Mưu sinh dưới trời nắng như đổ lửa

Việt Nam đang trải qua những ngày nắng gay gắt, từ miền Bắc, miền Trung đến miền Nam.
Một nữ công nhân trốn nắng trong ống bê tông ở Sài Gòn – Ảnh: Thanh Niên

Nhiệt độ tăng cao nhất rơi vào ngày 6 Tháng Năm 2023 và nơi đạt nhiệt độ kỷ lục 44.1 độ C (111.3 độ F) cao nhất Việt Nam, được xác lập lúc 16 giờ chiều tại xã Hồi Xuân, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa, theo thông tin từ Facebook Huy Nguyen của TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia dự báo thời tiết.

Phóng sự ảnh mô tả đời thường của dân cư trong nền nhiệt độ tăng cao khắp mọi miền tràn ngập truyền thông trong nước hôm 7 Tháng Năm 2023.  Thanh Niên chụp nhiều góc ảnh ở Sài Gòn, nơi người chạy xe ôm, công nhân xây dựng, công nhân công trình đô thị, người thu mua ve chai, bán hàng rong… vẫn phải rong ruổi trên đường dưới trời nắng gắt để mưu sinh.

Ông Hồ Công Minh (ngụ quận Gò Vấp), một tài xế xe ôm công nghệ, ngồi nghỉ mệt dưới bức tường có bóng cây bên vệ đường nói: “Làm việc để kiếm sống, nuôi gia đình, chứ nắng như thế này chạy ngoài đường đuối lắm. Từ sáng tới giờ tôi mới được vài ba cuốc xe. Nóng thế này người ta ngại ra đường, một số người thì chọn đi taxi thay vì đi xe máy”.

Tại khu vực công trình vòng xoay đường Lương Định Của (TP.Thủ Đức) ngày 6 Tháng Năm, hàng chục công nhân vẫn miệt mài làm việc giữa trưa nắng gắt để hoàn thành tiến độ xây dựng. Có những nữ công nhân trốn nắng và nóng trong những ống bê tông xây dựng tại các công trình. Nơi đây phút chốc trở thành chốn nghỉ ngơi lý tưởng.

Nam sinh trung học Trần Đại Nghĩa giải thích lý do các em kéo vào Vincom Center vào buổi trưa – Ảnh An Vui cắt từ video của Thanh Niên

Còn tại các quán cà phê có máy lạnh, các trung tâm thương mại như Saigon Centre, Vincom Center (quận 1) đông nghẹt người đến ăn trưa, vừa trốn nắng vừa hưởng được không gian mát lạnh, sạch sẽ. Tại Vincom Center, trong số những người trốn nắng trốn nóng còn có các em học sinh trung học Trần Đại Nghĩa (trước 1975 là trường Lasan Taberd). Do học cả ngày, các em rủ nhau vào Vincom Center – gần trường học – vào buổi trưa để ăn và dạo chơi, chờ giờ học chiều.

Ở Hà Nội thì sao? Nắng nóng và gắt không thua Sài Gòn. Video của Kinh Tế & Đô Thị cho thấy dân đi xe gắn máy cứ ngừng đèn đỏ là tìm cách trú nắng dưới tán cây hoặc tìm con đường có nhiều bóng cây xanh để đi. Người bốc vác và cánh tài xế xe ôm, vận chuyển hàng… phải chịu trận giữa trưa để làm việc hoặc chờ khách.

Một số công nhân làm việc gần công viên còn mang theo võng vào công viên để cột vào hai gốc cây nằm nghỉ. Đặc biệt nhất là do có nhiều hầm đi bộ (Hà Nội có 23 hầm đi bộ dành cho dân muốn băng qua đường), dân Hà Nội lại trốn nắng bằng cách rủ nhau tập thể dục dưới hầm như đi bộ, đi xe đạp, hoặc cho bọn trẻ đi xe đạp.

Điều khác biệt nữa là dân Hà Nội khi đi bộ dưới trời nắng có thói quen dùng dù nhiều hơn Sài Gòn. Sài Gòn ra đường buổi trưa thì nữ giới trùm kín bằng áo khoác, kéo dài từ đầu đến chân, riêng nữ văn phòng thường mang cái khăn choàng to, bước ra cửa văn phòng là trùm lên đầu và cổ.

Dân Hà Nội đi bộ, đạp xe đạp và cho trẻ em chơi dưới hầm đi bộ để trốn nắng – Ảnh An Vui cắt từ video của Kinh Tế & Đô Thị

Khổ nhất là nông dân miền Trung. Bài viết và hình ảnh trên trang Tuổi Trẻ ngày 7 Tháng Năm cho thấy mới hơn 9 giờ sáng mà nhiệt độ tại TP.Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) đã hơn 40 độ C.

Trả lời Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Tấn Sơn (45 tuổi, ngụ phường An Phú, TP.Tam Kỳ) nói mấy ngày nay nắng nóng đỉnh điểm, dù mới buổi sáng mà nắng nóng khủng khiếp, nông dân rất mệt mỏi, họ phải đem hẳn một cây dù lớn đặt giữa đồng để ngồi dưới tán dù.

Nỗi lo lớn nhất là việc khô hạn ở miền Trung dẫn đến sông cạn, nhiễm mặn, còn các trạm bơm đều thiếu nước, hoa màu không có nước tưới.

Trao đổi với VnExpress ngày 6 Tháng Năm, TS. Nguyễn Ngọc Huy nhận định: Mùa hè 2023 sẽ rất khốc liệt, nhiệt độ phá vỡ kỷ lục sẽ không còn bất thường và diễn ra thường xuyên hơn trong những năm tới, nhiệt độ cao hơn và nền nhiệt cũng cao hơn so với trung bình của nhiều năm, số đợt nắng nóng nhiều hơn, cường độ nóng cao hơn.

Đây là xu hướng nóng lên trên toàn cầu, đã được dự báo trước. Trời nóng còn do chính hoạt động của con người tạo ra, chẳng hạn tiêu thụ điện nhiều, lắp máy điều hòa nhiều hơn, ở đô thị tòa nhà nào cũng có nhiều cục nóng… sẽ cộng hưởng với nền nhiệt của tự nhiên. Nhiệt độ ghi 35 – 36 độ C nhưng thực tế có thể lên đến hơn 40 độ C.

Theo ông Huy, Việt Nam cần lên kế hoạch thích ứng bằng cách xây dựng các trung tâm trú nóng ở các địa phương, nếu không muốn rơi vào tình cảnh có nhiều người chết vì nhiệt độ tăng cao.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: