Người Sài Gòn dù nghèo vẫn thích cho đi, ít tiền thì góp công sức

Những bình trà đá miễn phí dọc đường Sài Gòn giúp nhiều người lao động di chuyển trên đường giải tỏa cơn khát – Ảnh: Thanh Niên

Trong cái nắng gay gắt kéo dài cả tháng qua ở Sài Gòn, không thể đếm hết có bao nhiêu bình nước, bình trà đá miễn phí để dọc theo nhiều con đường.

Podcasts VnExpress ngày 7 Tháng Năm bàn luận về “Tính cách Sài Gòn” đã kể chuyện dân Sài Gòn dù không dư giả, vẫn có sở thích đáng yêu là “thích cho đi”. Đó là câu chuyện của bà Trang, chủ một quán cơm ở góc đường Nguyễn Tất Thành, quận 4.

Mỗi sáng sớm bà Trang đi chợ thì ông chồng ở nhà nấu trà, châm nước, bỏ đá vào bình 20 lít. Bốn năm nay, cứ đúng 6 giờ sáng, hai vợ chồng bưng bình trà miễn phí để trước cửa, kịp cho những người thu mua ve chai đi ngang qua lấy nước. Khi xong bình nước trà đá phục vụ rồi, bà Trang mới lật đật mở cửa quán ăn của mình ở góc đường.

Khi VnExpress phỏng vấn, bà nói: “Ngoài đường giờ người ta chỉ bán trà chanh, trà tắc, không thấy ai bán trà đá, nên tui chỉ làm việc mà nhiều người cũng làm, chả có gì đáng kể. Cứ thấy người ta ngang qua dừng lại lấy nước là mình vui, đâu có gì cực?

Trà nấu khoảng 10-15 phút là xong, đá mỗi ngày 10 -15 ngàn, mỗi ngày châm thêm trà thêm nước từ 3-4 lần, nắng nhiều, người ta uống nhiều là mình châm nhiều. Ở đây nhiều người làm giống tui lắm, bên kia đường cũng có kìa. Ai đi bên đó uống bên đó, ai đi bên đây lấy bên đây!”.

Bà Trang còn cho biết không chỉ miễn phí trà đá mà bà còn miễn phí cả…cơm cho những ai cần. Có khi sáng sớm mới mở quán cũng có người đến xin cơm, bà cũng cho, vì nghĩ đơn giản: Người ta lỡ đường, có khi chả còn tiền, chuyện cũng bình thường, vì mình có khi cũng vậy mà.

Những bình trà đá miễn phí giúp người lao động nghèo ở Sài Gòn tiết kiệm được tiền mua nước giải khát – Ảnh VnExpress

Ở một góc đường khác (VnExpress không nói rõ là đường nào, quận nào), một người đàn ông tên An quê Thanh Hóa cũng để sẵn bình trà đá trước tiệm tạp hóa của mình đều đặn 9 năm nay.

Ông An bộc bạch khi từ quê vào Sài Gòn lập nghiệp, vì cảm tấm lòng của người Sài Gòn đối với mình nên ông học cách “cho đi” giống người Sài Gòn. Học hỏi một người dân ở quận 5, mỗi ngày ông đều dậy sớm nấu trà đá để phục vụ miễn phí cho người đi đường.

Ông xởi lởi kể: “Thay vì bỏ tiền ăn nhậu chỉ được hai bữa thì mỗi tháng tôi trích ra hơn 2 triệu đồng ($85) để làm bình trà đá miễn phí cho mọi người, một việc đã đem lại cho tôi nhiều niềm vui”. Không phải đồ miễn phí thì sao cũng được, ông An bỏ công tìm trà ngon, súc rửa bình và ly sạch sẽ mỗi ngày để phục vụ mọi người qua đường, vì thấy người ta uống nhiều, ông khoái.

Có người bảo với ông họ nghiền nước trà của ông, đi đâu cũng phải tìm về đây lấy nước trà của ông uống, ông thấy vui và bộc lộ: “Cách sống của người Sài Gòn hợp tính tôi hơn”.

Phỏng vấn một người qua đường là ông Vinh, tài xế chạy xe ôm công nghệ Grab, ông Vinh nói với VnExpress: “Một ngày tui ghé đây hai lượt để lấy nước uống. Sáng một bận, trưa một bận, mấy năm rồi. Mỗi ngày nhờ bình trà đá này tui tiết kiệm được mấy chục ngàn, một tháng đỡ được tiền triệu. Có mấy bình trà miễn phí như vầy tui biết ơn lắm”.

Một người nghèo thích cho đi khác là ông Út (không rõ quận nào). Ông Út bám lề đường 30 năm nay với nghề vá xe sửa xe gắn máy, chạy xe ôm và làm nghề mai táng.

Khi vá sửa xe thì ông luôn miễn phí cho người tàn tật, rồi thấy con đường trước mặt hay bị đụng xe, ông sắm luôn tủ thuốc miễn phí, gồm bông băng và đồ sơ cứu cho người bị tai nạn, bên cạnh là dầu gió, thuốc cảm, thuốc ho.

Dạo gần đây, khi làm dịch vụ mai táng, ai có tiền ông bán, ai nghèo quá, ông lại tìm cách bớt cái này, cho cái nọ, có khi miễn phí. Cũng có người chết mà không có tiền ma chay và thiêu xác, ông lại đi xin tiền những người quen để giúp họ.

Chi phí một đám tang miễn phí từ 15-16 triệu đồng ($639-$682), có khi ông xin một người là đủ, cũng có khi phải xin hai người – đó là những người khá giả mà không có thời gian đi làm từ thiện, tin tưởng giao tiền cho ông giúp người.

Gia cảnh ông Út cũng đâu khá gì. Từ thập niên 90 đến nay ông thuê phòng trọ 9m2 để ở, sau khi vợ mất, con sống riêng, ông tâm niệm còn sống ngày nào thì giúp người, không có tiền thì dùng công sức.

Nữ công nhân trên xa lộ Hà Nội (TP. Thủ Đức) dừng tay uống nước dưới cái nắng rát mặt – Ảnh: Thanh Niên

Nói về sự thích cho đi của người Sài Gòn, ông Trần Ngọc Thêm, nhà văn hóa và ngôn ngữ học, nhận định: Ly nước miễn phí ở miền Nam có từ thế kỷ 18, ăn sâu vào căn tính người Nam bộ. Nam bộ thế kỷ 18 đã có những nhà để sẵn lu nước và cái gáo trước sân, để người đi đường lỡ có khát thì vào lấy uống.

Vào ban đêm, họ còn để sẵn những bó dừa nước khô ven đường, để người đi đường ban đêm cần ánh sáng thì đốt bó dừa đó làm đuốc. Tinh thần ấy tiếp tục đến bây giờ, phát triển cả Nam bộ nói chung và Sài Gòn nói riêng.

Văn hóa Nam bộ rất khác văn hóa Bắc bộ. Trong khi người phía Bắc co cụm trong làng xã, chỉ giúp đỡ những người quen biết cùng làng thì người Nam bộ vốn gốc là dân di cư, không phụ thuộc cộng đồng làng xã, nay đây mai đó, điều kiện kiếm sống cũng dễ dàng, nên họ sẵn sàng chia sẻ, giúp nhau không cần quen biết gì cả.

Giống như Lục Vân Tiên của cụ Đồ Chiểu “giữa đường thấy sự bất bình chẳng tha”, đến giờ dân Nam bộ vẫn luôn trọng nghĩa khinh tài.

Bình luận dưới podcasts của VnExpress, bạn đọc ntranquang kể: “Cách đây gần 20 năm. Tôi từ Huế vào Sài Gòn chơi. Một buổi sáng tôi đi mua bánh mì cho cả nhà, tầm 10 ổ khoảng 100,000 đồng, nhưng quên mang theo ví. Chị bán bánh mì nói em cứ về đi rồi lát nữa mang tiền trả chị cũng được. Tôi và chị lần đầu tiên gặp. Tôi yêu Sài Gòn đến giờ”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: