn, ra đường tiếp tế cho dòng người di tản dù không hề quen biết họ hàng gì, chỉ mong giúp được người trong cơn hoạn nạn và chúc họ thượng lộ bình an, sớm về với người thân, cha mẹ đang mong ngóng. Những người có tấm lòng nhân hậu đó là ai, chúng ta không biết. Họ chỉ là những người vô danh trong cộng đồng người Việt, là hình ảnh thoáng qua trên các trang Facebook, trong các câu chuyện truyền cho nhau như người cổ xưa truyền lửa để giữ niềm tin vào tính thiện của con người.

Có một ngọn lửa mà tôi biết rõ về một nhà văn từng đứng ra vận động tiền bạc của các nhà hảo tâm xây dựng hàng trăm cây cầu sắt kiên cố thay cho cầu khỉ “lắt lẻo” ở miệt sông nước Cà Mau và các tỉnh miền Tây. Khi đại dịch bùng phát, biết rằng người dân sẽ đói, sẽ chết không chỉ vì dịch mà vì đói, anh đã cùng thân hữu vận động mua gạo đưa đến các xóm trọ nghèo, giúp các gia đình công nhân, người neo đơn có hạt gạo cơm cháo qua ngày. Việc gây quỹ để có tiền mua gạo của anh rất đa dạng, linh động và sáng tạo.

Ảnh: MXH

Từ Hoa Kỳ, anh kết nối với hàng chục thiện nguyện viên, hầu hết là những người trẻ, có sức khỏe, có phương tiện đi lại để thực hiện cuộc “cứu đói” tư nhân rộng khắp, trong suốt ba tháng phong tỏa. Hôm qua, anh cho biết “đến ngày 20 tháng Mười, nhóm của tôi kết thúc đợt cứu trợ với 233 tấn gạo cùng hàng ngàn thùng mì, thùng sữa và các loại thực phẩm linh tinh, tổng trị giá 3,3 tỷ đồng, tương đương $147.000”. Của một đồng, công một lượng; tiền bạc đóng góp cũng nhiều, nhưng quý nhất là tấm lòng và công sức của những người không quản khó khăn đến với đồng bào trong những ngày tháng gian lao nhất. “Những số liệu về gạo, về tiền rồi sẽ chìm trong sự quên lãng của thời gian. Nhưng những câu chuyện về tình đồng loại, nghĩa đồng bào sẽ mãi mãi nằm trong kho tàng ký ức của anh em chúng tôi” – anh nói.

Không thể nào kể hết những câu chuyện về những con người thiện lương, những tấm lòng nhân ái trong đại nạn; và nếu phải chọn những gương mặt đại diện tiêu biểu cho năm 2021, tôi nghĩ rằng đó chính là những con người bình thường, vô danh nhưng đã sống trọn vẹn với tình yêu đồng loại, với nghĩa đồng bào trong thời kỳ khắc nghiệt nhất của đất nước.

ĐỌC THÊM:

Rùng rùng những bước chân chấn động Việt Nam

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: