Mặt trái của chiếc Huân chương

Vào ngày 31 Tháng Mười 2022, Nguyễn Phú Trọng trở thành người Việt Nam đầu tiên và là người thứ 10 được Tập Cận Bình trao Huân chương Hữu nghị (người đầu tiên là Tổng thống Nga Vladimir Putin; được trao vào ngày 8 Tháng Sáu 2018) – ảnh: VOV

Chiều 31 tháng 10 sau khi Tập Cận Bình chính thức được Quốc hội Trung Quốc “cho phép” ở lại cương vị Tổng bí thư (TBT) một lần nữa, tại Đại lễ Đường nhân dân ở Thủ đô Bắc Kinh, Tập Cận Bình đã trao tặng Huân chương Hữu nghị cho ông TBT Nguyễn Phú Trọng Trọng vì luôn là một người bạn chân thành của Trung Quốc, có nhiều đóng góp quan trọng và luôn kiên định duy trì mối quan hệ hữu nghị toàn diện giữa hai nước.

Ông Trọng là TBT duy nhất của Việt Nam nhận được huân chương này. Ông Trọng cũng là nguyên thủ quốc gia đầu tiên đến Bắc Kinh chúc mừng ông Tập Cận Bình sau khi ông này đăng quang.

Phát biểu tại buổi lễ, Tập Cận Bình cho biết, Huân chương Hữu nghị là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và nhân dân Việt Nam về những đóng góp vào việc phát triển quan hệ giữa hai nước cũng như định hướng và thúc đẩy quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung-Việt trong thời đại mới.

Huân chương Hữu nghị này nhắc lại câu tục ngữ Pháp: “Tất cả những tấm huân chương đều có mặt trái của nó”. Mặt trái ấy tùy theo công sức tích cực hay tiêu cực của người nhận. Tích cực là mồ hôi nước mắt, sự kiên trì tập luyện, đau khổ gian truân để bước lên bục cao nhất nhận tấm huy chương. Tấm huy chương này được xã hội, cộng đồng kính trọng và vinh danh. Ngược lại với tích cực là tiêu cực, gồm những hoạt động phản diện, mưu mô, phản bội, thậm chí đâm sau lưng để đạt dược tấm huy/huân chương mà khi nhận nó chỉ người nhận hãnh diện còn dư luận, cộng đồng sẵn sàng ném đá vì quá biết cái mặt trái của chiếc huy chương ấy là gì.

Việc ông TBT một nước nhanh nhẩu bay sang nước người chỉ để làm một công việc chúc mừng cho thấy mặt trái của tấm huân chương càng thêm rõ nét. Từ những ngày xa xưa Việt Nam đã bị khống chế bởi phương Bắc và các vị vua phương Nam chấp nhận cứ hai năm cử một sứ đoàn sang Bắc Kinh để triều cống cũng như khi Trung Quốc phong kiến có vua mới đăng quang, băng hà hoặc để thương thuyết một hay những vấn đề nào đó. Những phái đoàn đi sứ ấy được triều đình đề cử từ những bậc công thần, tài năng về ứng đối, biết thương thuyết và biết làm sao cho phương Bắc nể vì nước Nam. Qua bao nhiêu đời vua chúa các triều đại chưa bao giờ có một vị vua nào của phương Nam thân chinh sang Trung Quốc để quỳ mọp trước ngai vàng thốt lời chúc tụng cả.

Những phái bộ đi sứ được dẫn đầu bởi một sứ thần và qua lịch sử ghi chép lại cho chúng ta thấy sứ thần nước ta không hề kém cỏi đối với Bắc Kinh. Không kể những truyền thuyết về tài ứng phó của Mạc Đĩnh Chi, trong việc đòi đất bị lấn chiếm ở vùng biên giới có các sứ thần Nguyễn Trung Ngạn, Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Đăng Đạo, Nguyễn Công Hãng, Hồ Phi Tích, Nguyễn Công Nhuận. Rồi nhà văn hóa Lê Quý Đôn với học vấn uyên bác, lịch lãm đã để lại rất nhiều giai thoại đáng kính trọng. Dưới triều Tây Sơn, những nhà ngoại giao như Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Đoàn Nguyên Tuấn đều là những nhà văn hoá lớn đã làm nên trang sử ngoại giao vẻ vang của triều đại Quang Trung.

Nghiên cứu của TS Trần Đức Anh Sơn cho biết:

“Theo một quy định do nhà Minh (1368 – 1644) ban hành vào năm Hồng Vũ thứ 7 (1374), cứ ba năm một lần, nước ta phải cử sứ bộ sang tuế cống. Sau khi nhà Thanh diệt nhà Minh, năm 1663, vua nhà Thanh là Khang Hy cũng theo nếp cũ, định lệ tam niên nhất cống (ba năm cống một lần). Tuy nhiên, do đường sá xa xôi cách trở nên thể theo yêu cầu của triều đình nhà Lê, vào năm 1668, vua Khang Hy đổi lệ thành lục niên lưỡng cống nghĩa là sáu năm mới sai sứ đi cống một lần nhưng mang gộp lễ vật của cả hai kỳ tuế cống. Đến năm 1792, vua Càn Long ban cho triều đình Tây Sơn một chỉ dụ khác về thời hạn tuế cống và nhắc lại thời hạn này trong một chỉ dụ ban hành vào năm 1803 sau khi vua Gia Long lập ra triều Nguyễn. Các chỉ dụ mới này quy định như sau:

-Triều đình An Nam, sau này là Việt Nam (từ 1804 đến 1838), rồi Đại Nam (từ 1838 đến 1945) phải gửi đồ tuế cống cho Trung Hoa hai năm một lần và cứ bốn năm phải có một sứ bộ sang chầu.

-Ngoài ra, phải có sứ bộ đến Bắc Kinh, mỗi khi có hoàng đế Trung Hoa thăng hà (để phúng điếu) và mỗi khi có hoàng đế mới đăng quang (để chúc mừng).

-Phía Việt Nam cũng cử sứ bộ sang Thanh trong các trường hợp sau: Báo tang một vị vua Việt Nam vừa mất; xin phong vương cho vị vua mới lên ngôi và sau đó phải có sứ bộ sang cám ơn về việc được nhà Thanh phong vương; để chúc mừng sinh nhật vua và hoàng gia nhà Thanh; đi mua sắm vật dụng cho triều đình; đi truy bắt tội phạm trong nước chạy sang Trung Quốc…”

Lịch sử nhiều triều đại đã ghi chép rành rành như vậy nhưng cho tới triều đại “nhà Sản” (Xin lỗi vì không có từ nào tương ứng để miêu tả những vị “vua” trong cùng một triều đại Cộng sản Việt Nam) thì mọi chuyện đã khác. Ngoại trừ TBT Lê Duẩn, tất cả TBT sau đó như Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh và Nguyễn Phú Trọng đều liên tục sang Trung Quốc chầu và triều cống không những một mà là nhiều lần. Lễ vật triều cống những đời TBT có khác nhau chẳng qua do sự yêu cầu của mẫu quốc nhưng lễ vật mà phương Bắc thèm khát nhất vẫn là đất đai lãnh thổ của Việt Nam.

Nếu Trường Chinh triều cống sinh mạng của hàng trăm ngàn nông dân Việt Nam cho thỏa mãn ý đồ của Mao qua Cải cách ruộng đất thì Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười đã đặt tay ký văn bản Thành Đô nhằm triều cống mọi kế hoạch phát triển quốc gia đều do Trung Quốc định hướng. Riêng Lê Khả Phiêu thì công khai hơn khi dâng nạp một lúc nhiều vị trí đất đai phía Bắc Việt Nam cho Trung Quốc mà không một chút nhíu mày.

Nhà báo Huy Đức viết trong Bên Thắng Cuộc:

“Việc hoạch định biên giới, cụ thể là phân chia 227 km2 nằm trong 164 khu vực có tranh chấp, hoặc có nhận thức khác nhau về hướng đi của đường biên giới, gọi là khu vực C được quyết định trong nhiệm kỳ của Tổng Bí Thư Lê Khả Phiêu và Thủ Tướng Phan Văn Khải. Tương nhượng là điều không thể tránh khỏi trong các cuộc đàm phán, nhưng tương nhượng ở Hữu Nghị Quan, thác Bản Giốc, những nơi mà từ xa xưa các nhà nước Việt Nam đều đã khẳng định chủ quyền và trong tiềm thức nhân dân, đã trở thành một phần lãnh thổ thiêng liêng quả là những quyết định khó phân công, tội.”

Tới thời Nông Đức Mạnh thì việc triều cống tỏ ra “hiện đại” hơn khi cho phép Trung Quốc khai thác những quặng mỏ quốc gia bất kể môi trường lẫn an ninh lãnh thổ. Từ những ký kết có tính quyết định đã nhượng quyền cho hàng chục ngàn công nhân Trung Quốc vào làm việc, ở lại, lấy vợ sinh con tại Việt Nam đã tạo thành đạo quân thứ 5 vô cùng nguy hiểm.

Nhưng cho tới thời ông Nguyễn Phú Trọng thì những ông TBT trước đều không đáng là gì so với “tài năng” triều cống của ông TBT này. Ông TBT Nguyễn Phú Trọng triều cống chính sách, kế hoạch ngoại giao, một cương lĩnh bất di bất dịch và nhất là chủ trương nhất quán đối với chính quyền Tập Cận Bình.

Chính sách mà ông Trọng luôn nhắc tất cả mọi người phát ngôn của đất nước phải ghi nhớ nằm lòng là chính sách ba không: Không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia.

Kế hoạch “ngoại giao cây tre” của ông Trọng cho thấy các cây tre khác chỉ là trúc còn Trung Quốc mới là tre, mà hơn nữa còn là tre rất già rất cứng cáp, không như Mỹ, chỉ là loại tre kiểng không giúp gì được cho chiếc ghế của ông ta. Cương lĩnh của ông Trọng luôn nhắc đi nhắc lại không khác gì nói hộ cho Bắc Kinh những lời tuyên truyền về Chủ nghĩa Xã hội; và chủ trương nhất quán của ông TBT vẫn là “Trà Việt Nam không bằng trà Trung Quốc” và cái chủ trương ấy tiến xa hơn một bậc khi Tập Cận Bình giữ chức TBT gần như tới chết thì ai cấm được ông TBT Việt Nam không ngồi thêm một nhiệm kỳ nữa, mặc dù công việc duy nhất của ông ta trên chiếc ghế này chỉ là sao chép lại mọi hoạt động của Tập bệ hạ.

Những ưu điểm của ông Nguyễn Phú Trọng khó có ai bì kịp và vì vậy cái huân chương mà ông ta vừa mang lên cổ không cần lật lại mặt sau thì ai cũng biết do đâu mà nó có.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: