Mặt bằng cho thuê ế ẩm ở khu vực trung tâm Sài Gòn

Các mặt bằng đều dán chi chít thông tin cho thuê. Nhiều cửa hàng đã đóng cửa suốt 3-4 năm qua nhưng vẫn chưa tìm được chủ – Ảnh: Dân Việt

Cửa đóng, then cài, dán chồng nhiều bảng cho thuê nhà… là tình trạng chung của nhiều cửa hàng ở khu trung tâm quận 1 và quận 3, Sài Gòn trong thời điểm hiện nay.

Phóng sự ảnh của Dân Việt trong hai ngày 23 – 24 Tháng Ba 2023 cho thấy sự ảm đạm của thị trường cho thuê mặt bằng tại nhiều đường phố đắt đỏ bậc nhất ở Sài Gòn.

Đường Lê Lợi chạy dài từ phố đi bộ Nguyễn Huệ đến chợ Bến Thành có chiều dài chỉ khoảng 984 feet (300 mét), là tuyến đường đắt đỏ bậc nhất ở Sài Gòn. Hiện nay, số nhà đóng cửa treo bảng cho thuê mặt bằng trên con đường này chiếm tỷ lệ cao nhất so với các con đường khác ở trung tâm Sài Gòn.

Mặc dù rào chắn thi công tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên đã được tháo bỏ trước Tết Nguyên Đán, đồng thời du khách đã bắt đầu gia tăng trên phố, nhưng hiện thời trên con đường này vẫn có hơn 20 mặt bằng đóng cửa im ỉm với chi chít bảng thông tin cho thuê, sang nhượng v.v.. trong suốt 3-4 năm qua nhưng vẫn chưa tìm được chủ. Thậm chí, một số khách thuê tiếp tục rời đi khi hết hợp đồng khiến bức tranh chung về cho thuê mặt bằng tại khu vực này càng trở nên xám xịt.

Một mặt bằng có hai mặt tiền, nằm cạnh chợ Bến Thành, hướng ra vòng xoay Quách Thị Trang, vị trí đắc địa, thế nhưng cũng không có khách thuê – Ảnh Dân Việt

Hầu hết mặt bằng trên đường Lê Lợi đều thuộc những căn chung cư cũ, nằm liền kề nhau. Việc tháo bỏ rào chắn thi công tuyến metro giúp các mặt bằng này sáng sủa hơn. Bà Thanh Thủy, người dân sống tại khu vực này, cho biết khu vực này đã ế ẩm từ nhiều năm trước do vướng rào chắn thi công metro, tuy nhiên hơn ba tháng nay, các rào chắn đã được gỡ bỏ vẫn không có người tới thuê.

Trên con đường này, hiện có một dãy mặt bằng gồm 6-7 căn liền kề đang đóng cửa, lúc trước từng là các cửa hàng kinh doanh đồ lưu niệm, quần áo thêu tay…. để phục vụ du khách ngoại quốc.

Đáng chú ý là các mặt bằng này nằm đối diện Trung tâm thương mại Saigon Centre và Takashimaya đang hoạt động nhộn nhịp. Trên một con đường, một bên nhộn nhịp, một bên lặng lẽ như tờ, cửa đóng then cài… trông thật đối nghịch.

Hiện chỉ có vài mặt bằng nhỏ đang mở quán cà phê, quán ăn nhưng nằm lọt thỏm trong một loạt mặt bằng bị bỏ trống. Theo quan sát của phóng viên Dân Việt, lượng khách ra vào các quán này chỉ lác đác, kể cả vào giờ cao điểm là chiều tối.

Không xa đường Lê Lợi là các trục đường Lý Tự Trọng, Lê Thánh Tôn, Nguyễn Huệ, Đồng Khởi mấy năm qua cũng có nhiều mặt bằng bỏ trống, chưa kiếm được khách thuê.

Trong khi bên kia đường – trung tâm thương mại Saigon Centre và Takashimaya nhộn nhịp sầm uất thì phía đối diện, các mặt bằng cửa đóng then cài trông thật ảm đạm – Ảnh: Dân Việt

Hầu hết các mặt bằng trên đường Đồng Khởi, Lý Tự Trọng, Lê Thánh Tôn, Nguyễn Thiệp, Đông Du…. thuộc quận 1 lúc trước đều kinh doanh  hàng thời trang, đồ lưu niệm hoặc nhà hàng nhưng đến nay, tỷ lệ lấp đầy mặt bằng cho thuê tại các tuyến đường này vẫn thấp. Ông Hoài An, quản lý một nhà hàng trên đường Lý Tự Trọng, cho hay giờ ông chuyển sang bán online vì khách ít ghé quán như thời trước dịch, mặt khác, giá thuê bây giờ cũng cao như hồi chưa dịch, mở bán không đủ chi phí.  Nhiều cửa hàng quần áo, phụ kiện thời trang trên con đường này cũng ngưng hợp đồng thuê, chuyển sang bán online để giảm chi phí.

Một nhà hàng Nhật Bản cách cửa Nam chợ Bến Thành không xa (đường Lê Thánh Tôn) đang cửa đóng then cài với chi chít số điện thoại liên lạc. Đây là một trong những mặt bằng vừa mới bị trả thuộc khu vực này.

Không chỉ các doanh nghiệp nhỏ mà một số thương hiệu lớn cũng đã “bỏ của chạy lấy người” sau hai năm kinh doanh khó khăn vì Covid-19. Các doanh nghiệp cho biết họ buộc phải đóng các mặt bằng có giá thuê cao, tìm chỗ khác rẻ hơn để tối ưu hóa doanh thu, lợi nhuận trong bối cảnh kinh tế khó khăn.

Thường ra trung tâm quận 1 chơi vào mỗi cuối tuần thời gian trước khi đại dịch ập đến, nay sau dịch trở lại tôi không còn tìm thấy nhiều cửa hàng yêu thích như trước. Tất cả đã biến mất không để lại dấu tích. Có hôm đứng tần ngần trước một cửa hàng bán đồ thủ công mỹ nghệ, phụ kiện và thời trang… của đôi vợ chồng người Nhật tổ chức sản xuất ở Sài Gòn, tôi bần thần tự hỏi: Người chủ cửa hàng quen thuộc dễ mến đó giờ lưu lạc nơi đâu?

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: