Một “tấm gương” về minh bạch tiền công đức ở tỉnh Quảng Ninh

Số tiền công đức ở đền Cửa Ông hàng ngày được kiểm đếm, báo cáo và nộp vào Kho bạc Nhà nước – Ảnh: VTC

Đền Cửa Ông (TP. Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh) mỗi năm tiếp nhận 30 tỷ đồng ($1,276,596) tiền công đức, họ đã quản lý số tiền này ra sao?

Để tiến tới việc quản lý tiền công đức (hay còn gọi là tiền cúng dường) ở các đền, chùa theo Thông tư số 04/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính Việt Nam (Tiền cúng dường phải ghi chép đầy đủ từ Tháng Ba 2023 (saigonnhonews.com) ban hành ngày 19 Tháng Giêng 2023, có hiệu lực từ 19 Tháng Ba 2023, VTC và VietnamPlus lần lượt có bài viết khen cách quản lý tiền công đức ở đền Cửa Ông.

VTC ngày 22 Tháng Ba 2023 cho biết mỗi năm đền Cửa Ông (thuộc cụm di tích quốc gia đền Cửa Ông – Cặp Tiên, tỉnh Quảng Ninh) tiếp nhận khoảng 30 tỷ đồng ($1,276,596) tiền công đức.

Ông Phạm Thành Trung, Trưởng ban Quản lý đền Cửa Ông chia sẻ với VTC: Chỉ trong hai tháng đầu năm 2023, đền Cửa Ông đã đón 300,000 lượt khách, thu về hơn 12.8 tỷ đồng ($544,680) và nơi này đã tổ chức kiểm đếm, quản lý số tiền này một cách chặt chẽ, trong đó chỉ giữ 10-20% chi trả lương cho nhân viên và tiền nhang đèn, hoa quả; còn lại nộp vào Kho bạc Nhà nước.

Theo tường thuật của ông Trung thì Ban quản lý lắp đặt camera ở tất cả các nơi thờ tự. Riêng tại phòng kiểm đếm tiền công đức có camera kết nối với hệ thống camera của khu di tích và Trung tâm truyền thông của tỉnh để cán bộ có thể giám sát bất cứ lúc nào.

Các hòm công đức được Ban quản lý đền Cửa Ông đặt ở nhiều nơi, kể cả làm hộp đựng tiền ở các khe cửa, “giúp người dân thuận lợi phát tâm công đức cho việc chăm sóc, tu bổ cơ sở thờ tự”, theo VTC. Vào 14 giờ hàng ngày, tổ kiểm kê tiền công đức đền Cửa Ông bắt đầu mở khóa lần lượt các hòm công đức, trước sự chứng kiến, giám sát của Thủ từ, kế toán và các thành viên khác. Số tiền công đức tại mỗi điểm thờ tự sẽ được cho vào bao, niêm phong riêng từng túi của từng khu vực, sau đó vận chuyển về phòng kiểm đếm và ghi biên bản tổng số tiền nhận được từng ngày.

Với hàng triệu du khách viếng đền Cửa Ông, mỗi năm nơi đây thu được 30 tỷ đồng tiền công đức, nguồn thu quan trọng cho ngân sách nhà nước tỉnh Quảng Ninh – Ảnh: VTC

VTC đã dẫn lời ông Phạm Văn Kính, Phó chủ tịch Ủy ban TP.Cẩm Phả cho biết những năm qua, Cẩm Phả đã tu bổ và xây dựng mới nhiều hạng mục tại đền Cửa Ông, với giá trị gần 1,000 tỷ đồng. Ông Kính phân tích: Toàn bộ tiền công đức được hạch toán vào sổ sách theo quy định. Ngoài trả công chăm sóc, tổ chức các hoạt động của đền thì còn tổ chức lễ hội hàng năm; duy tu bảo dưỡng, tu bổ đền.

Theo VietnamPlus ngày 15 Tháng Ba 2023, trước năm 2020, đền Cửa Ông được giao cho Ủy ban phường Cửa Ông quản lý, nhưng cán bộ phường quản lý không có sự “chuyên tâm” (chữ dùng của VietnamPlus) nên Ủy ban tỉnh Quảng Ninh thành lập “Ban quản lý di tích lịch sử quốc gia đặc biệt đền Cửa Ông-Cặp Tiên” và giao cho Ủy ban TP.Cẩm Phả giám sát. Từ đó, Ban Quản lý đã thành lập các tổ thủ từ, tổ ghi công đức, tổ bảo vệ, tổ mở khóa hòm và kiểm đếm tiền công đức, tổ giám sát. Ngoài nhiệm vụ riêng, các tổ có trách nhiệm giám sát, quản lý tiền công đức.

Ông Phạm Thành Trung cho biết Ban quản lý đền xây dựng quy trình quản lý các nguồn tiền công đức theo Thông tư 04 của Bộ Tài chính và hướng dẫn của Sở Tài chính. Mỗi hòm công đức đều có 2 ổ khóa: Trong đó một ổ giao chìa khóa cho tổ trưởng tổ mở khóa, một ổ giao chìa khóa cho tổ trưởng tổ bảo vệ, thành viên tổ mở khóa.

Cứ vào 14 giờ và 19 giờ hàng ngày, các hòm công đức đều được mở khóa trước sự chứng kiến, giám sát của đông đủ các thành viên. Các cơ quan chức năng có thể kiểm tra, giám sát quy trình này từ xa thông qua hệ thống camera an ninh được lắp đặt ở các nơi thờ tự và khu vực kiểm đếm tiền. Nguồn tiền công đức sau khi mở hòm được đóng gói và niêm phong, sau đó vận chuyển về nơi kiểm đếm. Tiền sẽ được nộp vào tài khoản tiền gửi của đơn vị được mở tại Kho bạc Nhà nước TP.Cẩm Phả để chi hoạt động thường xuyên cho Ban quản lý đền. Số còn lại nộp ngân sách nhà nước.

Tổng số tiền công đức được báo cáo hàng ngày cho Ủy ban TP.Cẩm Phả. Việc chi thường xuyên của Ban quản lý đền được Ủy ban TP.Cẩm Phả kiểm soát, thông qua Phòng Tài chính-Kế hoạch.

Ngoài việc đặt hòm công đức khắp nơi trong đền để nhận tiền mặt, Cẩm Phả còn tạo mã QR để người dân quét mã QR chuyển tiền công đức.

Du khách nộp tiền công đức tại đền Cửa Ông, có người nhận và ghi chép, đồng thời nhận lại giấy chứng nhận đã nộp tiền – Ảnh: VietnamPlus

Đền Cửa Ông đã trải qua lịch sử hơn 700 năm, với nhiều cuộc đại trùng tu. Hiện nay đền có vị thế đẹp, lưng tựa núi, mặt hướng ra vịnh Bái Tử Long, thu hút hàng triệu du khách mỗi năm.

Đền Cửa Ông thờ Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng (con trai thứ ba của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn), người có công lao trấn giữ vùng Đông Bắc của Tổ quốc. Ngoài ra, nơi đây còn thờ đầy đủ các tướng sĩ nhà Trần và gia thất: Trần Quốc Tuấn, Trần Anh Tông, Trần Khánh Dư, Phạm Ngũ Lão, Yết Kiêu…Trong đền có hơn 30 pho tượng lớn, nhỏ, được bố trí thành 10 hàng ngang. Trong đó, đã xác định rõ 23 pho tượng có danh tính.

Truyền Hình Quốc Hội Việt Nam hôm 21 Tháng Ba 2023 cũng nhắc lại “Từ ngày 19 Tháng Ba, Thông tư số 04 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội chính thức có hiệu lực”.

“Có hiệu lực” nghĩa là từ đây, nhà cầm quyền có quyền kiểm tra các đền, chùa xem họ có kê khai tiền công đức như Thông tư số 04 quy định hay không. Khi nhà cầm quyền muốn “nhìn” và kiểm soát hòm công đức của các đền, chùa, chắc chắn sẽ phát sinh mâu thuẫn với các nhà sư trụ trì (không phải loại “quốc doanh”, được nhà cầm quyền bổ nhiệm), vốn xưa nay được tự do chia chác số tiền nhận được từ Phật tử.

Có thể thấy tiền công đức từ các đền, chùa công (xếp hạng di tích quốc gia) như đền Cửa Ông hay quần thể năm ngôi chùa thuộc núi Yên Tử (đều thuộc tỉnh Quảng Ninh) đang trở thành nguồn thu ngân sách quan trọng cho nhà cầm quyền Việt Nam. Chỉ có điều không thể hiểu là mục đích cúng tiền công đức của du khách (hay Phật tử) có trùng khớp với mục đích sung ngân khố quốc gia (thu bao nhiêu vẫn thiếu) của nhà cầm quyền?

Từ số tiền khổng lồ thu được từ hòm công đức tại các đền, chùa ở Việt Nam, có thể thấy cái gọi là “kinh doanh tâm linh” ở Việt Nam đúng là dễ dàng và “ngon ăn” nhất.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: