Nghệ nhân cuối cùng may gối trái dựa cho triều Nguyễn qua đời

Tuổi cao nhưng bà Trí Huệ vẫn đam mê với nghề và chăm chút từng đường kim mũi chỉ- Ảnh: VietnamNet

Bà Công Tôn Nữ Trí Huệ, tên thường gọi là “mệ Trí Huệ”, người cuối cùng giữ nghề may gối trái dựa cho triều Nguyễn vừa qua đời tại tư gia hôm 24 Tháng Ba 2023, thọ 101 tuổi.

Nơi cuối đời bà sinh sống là nhà con trai lớn tại xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. Bà Bùi Thị Ngọc Điểm, con gái bà cho VietnamNet biết bà sẽ được an táng tại nghĩa trang phía Bắc TP.Huế (tỉnh Thừa Thiên – Huế).

Bà Công Tôn Nữ Trí Huệ (1922-2023) sinh ra và lớn lên trong gia đình hoàng tộc thời nhà Nguyễn, trong đó “Công tôn nữ” là cách gọi cháu nội gái của tước Công. Bà là chắt nội của Vua Minh Mạng, cháu nội của Hoài Đức Quận Công Miên Lâm, con trai thứ 57 của vua Minh Mạng, người có công phò tá vua Hàm Nghi và Thành Thái. Gia đình bà Trí Huệ xưa kia nổi tiếng với nghề thầy lang, bốc thuốc cứu người.

Người nhà của bà Công Tôn Nữ Trí Huệ cho biết lúc còn nhỏ, bà Trí Huệ ở nhà phụ làm thuốc Bắc với cha, năm 17 tuổi, bà được vào cung học may vá, thêu thùa như các “Công tôn nữ” khác, hầu hạ Hoàng thái hậu Từ Cung tại phủ Kiên Thái Vương và học nghề may vá. Ở thời điểm đó, gối do bà Trí Huệ làm ra tinh xảo đến từng đường kim mũi chỉ, nên được vua Bảo Đại cũng như Đức Từ Cung hài lòng. Vua Bảo Đại còn thường xuyên đặt gối trái dựa do chính tay bà làm để tặng quà.

Gối trái dựa của bà Trí Huệ được nhiều người biết đến và đặt mua làm kỷ niệm vì được khâu bằng tay và không thấy mũi chỉ – Ảnh Thanh Niên

Gối trái dựa là loại gối có nhiều nếp gấp, có thể gập mở tùy ý để gối đầu, dựa lưng, hoặc tỳ cánh tay trong lúc ngồi đọc sách, ngâm thơ, uống rượu… dưới triều Nguyễn là loại gối phổ biến trong cung đình.  Đây là loại gối được ghép từ nhiều lá (thường là 4-5 lá) để có thể điều chỉnh chiều cao một cách linh hoạt, tùy thuộc vào nhu cầu của người sử dụng. Ngoài ý nghĩa văn hóa lịch sử, gối trái dựa còn là lời cầu phúc và may mắn.

Chiếc gối truyền thống cơ bản được ghép từ năm lá, theo thứ tự màu: Xanh dương – đỏ – vàng – trắng – xanh lục, ứng với bốn chữ sinh – lão – bệnh – tử rồi lại sinh. Hai đầu của chiếc gối đều là màu xanh, một cách chơi chữ rất hay với chữ sinh hay sanh (giọng Huế). Gối trái dựa của vua dùng thường đủ năm lá, có màu vàng, trên gối thêu hình rồng, tượng trưng cho uy quyền. Gối trái dựa của Hoàng thái hậu và các quan phải đủ bốn lá, tùy theo màu ghế mà chọn màu sắc và hoa văn cho phù hợp.

Vỏ gối được may bằng các loại gấm đắt tiền, hoa văn sắc nét, thêu họa tiết cung đình xưa như rồng, phượng và có dây buộc. Màu vàng dành cho vua, còn hoàng hậu, các thứ phi và quan lại thì dùng các màu khác. Ruột gối được khâu thành từng hộc, nhồi bông chặt và chắc chắn để tạo hình chiếc gối vuông góc, khi toàn bộ cơ thể tỳ lên cũng không bị xô lệch. Mỗi chiếc gối trái dựa gồm năm lá sẽ nặng 2.5kg (5.5lb), kích thước cơ bản 32x30x20cm (12 x 11.8 x 7.8 inches).

Du khách đến thăm lăng, miếu của triều Nguyễn tại Huế như lăng vua Khải Định, vua Tự Đức, điện Thái Hòa… có thể thấy loại gối trái dựa được làm rất công phu đặt trong các áng thờ.

Thể Thao Văn Hóa ngày 14 Tháng Giêng 2022 tường thuật về già, bà Trí Huệ sống cùng con trai lớn tên Thiện tại xã Hương Toàn trong cảnh bần hàn vì người con trai bị khiếm khuyết, chỉ đi bán vé số, còn con dâu làm ruộng. Căn nhà cũ, nơi bà sinh sống hơn 30 năm, bị ẩm thấp nặng trong trời mưa bão. Nếu cơn mưa to và kéo dài, nước tràn vào khe hở của các vách khiến nhà của bà bị ướt nặng. Vật dụng giá trị nhất trong nhà có lẽ là chiếc máy may cũ với giá khoảng 4 triệu đồng ($170).

Hàng ngày, khi con trai đi bán vé số, con dâu ra đồng, bà làm thêm công việc may áo dài, rồi tận dụng những mảnh vải dư để may những chiếc gối cung đình cho đỡ nhớ nghề. Nếu tự làm một mình, mỗi tháng bà chỉ có thể làm 1 – 2 chiếc gối trái dựa.

Bà Công Tôn Nữ Trí Huệ là vị “Công tôn nữ” cuối cùng của triều đình nhà Nguyễn – Ảnh Dân Trí

Vì không còn mấy người sử dụng loại gối này nữa, bà chỉ nhận được đơn may gối trái dựa để thay thế những chiếc gối trái dựa trưng bày trong các di tích hiện đã cũ kỹ. Sau đó, nhờ có cơ duyên gặp một nhà nghiên cứu muốn phục dựng lại các nghề trong cung đình Huế, kỹ năng làm gối trái dựa của bà Huệ được nhiều người biết đến hơn. Bà bắt đầu có những đơn hàng đầu tiên từ người dân, một số người mua mừng thọ, một số người thích cổ phục thì mua để trang trí. Có lần đoàn làm phim “Phượng Khấu” còn mời bà hướng dẫn làm gối để sử dụng trong các cảnh quay.

Mỗi chiếc gối có năm lá của bà được bán với giá 1.8 triệu đồng ($76) nhưng những người mua làm kỷ niệm đều thấy đáng đồng tiền, vì sự chăm chút tỉ mỉ của bà trong từng mũi khâu. Bà còn nói: “Gối đẹp là gối khâu không thấy mũi chỉ”.

Gối trái dựa tại áng thờ bên trong Triệu Tổ Miếu, một trong năm miếu thờ quan trọng của triều Nguyễn được xây dựng sớm nhất trong Hoàng Thành Huế – Ảnh: Vnexpress

Tâm nguyện của bà Trí Huệ lúc còn sống là có thể truyền nghề làm gối trái dựa cung đình lại cho những ai muốn học để gìn giữ nghề. Học trò đầu tiên của bà là con dâu, bà Lê Thị Liền, tiếp đó là cháu gái. Cả ba người thường hỗ trợ nhau để may một chiếc gối trái dựa hoàn chỉnh. Bà Liền kể: “Mẹ cần gì thì mình phụ, dần dần thì biết cách. Cùng nhau làm thì một cái gối mất năm ngày, còn để mình mẹ làm thì có lẽ mất cả tháng. Các công đoạn đều làm bằng tay nên tốn thời gian, đòi hỏi sự tỉ mỉ”.

Một trong những mong muốn khác của bà Trí Huệ là có được căn phòng nhỏ để trưng bày những sản phẩm gối trái dựa do mình làm ra, làm nơi cho khách tham quan mỗi khi tới đặt hàng hay tìm hiểu về nghề truyền thống. Tiếc rằng cho đến lúc lâm chung, vì gia cảnh bần hàn và không được nhà cầm quyền quan tâm, bà vẫn không làm được điều này.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: