Ngày Vu Lan, viết về một người đàn bà ngập trong bất hạnh

Minh họa: volkan-olmez-unsplash

Bà không phải là mẫu phụ nữ của thời phong kiến. Bà vẫn đang sống khỏe mạnh bên con cháu, nhưng ở thời của mình, tôi chưa thấy người phụ nữ nào hy sinh và cam chịu như bà.

Bà về nhà chồng khi mới mười bảy tuổi. Ba mươi bảy tuổi, bà sinh đứa con thứ mười hai! Những năm sau đó, bà vẫn tiếp tục mang thai nhưng không nuôi được. Mười hai đứa con, gần hai mươi lần chửa đẻ, một mình bà nuôi nấng, dạy dỗ con nên người. Tới ngày sinh, đau bụng, một mình bà khăn gói gọi xích lô vào nhà thương. Sinh đẻ xong, cũng một mình ẵm con về nhà, chưa bao giờ người đàn ông tạo ra những đứa con ấy có mặt bên bà lúc bà vượt cạn. Bà kể: Có lần về nhà với đứa con đỏ hỏn trên tay, chồng đứng đánh vũ cầu ngoài sân chỉ đưa mắt nhìn rồi tiếp tục chơi, không một lời hỏi thăm, không một cử chỉ chăm sóc.

Ngay cả những lần sảy thai, băng huyết đến thập tử nhất sinh cũng chỉ có các soeur làm việc thiện nguyện trong nhà thương chăm sóc, an ủi. Có chồng cưới xin tử tế mà sinh nở như một mụ đàn bà lầm lỡ, và nuôi con như một người mẹ đơn thân. Thời son trẻ, lấy chồng qua mai mối, cả đời bà chưa bao giờ biết đến tình yêu. Ông đi kháng chiến, thỉnh thoảng tạt về để lại cho bà cái bụng bầu; rồi ông cuốn hết vải vóc trong sạp vải của bà, móc hết tiền trong ruột tượng của bà, lệnh cho bà ra chợ mua thuốc Tây, bông băng… rồi lại đi biền biệt. Bà ở nhà, chạy vạy trả nợ cả vốn lẫn lãi….

Hết chiến tranh, ông về nhà, bà vẫn tiếp tục một mình nuôi con và nuôi thêm ông. Chưa bao giờ ông cầm tiền đưa cho bà đồng nào. Bà cũng chưa bao giờ dám hỏi lương chồng. Thời bao cấp, lãnh nhu yếu phẩm theo chế độ, cán bộ mỗi tháng được một túi đầy, ông bỏ cả vào tủ quần áo khóa lại, để dành bán dần, lấy tiền xài riêng…

Bà đặt cái kệ bán bánh mì ngoài bến xe để nuôi gia đình. Sáng sớm trời còn mờ đất, trước khi đi bán, bà len lén bỏ tiền vào túi áo chồng. Hôm nào đi gấp, quên “nhiệm vụ” ấy, bà sẽ được sửa dạy ra trò vì cái tội ép chồng phải làm “ăn mày” xin tiền vợ.

Chồng nhậu xỉn ở đâu không biết, đi đâu cũng về tới nhà, nhưng hễ đến trước cổng là té cái rật. Bà cùng mấy đứa con khiêng ông vào chăm sóc, cung phụng, nấu cháo loãng đậu xanh đút ông ăn từng muỗng một, xong pha nước chanh giã rượu. Gần như ngày nào cũng cạo gió giác hơi trước khi ông đi ngủ…. Khi ông giận hờn, ông không vào giường ngủ mà ra nằm võng, bà không dám đi nằm mà phải quỳ dưới đất bên cạnh ông, năn nỉ ông, mặc cho muỗi đốt, để ông động lòng, cho đến khi nào ông vào giường bà mới được đi ngủ, để rồi bốn giờ sáng trở dậy đi bán hàng.

Ông là một bạo chúa trong nhà. Chuyện bà bị chồng đánh thì như cơm bữa, vì bất cứ lý do gì mà ông có thể bất chợt nghĩ ra. Ngày nào bà cũng ngủ bên cạnh ông, nhưng ông nhất định vu cho bà ngoại tình, rằng nửa đêm có “thằng đàn ông” lợi dụng ông ngủ say lén vào nhà tằng tịu với bà. Ghen tuông vớ vẩn thế, nhưng chính ông lại là tay mèo mả gà đồng thứ thiệt. Có lần biết chồng ngoại tình, quá đau khổ, bà uống thuốc tự tử. Uống rồi nằm chờ chết, sau đó nghĩ đến con, bà móc họng ói ra. Chồng biết được không an ủi lại còn đánh bà một trận thừa sống thiếu chết vì cái tội… muốn chết. Sáu mươi tuổi, bà vẫn bị chồng rượt đánh chạy quanh xóm vì ghen tuông, và vì những cái gì không ai hiểu nổi…

Bà rất đẹp, là hoa khôi vùng quê thuở đó, rất đảm đang vén khéo, nấu ăn ngon, thương con hết mực. Một tay bà chăm lo cho mẹ chồng, nuôi con khôn lớn trong chiến tranh giặc giã, một tay gầy dựng nên nhà nên cửa, dựng vợ gả chồng cho mười hai đứa con, và cả nuôi con rơi của chồng với người đàn bà khác.

Bà vừa mạnh mẽ vừa yếu đuối, vừa khôn ngoan vừa ngu ngốc, vừa vĩ đại vừa tầm thường. Mọi sự cơ cực, khổ đau, cay đắng, hờn tủi trong cuộc đời, bà đều kể hết cho tôi nghe, nhưng tôi không tài nào hiểu được bà. Tình vợ chồng của bà là gì? Đó là tình yêu hay là sự nô lệ? Bà có hạnh phúc trong tình yêu ấy không? Sức mạnh nào giúp bà vượt qua đời long đong dâu bể? Sự yếu đuối nào khiến cho bà tuân phục một người đàn ông đến vậy?

Đất nước tôi có những phụ nữ sống cuộc đời làm vợ làm mẹ đầy cay cực. Bây giờ còn có người vợ trẻ nào sống cam chịu như thế không? Chắc là không, nhưng những người đàn ông mang linh hồn bạo chúa thì vẫn còn đâu đó…

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: