Một bé trai nặng gần 5.8kg chào đời ở Quận 5, Sài Gòn

Bé trai gần 5.8kg chào đời ở bệnh viện Hùng Vương, Sài Gòn ngày 27 Tháng Hai 2023 – Ảnh: Bệnh viện Hùng Vương

Một sản phụ 29 tuổi sinh con lần 2 đã hạ sinh một bé trai nặng 5.770g (12.7lb) tại bệnh viện Hùng Vương, Quận 5, Sài Gòn hôm 27 Tháng Hai 2023. 

Đây là trẻ sơ sinh nặng ký nhất được sinh ở bệnh viện này, bằng phương pháp mổ bắt con, khi thai nhi được 38.5 tuần tuổi. 

Theo bác sĩ Hoàng Lê Minh Hiền, người trực tiếp đỡ em bé: “Đây là lần đầu đỡ sinh một ca trẻ lớn như vậy. Khi đưa em bé ra, tôi phải bế và tỳ cả người vào để đỡ cậu ấy. Đây cũng là một ca nặng cân nhất sinh tại Bệnh viện Hùng Vương tính tới thời điểm này”. 

Cũng theo bác sĩ Hiền, trường hợp thai nhi lớn thường gặp ở người mẹ bị tiểu đường thai kỳ. Khi đó trẻ sơ sinh dễ bị suy hô hấp, nhiễm trùng huyết, viêm phổi. Tuy nhiên, riêng ca này thì mẹ bé không mắc tiểu đường thai kỳ, sức khỏe người mẹ hồi phục nhanh và em bé không mắc các chứng bệnh kể trên. 

Hùng Vương là một trong hai bệnh viện phụ sản lớn tại Sài Gòn, trung bình mỗi năm đón 35,000-40,000 em bé chào đời.

Trước đó, hồi Tháng Giêng 2022, một bé trai nặng 5.1kg (11.2lb) đã sinh ở đây, từ một sản phụ 37 tuổi sinh con lần 3. Điều đặc biệt là sản phụ này đã sinh thường trong thời gian 10 phút, không cần đến sự can thiệp nào về y khoa. Bé trai này là trường hợp duy nhất trong các bé sơ sinh nặng từ 5kg (11lb) trở lên được sinh thường, trong khi các ca còn lại đều dùng phương pháp chủ động mổ bắt con, đề phòng tai biến khi sản phụ sinh thường. 

Ngày 7 Tháng Hai 2023, một bé trai nặng 5.4kg (11.9lb), trọng lượng bằng bé hai tháng tuổi, chào đời ở Trung tâm y tế huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ. Sản phụ 21 tuổi, mang thai lần đầu, khi thai nhi được 39 tuần tuổi thì người mẹ bị chảy nước ối phải cấp cứu mổ bắt con. 

Bé trai sơ sinh nặng 5.1kg chào đời ở bệnh viện Hùng Vương, Sài Gòn ngày 4 Tháng Giêng 2022 là bé nặng ký duy nhất ra đời bằng cách sanh thường – Ảnh: Bệnh viện Hùng Vương

Như vậy, từ đầu năm 2023 đến nay, Việt Nam có hai bé nặng hơn 5kg (11lb) chào đời an toàn, đều là bé trai. 

Năm 2022, Việt Nam có tất cả bốn trẻ sơ sinh nặng từ 5kg (11lb) trở lên chào đời an toàn, trong đó có ba bé trai (một bé nặng 5.1kg – 11.2lb – sinh ở bệnh viện Hùng Vương – Sài Gòn; một bé nặng 5kg – 11lb – sinh ở bệnh viện huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang; một bé nặng 5.2kg – 11.4lb – sinh ở bệnh viện Hoàn Mỹ – tỉnh Bình Phước), một bé gái (nặng 6.2kg – 13.6lb – sinh ở Bắc Giang, mẹ 30 tuổi mang thai lần 3). Ngành y tế chưa thống kê, nhưng 2022 có lẽ là năm có nhiều trẻ sơ sinh nặng từ 5kg (11lb) trở lên chào đời. Trước năm 2022, vài năm mới có một bé sơ sinh “khổng lồ” như vậy. 

Chẳng hạn như năm 2006, tỉnh Đà Nẵng có một bé gái sơ sinh nặng 6.5kg (14.3lb); năm 2008, tỉnh Gia Lai có một bé gái sơ sinh nặng gần 7kg (gần 15lb); năm 2015, tỉnh Quảng Nam có một bé trai sơ sinh nặng 6.5kg (14.3lb); năm 2016, tỉnh Nam Định có một bé trai sơ sinh nặng 6.1kg (13.4lb); năm 2017, tỉnh Vĩnh Phúc có một bé trai sơ sinh nặng 7.1kg (15.6lb). 

Kỷ lục trẻ sơ sinh chào đời nặng ký nhất tại Việt Nam đến nay vẫn thuộc về bé trai 7.1 kg (15.6lb) chào đời ngày 14 Tháng Mười 2017 ở bệnh viện huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Xếp thứ hai là bé gái gần 7kg (gần 15lb) chào đời ngày 9 Tháng Mười 2008 ở bệnh viện tỉnh Gia Lai.

Theo các bác sĩ, cân nặng của trẻ sơ sinh trung bình khoảng 2.8-3.5 kg (6.1lb-7.7lb) nếu đủ tháng. Bé nặng hơn 4kg (8.8lb) đã là thai lớn. 

Các bác sĩ không khuyến khích các bà mẹ mang thai lớn, khuyên các bà mẹ khi mang thai nên tầm soát trước và trong thai kỳ để kiểm soát cân nặng của thai nhi, vì những bào thai lớn khi sanh dễ kẹt vai con, còn mẹ tổn thương tầng sinh môn. Hầu hết các trường hợp bắt buộc phải mổ bắt con, không thể sinh thường. Bên cạnh đó, các bé sơ sinh nặng hơn 4kg (8.8lb) dễ bị hạ đường huyết, hạ thân nhiệt, hạ calci huyết, tiểu đường nên sau khi chào đời phải được chăm sóc ở khoa Nhi.

Trẻ sơ sinh nặng ký trong khi nuôi nấng, cha mẹ cũng phải chú ý chăm sóc thường xuyên để phòng ngừa bệnh béo phì, tiểu đường, tim mạch. 

Cũng theo các bác sĩ, có ba nguyên nhân phổ biến khiến trẻ sơ sinh có trọng lượng khác thường, bao gồm tiền sử gia đình, người mẹ bị tiểu đường thai kỳ, trong thời gian mang thai ăn uống quá nhiều chất bổ dưỡng.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: