Một giám đốc tố hàng xóm rải hoa cúng trước nhà để khủng bố tinh thần

Ảnh cắt từ camera an ninh: Ông H. đang rải hoa cúng người đã mất trước cửa văn phòng công ty đồng thời cũng là nhà riêng của ông T.

Một ông ở Sài Gòn đã rải hoa cúng trước cửa văn phòng công ty tư vấn du học,  sau đó chụp hình lên mạng khoe.

Hôm 8 Tháng Hai 2023, công an phường 15 quận Phú Nhuận (Sài Gòn) thông tin cho báo chí đã nhận đơn của một giám đốc công ty tư vấn du học tố cáo bị hàng xóm khủng bố tinh thần bằng cách rải hoa cúc trắng (hoa cúng người đã mất) trước cửa văn phòng công ty, cũng là nhà của nguyên đơn.

Nguyên đơn là ông T.N.T (45 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận), giám đốc chi nhánh một công ty tư vấn du học trên địa bàn phường 15, quận Phú Nhuận. Trao đổi với báo Thanh Niên, ông T. cho biết khoảng hơn sáu tháng nay, người đàn ông hàng xóm tên H. (khoảng 40 tuổi) thường xuyên gọi điện thoại hoặc nhắn tin đe dọa, uy hiếp tinh thần ông. Ngoài ra, H. còn lên mạng xã hội Facebook, Zalo đăng hình công ty của ông T. với những ngôn từ tục tĩu, vu khống và hù dọa.

Hôm 27 Tháng Giêng (mùng 6 tết Quý Mão 2023), gia đình ông T. đi vắng, H. đã đem hoa cúc trắng rải ở bậc thềm lối ra vào văn phòng công ty (cũng là nhà ông T. đang sinh sống) ở đường Trần Huy Liệu, phường 15 quận Phú Nhuận. Hành động của ông H. đã được camera an ninh ghi lại. Sau đó, H. còn khoe việc mình làm lên mạng, với lời chúc “Năm mới tặng… bó hoa tươi trắng rạng ngời. Chúc… cùng đại gia đình một năm mới sống lâu tươi vui, gặp được nhiều kèo thơm, mua được thêm nhiều đất cát”.

Ông T. thổ lộ với phóng viên, nguyên nhân dẫn đến vụ việc ông bị đe dọa xuất phát từ sự “hiểu nhầm”. Ông H. với ông tên L. có mâu thuẫn về tiền bạc và ông L. đã bỏ trốn. Sau đó ông H. cho rằng công ty ông T. đã làm visa giúp ông L. có điều kiện bỏ trốn và không trả nợ, nên có hành động đe dọa ông T. và gia đình.

Sau vài lần gặp ông H. để trao đổi những “hiểu nhầm” giữa hai bên không thành công, ông T. đã trình báo công an phường. Hiện tại, ông T. đã tạm ngưng kinh doanh vì quá lo sợ.

Rõ là ông T. chỉ làm tốt dịch vụ (xin visa) cho khách thôi mà lại rước họa vào thân, khi chủ nợ đòi nợ khách không được thì nhắm vào công ty làm dịch vụ.

Hôm 8 Tháng Hai, đại diện công an phường 15, quận Phú Nhuận trả lời báo chí đã viết giấy mời ông H. lên làm việc nhưng người này vẫn chưa buồn đến trụ sở công an!

Ảnh chụp màn hình Facebook của ông H. do ông T. cung cấp cho báo chí trong nước

Hồi cuối Tháng Bảy 2022, một tổng giám đốc công ty may ở Sài Gòn cũng bị khủng bố đòi nợ bằng 400 cuộc điện thoại trong một ngày, chỉ vì công nhân đang làm việc tại công ty vay nợ xã hội đen. Trao đổi với phóng viên báo Pháp Luật, tổng giám đốc công ty may đó than phiền: “Sáng đầu tuần, khoảng 400 cuộc điện thoại gọi vào số máy của tôi. Họ còn dọa: Ông mà không giục công nhân của ông trả tiền là tốt nhất ông bỏ số điện thoại này đi”.

Thông qua quảng cáo cho vay tiền không cần thế chấp trên mạng xã hội, những người lao động bị thiếu hụt thường được các nhóm cho vay xã hội đen cho vay tiền cách dễ dàng, chỉ cần khai báo số điện thoại thân nhân, nơi làm việc và cấp quản lý. Khi trả nợ chậm hoặc không có tiền trả, nhóm cho vay xã hội đen liền chuyển qua khủng bố thân nhân hoặc người lãnh đạo của công ty đang làm việc.

Sự việc còn hy hữu hơn khi nhiều công ty đăng số điện thoại tuyển dụng lao động thì nhóm cho vay xã hội đen lại gọi vào để gây áp lực vì đòi nợ những công nhân đang làm việc tại đây không được.

Tình trạng trên xảy ra ở công ty Cholimex (Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh, Sài Gòn) và nhiều công ty khác trong Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP). Phản ảnh với báo Pháp Luật Tháng Bảy 2022, VASEP cho biết nhiều công ty  thành viên phàn nàn việc lãnh đạo bị quấy nhiễu, đe dọa và bôi nhọ trắng trợn qua điện thoại, tin nhắn, mạng xã hội… từ những người không quen biết, chỉ vì người lao động làm việc tại công ty vay tiền xã hội đen. VASEP đã buộc phải gửi công văn đến Cục An ninh Kinh tế (A04) đề nghị được trợ giúp giải quyết cũng như hướng dẫn cụ thể cho hiệp hội, công ty cách thức để giải quyết vấn nạn nghiêm trọng này.

Có vẻ như ở Việt Nam, những lý do sinh sự giữa con người với nhau đều vượt khỏi lằn ranh của đạo lý, “không thể hiểu nổi” và cũng “không thể tưởng tượng” được vì chưa có tiền lệ, nên pháp luật cũng lúng túng khi giải quyết.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: