Nam Định: Hai người nhiễm bệnh liên cầu khuẩn heo, suýt chết

Hình ảnh các nốt ban tím tràn lan trên da tay bệnh nhân bị nhiễm S.suis – Ảnh: Bệnh viện

Bệnh liên cầu khuẩn heo (S.suis) lây truyền từ heo sang người, đã khiến một ông và một bà ở Nam Định suýt chết.

Sức Khỏe và Đời Sống ngày 14 Tháng Ba 2023 dẫn nguồn tin từ bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới Trung Ương (Hà Nội) cho biết vừa cứu sống hai bệnh nhân bị nhiễm S.suis. Bệnh nhân thứ nhất là ông Đ.T.D (51 tuổi, ngụ huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) cấp cứu tại bệnh viện tỉnh trong tình trạng sốt cao và rét run, thở nhanh, tụt huyết áp, sau một ngày ăn tiết canh heo và tham gia cắt thịt heo ở một đám cưới.

Ông D. có tiền sử huyết áp cao, xơ gan, uống rượu nhiều năm (gần 300 – 500 ml/ngày), được bác sĩ tỉnh chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn, xơ gan, truyền dịch, dùng kháng sinh liều cao, tình trạng không thuyên giảm nên được chuyển từ bệnh viện tỉnh đến bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung Ương (Hà Nội). Tại đây, các bác sĩ cấy máu đã tìm thấy vi khuẩn S.suis, nên điều trị kháng sinh tĩnh mạch liều cao, giảm đau, chống viêm, hạ sốt. Sau 11 ngày điều trị, bệnh nhân mới hết sốt và hết khó thở, tình trạng nhiễm trùng giảm.

Hình ảnh một phần khuôn mặt của bệnh nhân bị nhiễm S.suis đang điều trị tại bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới Trung ương (Hà Nội) – Ảnh: Bệnh viện

Bệnh nhân thứ 2 là bà Đ.T.C (44 tuổi, ngụ huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định) làm nghề giết mổ heo, cấp cứu giữa đêm vì giảm ý thức, suy hô hấp. Bệnh viện tỉnh đặt ống nội khí quản, chẩn đoán bà C. bị viêm màng não và chuyển lên Bệnh Nhiệt Đới Trung Ương trong tình trạng bà bị hôn mê sâu, phổi bị viêm, chân tay bị xuất huyết.  Sau 17 ngày điều trị tình trạng nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não mủ, viêm phổi, hiện bà C. đã qua cơn nguy kịch, không phải thở bằng máy nữa.

Kinh Tế Đô Thị ngày 14 Tháng Ba 2023 cũng dẫn nguồn tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, cho biết Hà Nội vừa có ca nhiễm S.suis thứ hai (tính từ đầu năm 2023 đến nay) đang điều trị ở bệnh viện Quân Y 103. Nam bệnh nhân này 51 tuổi, ngụ Đông Yên, huyện Quốc Oai, cấp cứu trong tình trạng sốt cao, đau đầu, ý thức lơ mơ. Điều lạ là ông này không ăn tiết canh heo và cũng không làm nghề giết mổ heo.

Trước đó, ngày 2 Tháng Ba, cũng tại bệnh viện này có một nam bệnh nhân làm nghề bán lòng heo và tiết canh heo (52 tuổi, ngụ Mộ Lao, quận Hà Đông) bị nhiễm S.suis và hiện đã được chữa khỏi.

Hồi cuối Tháng Năm 2019, một người đàn ông ở Quảng Bình đã chết sau khi bị nhiễm S.suis, sau vài ngày điều trị ở bệnh viện hữu nghị Việt Nam- Cuba Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình). Trước khi cấp cứu ở bệnh viện, ông đã ăn tiết canh heo và lòng heo, sau đó mệt mỏi, đau bụng, buồn nôn, tri giác lơ mơ, huyết áp không đo được, xuất hiện nhiều nốt ban tím toàn thân, nhất là vùng hai cánh tay. Các bác sĩ chẩn đoán ông bị sốc nhiễm trùng do nhiễm S.suis.

Bệnh liên cầu khuẩn heo lây từ heo sang người có diễn biến rất nhanh, với dấu hiệu ban đầu khó nhận biết như sốt cao, rét run, tri giác lơ mơ, tụt huyết áp….sau đó sẽ hôn mê, xuất hiện các nốt ban hoại tử trên da. Nếu bệnh nhân cấp cứu muộn, bị nhiễm trùng máu hoặc suy đa nội tạng sẽ phải điều trị dài ngày với chi phí tốn kém hàng trăm triệu đồng, tệ hơn, sẽ không qua khỏi.

Những bệnh nhân nhiễm S.suis sau khi điều trị khỏi cũng để lại những di chứng khó phục hồi. Tỷ lệ tử vong do nhiễm S.suis khoảng 7%. Trong số bệnh nhân được chữa khỏi, có 40% bệnh nhân sẽ bị điếc không thể hồi phục. Một điểm cần lưu ý là sau khi được chữa khỏi, bệnh nhân vẫn có thể bị mắc trở lại, do S.suis không để lại kháng thể miễn dịch lâu dài trong cơ thể người, vì vậy cần duy trì thường xuyên thói quen ăn chín, uống sôi trong mọi thời điểm.

Để đề phòng bệnh S.suis, các bác sĩ khuyến cáo người dân không ăn thịt heo còn tái, không ăn lòng heo, nhất là tiết canh heo, nem chua; không ăn heo bị chết vì bệnh. Bên cạnh đó, một số người không ăn tiết canh, không giết mổ heo vẫn nhiễm S.suis do ăn thịt tái của con heo bị bệnh, hoặc cắt thịt heo sống khi trên da có vết thương bị trầy xước.

Ở Việt Nam, nhiễm S.suis mới được biết đến từ năm 2003. Trong hai năm 2005 – 2006, có 72 trường hợp nhiễm S.suis chữa trị tại bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới thành phố (Sài Gòn). Năm 2007, Việt Nam ghi nhận 48 trường hợp nhiễm S.suis, trong đó ba người tử vong. Nghiên cứu của bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới thành phố (Sài Gòn) cho thấy nhiễm S.suis thường xảy ra vào mùa Hè nóng bức, bệnh nhân chủ yếu là nam giới, với nguyên nhân là giết mổ heo, ăn tiết canh hoặc các món đồ chưa nấu chín như nem chua…

Thói quen ăn tiết canh heo, tiết canh vịt… hiện nay hầu như đã biến mất ở trung tâm Sài Gòn, khi thực đơn của các quán bán cháo lòng và bán cháo/gỏi vịt không còn có tên món này. Tuy nhiên, nem chua vẫn là món ăn phổ biến của người Bắc, lẫn người Trung, người Nam, vì mỗi miền đều có loại nem chua riêng hợp khẩu vị. Nem chua (100% chế biến từ thịt heo sống) thường bày bán trong những tiệm bán giò – chả, bán bánh mì kẹp hoặc các quán bán bánh cuốn.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: