Một thanh niên Sài Gòn thiệt mạng khi du lịch khám phá ở Đăk Lăk

Du khách chuẩn bị đu dây vượt thác Datanla Lâm Viên (phường 3, TP. Đà Lạt) – Ảnh: Thanh Niên

Du lịch mạo hiểm cùng nhóm bạn trong rừng ở Đăk Lăk, một thanh niên 27 tuổi sinh sống ở Sài Gòn đã trượt chân xuống suối, bị nước cuốn trôi và tử vong.

Ngày 14 Tháng Ba 2023, Phòng cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và Cứu nạn, cứu hộ (CNCH) tỉnh Đăk Lăk đã cho truyền thông trong nước biết một thanh niên du lịch cùng nhóm bạn trong rừng đã rơi xuống suối Xanh trong Tiểu khu 1209 của Vườn quốc gia Chư Yang Sin (thuộc xã Khuê Ngọc Điền, huyện Krông Bông, tỉnh Đăk Lăk) và chết đuối.

Trước đó, ngày 11 Tháng Ba, ông N.T.Q. (27 tuổi, quê Thanh Hóa, làm việc ở Sài Gòn) cùng một nhóm bảy người từ Sài Gòn đến Đăk Lăk tự tổ chức leo núi dã ngoại tại Vườn quốc gia Chư Yang Sin. Đến khoảng 9 giờ cùng ngày, ông Q. xuống rửa tay bên bờ suối và không may bị trượt chân rơi xuống dòng nước. Do không biết bơi, dòng nước lại chảy xiết đã kéo ông Q. ra xa bờ. Bạn ông đã xuống cứu nhưng không thành công, sau đó cả nhóm đã báo cứu hộ.  Rủi thay, vị trí xảy ra tai nạn xa khu dân cư, sóng điện thoại không có, nhóm bạn của ông Q. phải vượt đường rừng ra ngoài tìm kiếm đội cứu hộ. Đến 15 giờ cùng ngày, đội cứu hộ mới đưa được thi thể nạn nhân lên bờ, bàn giao cho cơ quan chức năng.

Du lịch mạo hiểm, khám phá vẻ đẹp hoang dã của thiên nhiên đang là xu hướng được giới trẻ ưa chuộng, tuy nhiên, nhân cái chết của ông Q., Phòng cảnh sát PCCC và CNCH tỉnh Đăk Lăk khuyến cáo người dân lựa chọn các tuyến du lịch được cấp phép khai thác để bảo đảm an toàn, không nên tự đi.

Giờ có người chết thì khuyên giới trẻ không nên tự đi, chứ trước đó, hầu như báo nào cũng ca ngợi loại hình khám phá những điểm đến mới còn hoang dã ở Việt Nam, như một cách quảng bá du lịch nội địa. Chẳng hạn VietnamPlus ngày 6 Tháng Năm 2022 có bộ ảnh đẹp “Trải nghiệm và khám phá: Hướng phát triển mới cho du lịch Đắk Lắk” cho biết trong nỗ lực phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, tỉnh Đăk Lăk đang chú trọng phát triển loại hình du lịch trải nghiệm, nhằm tận dụng hiệu quả nguồn tài nguyên sẵn có (đồi núi xen kẽ bình nguyên và thung lũng, lại có nhiều ghềnh thác hùng vĩ), đáp ứng nhu cầu khám phá của du khách. Trong bộ ảnh này, du khách đến Đăk Lăk có thể chèo thuyền trên sông Serepok, leo núi Chư Yang Lak, đi bộ trên triền núi đá lửa cổ xưa ở cụm thác Gia Long-Dray Nur… trong cảnh quan thiên nhiên rất đẹp và còn vẻ hoang sơ, trong lành. Khi nhìn thấy những hình ảnh này, thanh niên nào ưa thích du lịch khám phá hẳn sẽ âm thầm phác thảo kế hoạch.

Hồi Tháng Chín 2018, một du khách Nam Hàn đã tử nạn khi tham gia trò chơi mạo hiểm đu dây vượt thác Datanla (phường 3, TP.Đà Lạt) vào chiều 22 Tháng Chín. Sau đó, tỉnh Lâm Đồng đã tạm ngưng mọi tour du lịch mạo hiểm tại thác Datanla.

Du khách Nam Hàn là ông Jang Won Seok (23 tuổi) cùng 10 du khách đến từ nhiều quốc gia đã tham gia tour du lịch mạo hiểm đu dây vượt thác do công ty Thử Thách Việt (TP. Đà Lạt) tổ chức tại Khu du lịch thác Datanla. Tiếp nối sáu du khách đã vượt thác an toàn, ông Jang Won Seok nhảy xuống thác nước sâu 10m (32.8 feet) đã làm sai động tác tiếp nước nên tử nạn.

Lực lượng cứu hộ của tỉnh Đăk Lăk đem thi thể ông Q. lên bờ – Ảnh: Công an

Công ty Thử Thách Việt là đơn vị chuyên tổ chức các tour du lịch mạo hiểm đã được cấp phép, trước đó các hướng dẫn viên, huấn luyện viên của đơn vị này từng được Hiệp hội Du lịch Lâm Đồng khen thưởng vì đã tự nguyện tham gia đưa thi thể phượt thủ Thi An Kiện ra khỏi thác Lao Phào an toàn. Phượt thủ Thi An Kiện tử nạn khi trekking trên cung đường Tà Năng – Phan Dũng (Bình Thuận) hồi cuối Tháng Năm 2018.

Ngoài cái chết của du khách Nam Hàn, còn có ba du khách người Anh thiệt mạng tại thác Datanla hồi Tháng Hai 2016 và một du khách người Ba Lan cùng một hướng dẫn viên người Việt tử nạn hồi Tháng Hai 2017 tại thác Hang Cọp (Đà Lạt).

Trong bài viết ngày 30 Tháng Chín 2018, báo Thanh Niên đã dẫn lời khuyên của ba thanh niên có nhiều kinh nghiệm về du lịch mạo hiểm. Ông Trương Quan Mỹ (34 tuổi, ngụ TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) cho rằng bạn trẻ tử nạn trong các hành trình du lịch mạo hiểm do thiếu kỹ năng sinh tồn, quá ảo tưởng vào bản thân, ham đi nhưng chưa chuẩn bị kỹ lưỡng. Ông Lê Phương Nam, sinh viên trường ĐH Sân khấu – Điện ảnh Sài Gòn đúc kết: “Trước các chuyến du lịch mạo hiểm, như đi bộ xuyên rừng, ngoài việc chuẩn bị kỹ sức khỏe, tinh thần và vật dụng cần thiết như: Áo ấm, túi ngủ, gậy, thuốc men, đèn pin, còi, áo màu sắc rực rỡ như cam, đỏ… (phòng lúc bị lạc trong rừng có thể gây chú ý), bạn trẻ cần nhớ tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn của trưởng nhóm, không tách đoàn, không làm việc riêng, vì không phải khi gặp tai nạn là có ngay nhân viên cứu hộ”.

Bà Nguyễn Vân Ly (27 tuổi, ngụ Hà Nội, biên tập viên Tạp chí du lịch Wanderlust Tips) chia sẻ muốn an toàn khi tham gia du lịch mạo hiểm, bạn trẻ nên lựa chọn công ty du lịch uy tín. Sau đó, thay vì phó mặc hết cho các công ty, bản thân mỗi người trẻ trước tiên phải biết tự lượng sức mình vì mình mới là người hiểu rõ bản thân nhất, đừng tham gia nếu cảm thấy không đủ tự tin.

Du lịch mạo hiểm ở Việt Nam ngày càng hấp dẫn giới trẻ nhưng hiện Luật Du lịch vẫn chưa đưa ra định nghĩa rõ ràng về du lịch mạo hiểm cũng như chưa có một quy chuẩn chung để quản lý loại hình du lịch này. Mặt khác, đội ngũ cứu hộ du khách của Việt Nam hiện là một lỗ hổng lớn, mỗi địa phương mạnh về du lịch như Đà Nẵng, Quảng Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu… lại tổ chức đội cứu hộ du khách kiểu khác nhau, có nơi trả lương, nhưng có nơi toàn là tình nguyện viên làm miễn phí nên không chuyên nghiệp. Vì thế, khi du khách gặp nạn, chỉ có cách gọi cho Phòng cảnh sát PCCC và CHCN ở mỗi tỉnh – một đơn vị kiêm nhiệm của ngành công an, nên hiệu quả thường không cao.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: