Ông tên là Phúc, quả là ứng với cái tánh ưa làm phúc của ông. Với tấm lòng nhân ái của mình, ông Lê Đình Phúc (ngụ tại tổ dân phố số 12 khu vực Vĩnh An A, phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng) thường hay giúp đỡ, hỗ trợ và sẻ chia cho người nghèo khó, người yếu thế, người có số phận không may mắn biết sống vươn lên, dù năm nay ông đã 67 tuổi, gia cảnh không mấy dư dật.
Nói về ông, những người quen biết đều có chung nhận xét: Ông là người có một tấm lòng vị tha, bao dung, nhân hậu, thơm thảo, yêu thương…
San sẻ yêu thương
Hơn 30 năm trước, gia đình ông Phúc đã thuộc diện xóa đói giảm nghèo của địa phương. Thời điểm đó, vợ ông bị mất sức lao động, lại mắc nhiều bệnh tật, đau ốm liên miên cho đến tận bây giờ. Hai con nhỏ còn trong độ tuổi ăn học, nay đã lớn thì lại khó khăn với cuộc sống mưu sinh. Một thời gian dài, ông Phúc còn phải chăm sóc mẹ già (nay đã qua đời) và người chị gái không nơi nương tựa… Trong cuộc sống dù còn gặp vô vàn khó khăn là vậy, song từ trước đến nay ông Phúc vẫn tích cóp từng đồng lương ít ỏi, rồi vận động, kêu gọi làm nhịp cầu nhân ái, kết nối với cộng đồng để đùm bọc, sẻ chia với những cảnh đời khốn khó. Và cho đến bây giờ, khi bước qua tuổi 67, tuy cuộc sống chẳng khấm khá hơn bao nhiêu, ông Phúc vẫn gắn bó với công tác thiện nguyện, nhân đạo cưu mang, giúp đỡ những cảnh ngộ không may mắn, khó khăn hơn mình.
Để có tiền trang trải cuộc sống và làm công việc thiện nguyện, ông Phúc đã đi làm bảo vệ cho Công ty Cổ phần Đức Mạnh đã hơn 15 năm nay, với tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, nhiệt tình, năng nổ và giàu lòng nhân ái nên dù tuổi cũng đã lớn, song công ty vẫn tiếp tục hợp đồng và mong có ông đồng hành. Với đồng lương hằng tháng không nhiều, ông Phúc làm thêm công việc tẩm liệm, trang điểm cho người quá cố tại Ban Nghĩa trang TP. Đà Nẵng. Ông bảo, tiền phụ cấp khoản này không nhiều nhưng cũng có đồng ra đồng vào, để sống và làm phước. Tuy sức khỏe có phần giảm sút, không có lương hưu, hoàn cảnh khó khăn nhưng ông vẫn cố gắng mở rộng lòng từ tâm, giúp đỡ cho người còn nghèo khó, khổ cực hơn mình.
Bản tính thiện lương đã thôi thúc ông phải làm gì có ích cho xã hội, khi mình còn có thể. Ông thường xuyên động viên gia đình, vợ con biết tiết kiệm chi tiêu hằng ngày, để hỗ trợ cho những người có hoàn cảnh khốn khó hơn mình. Chia sẻ với chúng tôi, ông Phúc cười mộc mạc, chất phác và chân thành: “Với gia cảnh còn gặp khó khăn, lương bảo vệ và phụ cấp ở Ban Nghĩa trang không phải là nhiều, nhưng đồng lương nhiều ít không quan trọng, quan trọng ở tấm lòng có biết san sẻ, yêu thương những hoàn cảnh bất hạnh, thương tâm… Mình đã gặp khó, có nhiều người còn khó hơn mình, ông bà ta thường nói lá lành đùm lá rách, song với hoàn cảnh của mình lá rách ít đùm lá rách nhiều. Từ suy nghĩ như vậy, tôi đã tự nguyện tham gia hoạt động từ thiện, nhân đạo từ năm 1985 đến nay…”.
Nhiệt huyết và nghĩa hiệp
Hơn 36 năm qua, ông Phúc vẫn dành nhiều đam mê, nhiệt huyết với công tác nhân đạo, từ thiện. Một trái tim biết rung động, yêu thương trước nỗi đau của người khác, mà không phải ai cũng có thể làm được. Một chén cơm, bát cháo, có khi năm ba chục ngàn đồng có được, ông cũng đều dành để giúp cho người kém may mắn, người già neo đơn, người khuyết tật, trẻ em mồ côi… Nghe tin ở đâu có người cần giúp đỡ, ông liền tìm đến thăm hỏi, động viên và nhận trợ giúp. Mức trợ giúp từ 100,000 – 150,000 đồng/tháng/trường hợp.
Bằng nguồn thu nhập từ lương, phụ cấp và kêu gọi, vận động các nhà hảo tâm từ năm 2008 đến nay, ông đã nhận hỗ trợ cho 30 trường hợp với tổng số tiền gần 150 triệu đồng. Trong đó, có 25 trường hợp đã vượt qua được khó khăn, tự vươn lên trong cuộc sống, hiện tại ông đang trợ giúp hai trường hợp là người già neo đơn bị tâm thần, trẻ em bị bệnh hiểm nghèo, mỗi trường hợp là 1.2 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, ông còn nhận hỗ trợ kinh phí học tập cho trẻ em không có điều kiện đến trường. Ở đâu có người qua đời, kinh tế khó khăn ông cũng đến khâm liệm miễn phí và hỗ trợ tiền mua áo quan để chôn cất, mỗi trường hợp hỗ trợ từ 2 – 3 triệu đồng.
Không chỉ thế, ông Phúc còn thường xuyên vận dụng các hình thức hỗ trợ, cho nhiều trường hợp khó khăn khác, cũng như vận động bà con, bạn bè, san sẻ với nhiều trường hợp khó khăn đột xuất, bằng cách thực hiện các hình thức đa dạng như hũ gạo tình thương, con heo đất hay ông vận động các thành viên trong gia đình, thực hiện tiết kiệm tiền chi tiêu, tiền đi chợ hằng ngày của gia đình, để giúp đỡ cho người kém may mắn hơn mình. Trong nhiều trường hợp đã cưu mang, ông Phúc nhớ nhất đến ông Trần Kiêm. Biết ông Kiêm bị tâm thần, gia đình nghèo khó quanh năm, ông Phúc nhận trường hợp này để đùm bọc lâu dài từ năm 2010 đến nay, ông để dành tiền, gạo đến tháng lại trực tiếp mang sang nhà. Thời gian qua, người em của ông Trần Kiêm là Trần Ngọc mất do bị ung thư, ông cũng vận động, kêu gọi các tấm lòng hảo tâm giúp đỡ chôn cất chu đáo. Hay hộ bà Nguyễn Thị Hiền, gia đình khốn khó, con trai mất để lại ba đứa con nhỏ, ông Phúc cũng hỗ trợ mai táng, rồi kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ thêm cho gia đình bà.
Về những việc làm từ thiện nhân đạo của ông Phúc, bà Nguyễn Thị Huệ, nguyên chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Vĩnh Trung chia sẻ: “Ai cũng có quyền được cho và được nhận. Dù là những niềm vui nho nhỏ, song nếu ai cũng sẵn có tấm lòng nhân ái, thơm thảo và biết san sẻ, giúp đỡ người khác như ông Phúc, thì cuộc sống này thật ý nghĩa và đầy ắp yêu thương. Ông Lê Đình Phúc là tấm gương làm đẹp thêm cho đời, góp phần phát huy truyền thống tương thân tương ái của dân tộc, bằng những việc làm đầy ý nghĩa, mang đậm tính nhân văn sâu sắc, tạo hiệu ứng tốt đẹp tại địa phương…”.