Muôn kiểu lừa tiền qua mạng xã hội và điện thoại

Sử dụng mạng xã hội để mua bán hay đặt vé du lịch… phải cẩn trọng, với nguyên tắc “zero trust” – Ảnh Tuổi Trẻ

Các chiêu lừa qua mạng và điện thoại ở Việt Nam ngày càng có nhiều mánh khóe mới, khiến số nạn nhân không ngừng tăng lên.

Theo Tuổi Trẻ ngày 4 Tháng Năm, dịp nghỉ lễ vừa qua, có không ít người bị lừa tiền trên mạng và qua điện thoại. Như trường hợp của bà K. (Sài Gòn) lên mạng tìm dịch vụ xe đưa cả nhà ra Nha Trang trong bốn ngày. So sánh giá cả, bà K. chọn thuê dịch vụ của một công ty tư nhân do người đại diện có tài khoản Facebook là TH đứng tên. Khi liên lạc, “họ tỏ vẻ rất chuyên nghiệp khi cung cấp hình chụp rất chi tiết lịch đưa rước chúng tôi từ sân bay đến các nơi du lịch theo yêu cầu. Họ cũng cung cấp hình ảnh xe 16 chỗ sẽ dùng để phục vụ riêng cho nhà tôi khiến tôi rất yên tâm”, bà K. kể.

Thế là khi TH yêu cầu bà K. đóng trước 10 triệu đồng ($426) để giữ xe, bà K. chuyển ngay. Vài ngày sau, bà liên lạc lại vì có chút thay đổi trong lịch trình thì… gọi messenger lẫn điện thoại đều không được, tìm trên website công ty cũng không thấy, bà K. mới biết mình bị lừa.

Cũng trong dịp lễ, nhà hàng An Mộc ở phường 4, TP. Đà Lạt đã bị lừa 240 triệu đồng ($10,228) khi nhận đặt tiệc theo yêu cầu qua điện thoại. Cụ thể, để có được 24 chai rượu vang và 45 hộp sâm thết đãi khách theo yêu cầu của người đặt tiệc, nhà hàng này phải chuyển khoản tiền để mua rượu và sâm, rồi sau đó khách không đến như hẹn, còn số rượu và sâm đã đặt mua cũng không bao giờ đến.

Một kiểu lừa khác là đặt mua hàng trên mạng, sau đó gửi biên lai đã chuyển tiền qua ngân hàng cho người bán để họ ship hàng nhanh. Khi ship xong hàng, người bán nhìn lại biên lai thì là… đồ giả. Đó là trường hợp của ông Trung (quận 8, Sài Gòn) khi rao bán cái laptop trên Zalo và được một người ở Bình Dương đặt mua. Người này đã gửi biên lai chuyển tiền qua ngân hàng cho ông Trung và đã đặt shipper đến chỗ ông Trung lấy hàng mang về Bình Dương. Khi trao hàng cho shipper xong, ông Trung kiểm tra ngân hàng thì chả nhận được khoản tiền nào.

Điện thoại thông minh đem lại nhiều lợi ích nhưng cũng là nơi làm ăn của bọn lừa đảo – Ảnh: Tuổi Trẻ

Tuổi Trẻ cảnh báo chiêu trò làm giả biên lai chuyển khoản ngân hàng đang phổ biến, vì chỉ cần chỉnh sửa qua photoshop, nạn nhân sẽ nhận ngay biên lai, hóa đơn hay các giấy tờ giao dịch với các thông tin (họ tên, tài khoản ngân hàng, địa chỉ…) chính xác như vừa cung cấp. Người nhận tưởng là ảnh chụp thật của việc chuyển khoản hoặc in hóa đơn, biên lai… nên tin và làm theo yêu cầu.

Những kẻ lừa đảo cũng làm giả cả website/fanpage của công ty du lịch uy tín, ảnh chụp biên lai, hóa đơn thanh toán và đề nghị nạn nhân chuyển khoản thanh toán chi phí tour du lịch; hay mạo danh các đại lý bán vé bay hoặc công ty du lịch để gửi mã đặt chỗ và yêu cầu khách hàng thanh toán, chỉ khi đến phi trường thì khách mới biết bị lừa.

Thậm chí, các app cơ quan nhà nước cũng được làm giả để giăng bẫy người dùng, mới nhất là ứng dụng mạo danh Cục Thuế Sài Gòn được thiết kế với giao diện giống hệt ứng dụng thật nhưng được cài đặt theo đường link do kẻ lừa đảo cung cấp. Nếu chẳng may làm theo, người dùng sẽ bị chiếm quyền điều khiển điện thoại, lấy cắp thông tin cá nhân và thông tin tài khoản ngân hàng.

Một trong các chiêu lừa phổ biến là đối tượng lừa đảo đăng tải bài viết bán tour du lịch, phòng khách sạn giá rẻ trên mạng xã hội với nhiều tiện ích, đề nghị nạn nhân chuyển tiền đặt cọc (từ 30-50% giá trị) rồi chiếm đoạt. Một chiêu trò khác là quảng cáo dịch vụ làm visa du lịch, cam kết tỷ lệ thành công cao, hoàn trả 100% số tiền nếu không xin được visa… Sau khi nạn nhân chuyển khoản thanh toán chi phí hoặc một phần chi phí, kẻ lừa đảo sẽ lặn biệt tăm.

Còn nạn lừa đảo qua điện thoại, đừng mơ truy vết được bọn lừa đảo, vì quy định của luật pháp vẫn cho một cá nhân có thể đứng tên trên nhiều số thuê bao. Lãnh đạo một nhà mạng cho Tuổi Trẻ biết một đại lý bán sim điện thoại có thể đứng tên “chính chủ” cho hàng ngàn thuê bao để bán ra thị trường. Nhiều người mua sim mới nhưng không sang tên mà dùng để làm ăn, quảng cáo, spam, lừa đảo.

Khi đó, sim đứng tên một người nhưng kẻ lừa đảo lại là một người khác. Vị này còn cho biết việc xác định nghi phạm và điều tra hành vi vi phạm pháp luật (lừa đảo qua điện thoại) là chức năng của cơ quan công an, các nhà mạng di động chỉ là nơi cung cấp dịch vụ liên lạc giữa các khách hàng và không có quyền nghe nội dung trao đổi giữa họ.

Một tin nhắn kêu gọi đăng nhập Telegram để có việc nhẹ lương cao – Ảnh: Thủ Thuật

Trang hoanghamobile ngày 4 Tháng Năm và thuthuat ngày 2 tháng Năm cũng cảnh báo các chiêu trò lừa đảo qua ứng dụng gọi điện nhắn tin miễn phí Telegram, ra đời từ năm 2013. Việt Nam hiện nằm trong Top 10 thị trường ưa chuộng ứng dụng này, với 11,840,000 lượt tải năm 2022, độ tuổi từ 16-64. Có bốn thủ đoạn lừa đảo trên Telegram hiện nay là:

1/ Lừa đảo đầu tư: Kẻ lừa đảo sẽ tạo một profile Facebook chuyên check-in nơi sang trọng và ra vẻ đạo đức, nhằm dụ dỗ người dùng; sau đó tài khoản này chia sẻ các bài đăng về đầu tư chứng khoán, forex, có group đọc lệnh và theo dõi giúp nhà đầu tư kiếm hàng trăm triệu đồng trong nháy mắt; khi có người quan tâm thì tiếp cận, dụ người dùng add Telegram vào nhóm đọc lệnh; các đối tượng này sẽ khuyên nạp tiền vào tài khoản, ban đầu sẽ cho thắng nhưng không rút được, thuyết phục muốn rút thì phải “nạp đủ mức”, khi tiếc tiền nạp tiếp thì người dùng sẽ bị block;

2/ Lừa đảo tìm việc làm: Từ các sàn Shopee, Tiktok, Tiki… với lương cao không yêu cầu kinh nghiệm, khi có người quan tâm thì sẽ chuyển sang tài khoản Telegram để trao đổi và vào nhóm làm việc. Điều kiện là phải đóng tiền cọc bằng cách chuyển khoản cho đối tượng đó, sau đó sẽ được giao việc… nhưng khi người dùng chuyển xong thì “nhà tuyển dụng” biến mất;

3/ Lừa đảo lấy thông tin tài khoản ngân hàng: Mồi chài người dùng tạo tài khoản bằng cách gửi một đường link và yêu cầu đăng ký thông tin để nhận nhiệm vụ. Trên các đường link này cài sẵn thuật toán khi người dùng nhập thông tin thì đối tượng sẽ truy cập danh bạ, mạng xã hội và tài khoản ngân hàng, hack hết số tiền người dùng có.

4/Lừa đảo giao nhiệm vụ: Lừa sang Telegram và đăng ký tài khoản để tiến hành thanh toán các đơn hàng theo nhiệm vụ, ban đầu giá trị nhỏ… thì người dùng sẽ được trả lại tiền gốc và lãi, sau đó đến đơn hàng giá trị cao… thì người dùng sẽ không rút được tiền nữa.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Vũ Ngọc Sơn, giám đốc công nghệ công ty an ninh mạng NCS, cho rằng người dùng cần áp dụng nguyên tắc “zero trust” (không tin bất kỳ ai) khi lên mạng. Khi có một giao dịch phát sinh qua mạng, không nên vội chuyển tiền ngay mà cần xác minh chủ tài khoản qua một kênh độc lập, tin cậy khác. Đồng thời, người dùng cũng cần cập nhật thông tin cảnh báo trên các phương tiện truyền thông.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: