Năm 2022, Việt Nam chi $7 tỷ để mua thuốc chữa bệnh

Năm 2022, bình quân người Việt chi hơn $75 tiền mua thuốc chữa bệnh và dự báo mỗi năm mỗi tăng – Ảnh: Tiếp Thị Gia Đình

Với số bệnh nhân ngày càng đông, thị trường dược phẩm Việt Nam đang trên đà tăng trưởng và phát triển mạnh. Năm 2022, mỗi người Việt chi trung bình $75 để mua thuốc uống.

Theo Dân Trí ngày 21 Tháng Bảy, trong hội thảo về ngành dược tổ chức ngày 20 Tháng Bảy, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, thị trường chăm sóc sức khỏe nói chung và thị trường dược phẩm Việt Nam nói riêng đang gia tăng một cách nhanh chóng, giá trị hơn $20 tỷ, chiếm khoảng 6% GDP trong năm 2022.

Theo dự báo của các công ty dược phẩm, nhà khoa học và các cơ quan liên quan, con số này sẽ tăng khoảng $23.3 tỷ vào năm 2025 và khoảng $33.8 tỷ vào năm 2030.

Bên cạnh đó, thị trường dược phẩm Việt Nam cũng trên đà tăng trưởng và phát triển rất mạnh, với tổng giá trị tiêu thụ từ $3.4 tỷ năm 2015 đã lên đến $7 tỷ vào năm 2022, tăng trưởng kép bằng 10.6%, trong đó sản xuất trong nước chiếm khoảng 45% tổng giá trị thuốc điều trị.

Tuy nhiên, dù có 228 nhà máy sản xuất dược đạt GMP (trong đó có bảy nhà máy sản xuất vaccine và sáu nhà máy sản xuất đóng gói thứ cấp vaccine và 77 nhà máy sản xuất dược liệu) thì ngành dược của Việt Nam chủ yếu sản xuất thuốc thông thường, không có thuốc công nghệ cao, thuốc mới, thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc phát minh.

Khi buộc phải dùng thuốc đặc trị cho những ca bệnh khó hoặc hiếm thì các bác sĩ hoặc bệnh viện phải tìm nguồn thuốc nhập.

Năm 2022, mỗi người Việt chi trung bình $75 (khoảng 1.7 triệu đồng) để mua thuốc và dự báo sẽ tăng hằng năm, do số bệnh nhân bị bệnh không lây nhiễm ở Việt Nam ngày càng tăng.

Xu hướng mua thuốc trên sàn thương mại điện tử của người Việt đang tăng – Thống kê của trình duyệt Cốc Cốc cuối năm 2022

Tuổi Trẻ ngày 22 Tháng Mười Một 2022 cho biết: Hiện có khoảng 23 triệu người dân Việt Nam mắc bệnh không lây nhiễm và đang có xu hướng tăng. Chẳng hạn cao huyết áp chiếm 26.2%, khoảng 17 triệu người; tiểu đường chiếm tỉ lệ 7.06%, khoảng 4.6 triệu người; bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính chiếm 4.2%, khoảng 1.5 triệu người; còn ung thư có khoảng 354,000 người đang điều trị.

Số người tử vong do các bệnh không lây nhiễm ở Việt Nam chiếm khoảng 81% tổng số các ca tử vong.

Không chỉ mua thuốc tại các nhà thuốc gần nhà, nhà thuốc trong bệnh viện, người Việt hiện đang hình thành thói quen mua thuốc qua các trang thương mại điện tử.

Dữ liệu của trình duyệt Cốc Cốc (Việt Nam) hồi cuối năm 2022 cho biết, trong số các nhà thuốc online hàng đầu tại Việt Nam, Jio Health dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng lưu lượng truy cập website với 172.1%, thứ hai là nhà thuốc Long Châu với 150.22%. Những website có tốc độ tăng trưởng mạnh tiếp theo lần lượt thuộc về nhà thuốc Việt, Pharmacity và nhà thuốc An Khang.

Từ khóa được tìm kiếm phổ biến nhất trong các nhà thuốc online là “khẩu trang”, “covid test kit”, “vitamin”…

Bốn chuỗi nhà thuốc Tây lớn nhất ở Việt Nam hiện nay đều thuộc các công ty Việt Nam – Ảnh: Tổ Quốc

Trước đó, vnmedia ngày 21 Tháng Chín 2022 cho biết năm 2021, thị trường dược phẩm Việt Nam tiêu thụ $6.92 tỷ tiền thuốc chữa bệnh, tức một người Việt chi trung bình $73 để mua thuốc chữa bệnh.

Tại thị trường dược Việt Nam, các loại thuốc phát minh chỉ chiếm 3% nhưng chiếm tới 22% giá trị, đều là hàng nhập cảng. Tương tự, thuốc công nghệ cao, thuốc mới, thuốc chuyên khoa đặc trị… sử dụng tại các cơ sở khám chữa bệnh chiếm tỷ lệ lớn về giá trị tiền thuốc, mặc dù số lượng sử dụng ít.

Trang web Tổ Quốc ngày 19 Tháng Tám 2022 có điểm qua các chuỗi bán lẻ thuốc mạnh nhất ở Việt Nam: đứng đầu là Long Châu với doanh thu xấp xỉ 4,000 tỷ đồng, kế tiếp là Pharmacity gần 4,000 tỷ, An Khang trên 500 tỷ đồng. Về số lượng cửa hàng, Pharmacity đứng đầu với 1,148; kế tiếp là Long Châu 678, An Khang 365.

Dù số lượng cửa hàng chỉ bằng 60% của Pharmacity nhưng doanh thu của Long Châu đang có phần áp đảo. Trong nửa đầu năm 2022, Long Châu cũng đạt kết quả ấn tượng với doanh thu 4,008 tỷ đồng và lãi 32.6 tỷ đồng.

Như vậy, Long Châu đã thoát lỗ trong khi các đối thủ khác như Pharmacity hay An Khang vẫn còn đang ôm lỗ. Long Châu hiện thuộc về công ty FPTRetail (tập đoàn công nghệ FPT), An Khang thuộc Thế Giới Di Động.

Đồ họa của Tổ Quốc thể hiện doanh thu của bốn chuỗi nhà thuốc tây lớn nhất Việt Nam từ năm 2018 – 2021

Pharmacity cũng là công ty Việt Nam (với 90% cổ phần thuộc về bà Phạm Thị Thanh Hoài) nhưng Giám đốc điều hành là ông Chris Blank, quốc tịch Mỹ, người mang hai dòng máu Việt – Pháp, sống ở Mỹ từ nhỏ và sau khi cha mẹ mất vì tai nạn giao thông đã về Việt Nam sống cùng bà ngoại. Pharmacity trưng bày cửa hàng theo cách tự chọn, có nhiều loại hóa mỹ phẩm và chăm sóc sắc đẹp nhãn hiệu riêng, gần giống CVS bên Mỹ.

Chuỗi nhà thuốc lớn thứ 4 ở Việt Nam là Phano, thuộc tập đoàn Masan, nơi “thâu tóm” hàng loạt siêu thị và công ty thực phẩm như Vinmart, đường Biên Hòa, nước suối Vĩnh Hảo, trà và cà phê Phúc Long. Phano hiện chỉ có hơn 40 nhà thuốc, lúc trước rất chăm cập nhật thông tin, doanh thu năm 2018-2020 thuộc loại cao, nhưng doanh thu 2021 không thể hiện trên đồ họa của Tổ Quốc, không hiểu tại sao.

Theo thống kê của BMI Research, từ năm 2018, Việt Nam trở thành thị trường dược phẩm lớn thứ hai tại Đông Nam Á, là một trong 17 nước xếp vào nhóm có mức tăng trưởng ngành dược cao nhất, điều đó có nghĩa là người Việt bị bệnh ngày càng nhiều.

Điều đáng lo ngại là nếu tính chung chi phí y tế thì tỷ lệ chi tiêu cho thuốc chữa bệnh tại Việt Nam đang chiếm 33%, ở mức khá cao so với các nước có thu nhập cao.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: