Nguyễn Phương Hằng – con rối của “trùm cuối” nào? (Bài 2)

Vợ chồng Huỳnh Uy Dũng-Nguyễn Phương Hằng (MXH)
Thời Sự
Thời Sự
Nguyễn Phương Hằng – con rối của “trùm cuối” nào? (Bài 2)
/

Tưởng cũng cần nhắc lại về quan hệ của vợ chồng bà Phương Hằng với giới chính quyền cấp cao, đặc biệt với “đồng chí Sáu Phong” Nguyễn Minh Triết…, để từ đó thấy rằng bà Phương Hằng hẳn nhiên không thể tự mọc sừng mọc nanh mà hành tẩu giang hồ gọi gió hô mây…

Đại gia nào cũng có kẻ chống lưng

Câu chuyện về mối liên quan giữa chủ nhân doanh nghiệp Đại Nam là ông Huỳnh Uy Dũng cùng với nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết từ thời ông Nguyễn Minh Triết còn là Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương thì không còn là chuyện xa lạ với người dân. Chuyện ông Nguyễn Minh Triết chính là dượng rể của bà Trần Thị Tuyết, vợ đầu ông Huỳnh Uy Dũng, cùng loạt phi vụ biến đất công thành sở hữu riêng thông qua hình thức thuê đất làm khu công nghiệp, đã được ít nhiều đề cập. Một bài viết của nhà báo Minh Diện đã kể lại chi tiết này:

“Bình Dương trở thành điểm đến hấp dẫn khi ông Nguyễn Minh Triết tuyên bố trải thảm đỏ đón các nhà đấu tư. Tấm “thảm đỏ” đầu tiên rộng 160 ha ở Sóng Thần và người được sử dụng nó chính là Huỳnh Phi Dũng. Với 160 ha đất được Uỷ ban nhân dân tỉnh giao cho Công ty Thanh Lễ, Huỳnh Phi Dũng đã ký hợp đồng với công ty Phi Long xây dựng hạ tầng cơ sở với tỷ lệ ăn chia 50/50. Người ta nói Huỳnh Phi Dũng ký bằng hai tay: Tay phải đại diện doanh nghiệp nhà nước là công ty Thanh Lễ,  tay trái đại diện công ty Phi Long của gia đình mình.

Huỳnh Uy Dũng và Nguyễn Minh Triết tại lễ khởi công xây nhà máy xử lý nước thải (file photo)

Công ty Phi Long  được hưởng quyền như công ty Thanh Lễ là không phải nộp tiền sử dụng đất, mà chỉ góp vốn xây dựng hạ tầng rồi phân lô cho thuê, thực chất là chuyển nhượng bất hợp pháp quyền sử dụng đất. Thông qua 57 hợp đồng cho 13 đơn vị và cá nhân “thuê”, trong đó có nhiều hợp đồng với công ty Minh Phụng – Epco, Huỳnh Phi Dũng đã thu được 130 tỷ đồng, công ty Phi Long của gia đình Dũng lãi ròng 30 tỷ, tương đương 300 triệu đôla Mỹ thời kỳ đó. Thừa thắng xông lên, Tháng Chín 1995, Huỳnh Phi Dũng mở tiếp khu Sóng Thần 1 với diện tích 178 ha và cho thuê ngay sau đó đạt tỷ lệ 104%.

Có lẽ thấy hình thức liên doanh vừa phải chia chác lợi nhuận vừa phức tạp nên khi mở khu công nghiệp Sóng Thần 2 diện tích 279 ha và Sóng thần 3 diện tích 533 ha, cũng như khu du lịch sinh thái diện tích 467 ha, Huỳnh Phi Dũng dành trọn quyền đầu tư cho các công ty của mình là Hoàng Gia, Đại Nam. Từng vùng dân cư cũng như đất nông nghiệp đã được “quy hoạch” cho Huỳnh Phi Dũng dễ như trở bàn tay. Người ta nói đất Bình Dương chỗ nào ngon nhất thì đều về tay Huỳnh Phi Dũng và biết bao gia đình đã phải lặng lẽ gạt nước mắt ra đi từ bỏ vườn tược ruộng đồng của mình vì ‘vòi bạch tuộc’ ấy.”

Thực tế cho thấy chính trị gia ở Việt Nam luôn có mối liên kết chặt chẽ với các đại gia kinh doanh. Bản thân ông Huỳnh Uy Dũng từng sáng tác rất nhiều tác phẩm thơ ca ngợi chế độ, lãnh tụ. Mối quan hệ thân thiết giữa ông Nguyễn Minh Triết và ông Huỳnh Uy Dũng đã kéo dài mấy chục năm. Trong buổi tiệc mừng thọ mẹ ông Huỳnh Uy Dũng năm 2010, có mặt cả ông Nguyễn Minh Triết lúc đó đang đương chức Chủ tịch nước và phu nhân, cùng với nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.

Sách do ông Huỳnh Uy Dũng “sáng tác” (file photo)

Ngày 26 Tháng Một 2019, Công ty cổ phần xử lý nước thải Hằng Hữu Huỳnh tổ chức khánh thành nhà máy xử lý nước thải tại Khu công nghiệp Sóng Thần 2, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Trong số quan khách đến dự có Nguyễn Minh Triết, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước; ông Nguyễn Văn Lợi, ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Phước; ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương; ông Mai Hùng Dũng, ủy viên thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và nhiều đại diện các bộ, ngành Trung ương. Một câu hỏi đặt ra là: Tại sao một tiệc mừng thọ cá nhân đầy tính khoa trương (lên đến 10,000 người tham dự!) lại có sự tham dự của những quan chức chóp bu như vậy?

Họ không ngại sự xuất hiện của họ có thể gây nên những thị phi, đồn đoán? Hay là họ muốn dùng sự xuất hiện của họ để biểu thị hay răn đe điều gì? Tương tự như vậy, một nhà máy xử lý nước thải được khánh thành thì tại sao lại xuất hiện một đội ngũ cựu và đương chức hùng hậu như thế? Mục đích là để thể hiện sự ủng hộ của chính quyền hay là sự khẳng định: Đây là phe cánh của tôi?

“Phù thủy truyền thông” đứng sau những cuộc livestream của bà Nguyễn Phương Hằng là ai?

Chính quyền Việt Nam từ xưa đến nay luôn ưu tiên hình thức đấu tranh bằng “dư luận viên” và trong thời đại mạng internet lên ngôi, việc xuất hiện một đội ngũ gọi là “cộng tác viên dư luận xã hội” đã trở nên bài bản, có những hội nghị giao ban được tổ chức công khai, thường kỳ hàng tháng, đưa tin rầm rộ và dĩ nhiên cũng có những cộng tác viên dư luận xã hội hoạt động bí mật. Mới đây, ngày 25 Tháng Tư 2022, tại Hà Nội, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương tổ chức Hội nghị giao ban cộng tác viên dư luận xã hội cấp Đảng ủy Khối phiên thường kỳ Tháng Tư 2022.

Ở Trung Quốc, dư luận viên trên mạng được cho là bắt đầu có từ năm 2004, còn ở Việt Nam, qua lời của ông Hồ Quang Lợi trong bài báo “Tổ chức nhóm chuyên gia bút chiến trên Internet” đăng ngày 09 Tháng Một 2013, người dân mới chính thức biết là có lực lượng này tồn tại. Những dư luận viên không chỉ có nhiệm vụ nắm bắt dư luận quần chúng mà còn có nhiệm vụ viết bài, lên tiếng để đánh lạc hướng dư luận trong những thời điểm cần thiết.

Sự xuất hiện của bà Nguyễn Phương Hằng tuy bất ngờ nhưng hết sức bài bản trên truyền thông, gây xôn xao dư luận không phải là một hiện tượng ngẫu nhiên hay bột phát, dù rằng ban đầu có thể chỉ là một sự tình cờ. Như đã phân tích ở bài một, bà Nguyễn Phương Hằng ban đầu chỉ là từ sự bức xúc về “lương y” Võ Hoàng Yên, nhưng càng về sau, nội dung trong các cuộc livestream của bà càng mở rộng.

Nhìn lại thời điểm xuất hiện của bà Nguyễn Phương Hằng, bắt đầu từ Tháng Ba 2021 thì không phải là sự ngẫu nhiên. Thời điểm đó, Việt Nam đang lao đao vì dịch Covid. Bà Nguyễn Phương Hằng hội đủ nhiều yếu tố cần thiết (vợ đại gia; phanh phui những lùm xùm tiền bạc, lừa đảo…) để có thể thu hút sự chú ý quần chúng, làm lãng quên đi những vấn đề cấp thiết và căng thẳng trước mắt. Một phụ nữ đại gia nhưng hành xử chợ búa là một công cụ tốt để điều hướng dư luận, với chiến thuật tác chiến “đi sâu vào lòng dân”, áp dụng kỹ năng truyền thông “thọc vào quần chúng” theo bài bản rất truyền thống mà chính quyền cộng sản là tay tổ.

Vậy ai đứng sau làm truyền thông cho bà Nguyễn Phương Hằng. Theo điều tra riêng của chúng tôi, nhân vật đó là Nguyễn Thanh Sơn. Nguyễn Thanh Sơn được mệnh danh là “phù thủy truyền thông”. Đương sự được cho là một người học cao hiểu rộng, chỉ có mỗi bằng thạc sĩ Quan hệ công chúng (PR) từ trường Đại học Oklahoma là… giả! Trong giới truyền thông, Nguyễn Thanh Sơn là kẻ có thể hô phong hoán vũ, một tay che trời. Nhân vật này là người sáng lập T&A Communications, tiền thân của T&A Ogilvy.

Nguyễn Thanh Sơn (vietnamfinance)

T&A Ogilvy là đơn vị tư vấn cho nhiều doanh nghiệp lớn như Masan Group, Sovico Group, Tân Hiệp Phát, Vietnam Airlines, Vinamilk, Vinagame… và nhiều thương hiệu lớn khác tại Việt Nam. Năm 2016, tên tuổi Nguyễn Thanh Sơn nổi bật trên báo với vụ truyền thông bẩn đánh nước mắm truyền thống. Khi được nhắc đến tên, ngay lập tức Sơn tuyên bố rằng mình đã nghỉ T&A Ogilvy từ Tháng Bảy 2016, dù rằng tra cứu từ Tổng cục Thuế thì người đại diện theo pháp luật của T&A Ogilvy vẫn là Nguyễn Thanh Sơn.

Nhưng nếu không có thực tài và thừa tai tiếng (đời sống tình cảm cá nhân khá lộn xộn, với cả tá nhân tình ngoài cô vợ là diễn viên điện ảnh tên tuổi; có cả đứa con trai rơi giống mình như đúc) thì tại sao Sơn có thể có những mối quan hệ làm ăn với toàn ông lớn doanh nghiệp? Đơn giản vì Sơn là cháu ngoại của nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Đinh Nho Liêm.

Nguyễn Thanh Sơn gọi bà Đinh Thị Hoa, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc công ty cổ phần phim Thiên Ngân (Galaxy Studio); Phó Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần chứng khoán Thiên Việt (TVS), thành viên Hội đồng Quản trị Ngân hàng Á Châu (ACB) là dì ruột. Sơn còn có mối quan hệ khăng khít với gia đình cựu Bộ trưởng Ngoại giao, đương kim Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh vì đương sự cũng là cháu ruột của bà Nguyễn Nguyệt Nga, phu nhân ông Phạm Bình Minh.

Nói thẳng ra, Nguyễn Thanh Sơn là người làm truyền thông cho các đại gia, và các đại gia này chịu sự chi phối của các quan chức cấp cao trong chính quyền.

Ban đầu thì việc xây dựng kênh truyền thông cho bà Nguyễn Phương Hằng để lèo lái đánh lạc hướng dư luận – ngay thời điểm Việt Nam nói chung và Sài Gòn nói riêng đang trong lúc bị khủng hoảng nghiêm trọng do dịch COVID – đã được “phù thủy” Nguyễn Thanh Sơn đứng sau lưng bà Hằng tổ chức rất tốt. Tuy nhiên, việc sử dụng một người đàn bà ít học, chợ búa, không biết điểm dừng, ngày càng leo thang với sự ảo tưởng về quyền lực và sức ảnh hưởng đến công chúng, cuối cùng đã bị phản tác dụng. Và khi bà Hằng đã trở nên nổi tiếng hơn cả “mức mong đợi” thì Sơn tài thánh cũng không bịt miệng bà kịp.

Kiến thức về chính trị của bà Nguyễn Phương Hằng là con số 0, chính vì thế, bà leo thang đi từ chuyện chửi bới nghệ sĩ sang chửi bới nhà báo, mà lại là nhà báo của báo Sài Gòn Giải Phóng, cơ quan ngôn luận trực thuộc Thành ủy TP.HCM (bà Hàn Ni), và nhà báo của báo Pháp luật TPHCM (ông Nguyễn Đức Hiển). Tiếp đó, bà Hằng “đập” luôn cả chính quyền tỉnh Bình Dương; thừa thắng xông lên, bà Hằng “chém” luôn Cơ quan Cảnh sát điều tra TP.HCM; rồi đến cựu Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan… Đến khi bà Hằng “không chừa” ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM kiêm Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, thì giọt nước đã tràn ly.

Kịch bản truyền thông của Nguyễn Thanh Sơn, với việc “tạo ra” một hiện tượng truyền thông Nguyễn Phương Hằng nhằm đánh lạc hướng dư luận trong bối cảnh khủng hoảng chống dịch, đã phá sản. Nguyễn Phương Hằng trở thành con ngựa bất kham. Bà không còn là con rối có thể giật dây theo ý muốn được nữa. Hơn nữa, “vai trò” lèo lái dư luận của bà ở một thời điểm cũng đã kết thúc. “Sứ mạng lịch sử” của bà đã xong. Có điều bà Hằng không nhận ra điều đó. Cho nên, người ta phải bịt miệng bà.

Khu du lịch Đại Nam (Facebook)

Đến lúc này chúng ta phải nể phục tầm nhìn xa và sự cẩn trọng của ông Huỳnh Uy Dũng sau bao nhiêu năm làm ăn với giới chức cấp cao. Trong các livestream và trên những hình ảnh công khai, bà Nguyễn Phương Hằng đều được giới thiệu là Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam, nhưng khi bà bị bắt thì công chúng đều ngã ngửa.

Bởi theo thông tin công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư), pháp nhân mang tên Công ty Cổ phần Đại Nam được cấp giấy phép đăng ký kinh doanh lần đầu vào ngày 27 Tháng Ba 1996 là ông Huỳnh Uy Dũng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc. Ông Huỳnh Uy Dũng là người đại diện pháp luật duy nhất. Cho đến nay trên cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp, ông Dũng vẫn là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam, vẫn là người đại diện pháp luật duy nhất.

Kết luận điều tra về bà Nguyễn Phương Hằng đã được công an công bố: từ Tháng Ba 2021 đến khi bị khởi tố, bắt tạm giam (Tháng Ba 2022), bà Nguyễn Phương Hằng sử dụng 12 kênh trên các nền tảng mạng xã hội như YouTube, Facebook, TikTok… để thực hiện các buổi livestream. Những người giúp sức tổ chức các buổi livestream là Huỳnh Công Tân (Trưởng phòng truyền thông Công ty Cổ phần Đại Nam), Lê Thị Thu Hà (nhân viên văn phòng Công ty Cổ phần Đại Nam) và Nguyễn Thị Mai Nhi, trợ lý của Nguyễn Phương Hằng. Ngoài ra, trong các buổi livestream của bà Nguyễn Phương Hằng còn có ông Đặng Anh Quân (giảng viên Trường Đại học Luật TPHCM) và luật sư Nguyễn Đình Kim.

Đáng chú ý là có một kết luận rất mơ hồ của cơ quan điều tra, đó là: “Đối với những cá nhân có liên quan, tham gia giúp sức cho hoạt động của Nguyễn Phương Hằng, cơ quan điều tra đang tiếp tục làm rõ hành vi tiếp tay cho bà Hằng gồm ê kíp tham gia livestream, những người cung cấp tài liệu, kịch bản và đạo diễn cho bà Hằng chửi trên mạng xã hội và đã trưng cầu giám định các nội dung liên quan nhưng chưa có kết quả. Khi có kết quả sẽ tiếp tục xử lý theo pháp luật.”

Vậy thì công chúng vẫn còn phải chờ một kết quả cụ thể về người đứng sau làm kịch bản truyền thông cho Nguyễn Phương Hằng. Nhưng có lẽ kết quả đó sẽ không bao giờ có trong thể chế Việt Nam hiện nay, hoặc nếu có thì nói theo kiểu phim ảnh là nhân vật “trùm cuối” thật sự – một tổng đạo diễn, thầy của Nguyễn Thanh Sơn- sẽ không bao giờ lộ diện, thay vào đó là những kẻ được kéo vào làm tấm đệm lưng.

_______________

BÀI 1: Nguyễn Phương Hằng – Truyền thông độc lập hay là con rối của ai?

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: