Nguyễn Phương Hằng – Truyền thông độc lập hay là con rối của “trùm cuối” nào? (Bài 1)

Thời Sự
Thời Sự
Nguyễn Phương Hằng – Truyền thông độc lập hay là con rối của “trùm cuối” nào? (Bài 1)
/

Tin mới nhất là bà Nguyễn Phương Hằng, người được xem là Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam, vợ ông Huỳnh Uy Dũng (thường được biết đến với tên thật là Huỳnh Phi Dũng hay còn gọi là Dũng “lò vôi”) tiếp tục bị gia hạn tạm giam 20 ngày để “phục vụ công tác điều tra” trước khi ra tòa. Trước đó, bà Nguyễn Phương Hằng nổi lên như một hiện tượng trên mạng xã hội với hàng trăm buổi livestream kể từ Tháng Ba 2021.

Tối 24 Tháng Ba 2022, bà Nguyễn Phương Hằng bị Cơ quan cảnh sát điều tra (PC01) Công an TP.HCM bắt về hành vi “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331 Bộ Luật hình sự. Câu hỏi đặt ra là: Tại sao bà Nguyễn Phương Hằng trở thành một hiện tượng cực kỳ hot, thông qua những livestream thu hút hàng triệu người xem, phá mọi kỷ lục, gây xôn xao dư luận, tưởng chừng bất khả xâm phạm; nhưng cuối cùng lại bị bắt?

Bài 1: “Nữ hoàng drama”

Tháng Ba 2021, bà Nguyễn Phương Hằng tố cáo với Công an TP.HCM về việc bị “lương y” Võ Hoàng Yên lừa hàng trăm tỷ đồng. Sau đó, bà thường xuyên livestream bày tỏ bức xúc về việc bị mất tiền, rồi bắt đầu lôi đích danh một số nghệ sĩ gian dối trong việc từ thiện. Các cuộc livestream ngày càng nhiều với những nội dung khác nhau. Vì sao bà Nguyễn Phương Hằng trở thành một hiện tượng cực kỳ thu hút trên mạng xã hội? Để trả lời câu hỏi này phải lý giải từ ba đối tượng: Công dân mạng (netizens); từ chính bản thân bà Nguyễn Phương Hằng; và cuối cùng là những đối tượng mà bà Nguyễn Phương Hằng nói đến.

Dân mạng Việt Nam quan tâm gì và nghĩ gì?

Muốn đo lường mức độ quan tâm thông tin và thông tin có nội dung gì của netizen Việt ở mọi lứa tuổi thì cần một cuộc điều tra xã hội học nghiêm túc, tuy nhiên nếu quan sát trên Facebook, có thể nhận thấy netizen Việt quan tâm hàng đầu những vấn đề sau: Thông tin thời sự (về dịch bệnh, chính trị, kinh tế, lừa đảo, tai nạn); thông tin giải trí (giới showbiz, về người nổi tiếng như các ngôi sao bóng đá, giới siêu giàu); thông tin xã hội và phục vụ nhu cầu cá nhân (thời trang, du lịch và mức độ an toàn sản phẩm).

Có thể thấy việc livestream của bà Nguyễn Phương Hằng đánh đúng vào nhu cầu được xem, nghe, đọc những thông tin mà netizen Việt đang quan tâm. Bà Nguyễn Phương Hằng biết tạo ra sự kiện từ những gì bà đề cập. Với những thông tin đưa ra, bà Hằng dẫn đến ba luồng ý kiến – ủng hộ, chống đối, và trung lập. Nói vắn tắt, về bản thân bà Nguyễn Phương Hằng thì như cha ông ta ví von “miệng kẻ sang có gang có thép” và nói theo kiểu ngôn ngữ mạng bây giờ là “người giàu làm gì cũng đúng”. Với những nhân vật mà bà Hằng đề cập, cách hành xử của họ cho dù khác nhau, vẫn góp phần “đổ dầu vào lửa”. Antifan của bà lại góp phần làm bà… nổi tiếng hơn.

Sự phổ biến của công nghệ cũng góp phần đáng kể tạo ra cơn sốt Nguyễn Phương Hằng. Tháng Tư 2011, YouTube mở tính năng YouTube Live. Tháng Mười Hai 2015, Facebook lần đầu mở tính năng livestream. Như vậy, về mặt kỹ thuật, netizen có điều kiện tốt hơn hẳn để theo dõi thông tin so với những năm trước đây.

Nữ hoàng drama Nguyễn Phương Hằng (MXH)

Bà Nguyễn Phương Hằng thu hút cộng đồng mạng như thế nào?

Việc livestream của bà Nguyễn Phương Hằng là một chiến lược bài bản và được thực hiện rất tốt. Nếu ví von với việc marketing một sản phẩm mới thì có thể nói đây là một sản phẩm ra mắt thành công. Nếu ví von với việc một nghệ sĩ ra mắt (debut) thì bà Nguyễn Phương Hằng ngay lập tức bước lên hàng siêu sao chỉ sau thời gian chừng một tháng tổ chức livestream. Thành công của bà đến từ những nguyên nhân nào?

Thứ nhất, thành công đến từ chính vị thế của bà Hằng. Từ trước đến giờ bà Nguyễn Phương Hằng được biết đến là một trong những người thuộc giới siêu giàu của Việt Nam, là vợ ông Huỳnh Uy Dũng (Dũng “lò vôi”) với khối tài sản khổng lồ. Nên khi bà xuất hiện và lên tiếng tố cáo, đe dọa lôi ra loạt người có tên tuổi thì dư luận tức khắc tập trung vào mọi động thái của bà.

Thực tế ở Việt Nam hiện nay, nữ đại gia có không ít người, song đa phần họ chọn lối sống kín tiếng, chỉ xuất hiện trước công chúng trong những hoạt động công việc (chẳng hạn như bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO của Vietjet Air với Tập đoàn Sovico Holdings của gia đình), thậm chí còn giấu kín mọi thông tin cá nhân như trường hợp bà Phạm Thu Hương, vợ tỷ phú Phạm Nhật Vượng; hoặc bà Hoàng Thị Ngọc Bích, vợ bầu Đức (Đoàn Nguyên Đức)… Trong khi đó, dư luận ngày càng chú ý nhiều đến giới siêu giàu, xem họ sống như thế nào và họ nói những gì. Do đó, khi một tỉ phú như bà Hằng xuất hiện thì lập tức đương sự trở thành thỏi nam châm thu hút công chúng.

Bà Nguyễn Phương Hằng thường xuyên khoe khoang sự giàu có. Báo chí nhắc nhiều đến những viên kim cương “to bằng hạt mít”, những bộ trang sức trị giá hàng trăm tỷ đồng của bà. Bà cũng chú ý đến hình thức, luôn trung thành với phong cách trang điểm đậm, sắc nét, nhấn vào style quyền lực, phù hợp với lứa tuổi và vị thế. Bà làm cho netizen mãn nhãn về phần hình ảnh. Đồng thời, bà khôn ngoan khi đề cập đến những người thân mà dân mạng quan tâm. Bà nói đến ông Huỳnh Uy Dũng, nói đến cậu con trai nhỏ Huỳnh Hằng Hữu, cũng không ngần ngại cho cậu con trai lên sóng để giới thiệu kênh YouTube riêng của cậu bé. Bà tiết lộ những câu chuyện riêng tư của vợ chồng bà, thể hiện sự hạnh phúc cũng như khó khăn khi làm… người giàu và phu nhân đại gia.

Thứ hai, cung cách bà Nguyễn Phương Hằng thực hiện livestream rất chuyên nghiệp. Mỗi buổi livestream thường từ 2 đến 3 tiếng, bắt đầu rất đúng giờ, luôn có sự thông báo từ trước và bà chưa bao giờ sai lịch. Sau mỗi lần phát sóng, đến đoạn kết, bà Hằng đều hẹn ngày giờ cụ thể, cùng kênh phát sóng cho buổi tiếp theo. Bà cũng luôn chọn khung giờ vàng, khoảng từ 18g30 đến 21g30 tối, khi mọi người rảnh rỗi và có nhiều thời gian. Lường trước sự quá tải và mạng bị treo (lag), bà Nguyễn Phương Hằng livestream không chỉ ở một Facebook mà còn thực hiện đồng thời trên nhiều kênh YouTube. Ê kíp của bà cũng hùng hậu với hơn chục người: Ba trợ lý tìm kiếm thông tin, một thư ký, một MC và một đội kỹ thuật.

Bà Hằng một thời gây sóng gió (MXH)

Chưa hết, bà cũng cung cấp “bằng chứng”, tạo ra sự khả tín của thông tin. Mỗi khi nhắc đến nhân vật nào hay đề cập chuyện gì, bà Phương Hằng đều in sẵn dẫn chứng hoặc cho phát video minh họa kèm theo, rất cụ thể và chi tiết. Phải nói ngay rằng bất kỳ nhân vật đình đám nào bị bà Hằng “bóc phốt” đều sống dở chết dở và ngay lập tức bị mất lượng fan nhanh đến chóng mặt. Bà cũng sử dụng người nổi tiếng, chẳng hạn như mời gymer Duy Nguyễn (người có phốt với giới nghệ sĩ Việt) cùng livestream để thu hút thêm khán giả. Bà thậm chí trao giải thưởng cho hacker tìm ra antifan và thực hiện như đã hứa.

Thứ ba, những nội dung bà đề cập đều là những chủ đề “hot hit”. Quan trọng nữa là bà Hằng đều có sự “ăn miếng trả miếng” hết sức kịp thời. Chẳng hạn một nghệ sĩ nào lên tiếng phản đối, ngay sau đó bà lập tức đưa nghệ sĩ đó lên “giàn hỏa thiêu”, hay nói theo ngôn ngữ mạng là “đối đáp căng đét”. Cứ đi từ drama này đến drama khác, hỏi sao các buổi livestream của bà Nguyễn Phương Hằng không thu hút cho được!

Thứ tư, ngôn ngữ cũng như sức nói chuyện của bà Nguyễn Phương Hằng xứng đáng là “thánh content”, một thuật ngữ nói về người có khả năng biến hóa trong xây dựng nội dung truyền thông. Bà có thể nói liên tục 2, 3 tiếng đồng hồ không mệt, bằng một giọng đủ ngữ điệu lên bổng xuống trầm. Bà sử dụng ngôn ngữ thuộc hàng “đỉnh cao” với những ví von, chơi chữ, vần điệu… hết sức ấn tượng. Nhiều câu nói của bà trở nên viral khắp cõi mạng vì tính hài hước.

Có thể kể đến những câu như: “Em đẹp không quý dzị?”, “Dzĩ vãng dzơ dzáy dzễ dzì dzấu dziếm”, “Cái đồ không có nổi một ngàn tỉ”, “Em nói cho ra đích, em công kích cho ra chuyện”, “Trao niềm tin nhiều khi gặt hậu quả chứ không phải gặt hiệu quả”, “Sự thật không sớm thì chiều, không mai thì mốt cũng lòi ra”, “Im lặng là vàng còn tôi nói ra là kim cương”, “Nó đụng thì mình phải chạm, nó cảm thì mình phải xúc, nó muốn sụp thì mình phải cho nó đổ luôn”, “Người của công chúng là phải đi vào lòng người chứ đừng đi vào lòng đất”, “Người trong cuộc mới hiểu người trong kẹt” v.v…

Ngay cách giật title các buổi livestream đã cho thấy kỹ năng chơi chữ rất hot và “khét lẹt” như: “Đừng im lặng nữa, thần điêu đại bịp”, “Sát thủ không cần ngủ”, “Anh hùng trọng anh hùng”, “Tự do ngôn luận, tự do xạo ke” v.v… Bà cũng tuyên bố những câu theo kiểu “miệng kẻ sang có gang có thép”, như việc cấm nghệ sĩ đến khu du lịch Đại Nam, việc thuê hàng chục luật sư đối phó với antifan. Ngoài những câu nói có tính bình dân, hài hước, bà Nguyễn Phương Hằng còn tỏ ra nghiêm túc khi nói về chuyện từ thiện, về chuyện tiền gửi ngân hàng… với giọng điệu của một doanh nhân nắm rõ vấn đề.

Thứ năm, sự thu hút của các buổi livestream của bà Nguyễn Phương Hằng còn ở chỗ bà chỉ… livestream. Bà không hề trả lời phỏng vấn trực tiếp trên báo chí. Cho nên các netizen chỉ có cách xem bà livestream để thỏa mãn sự tò mò. Đây rõ ràng là cách làm khôn ngoan để tập trung sự chú ý của cộng đồng mạng.

Bà Hằng tiếp tục bị gia hạn tạm giam 20 ngày để “phục vụ công tác điều tra” (báo Thanh Niên)

Như vậy sức hút từ những livestream của bà Nguyễn Phương Hằng là đến từ nhiều phương diện. Nếu xem đây là một vụ kinh doanh thì bà đã thành công khi mới khởi nghiệp. Người được lợi nhất chính là bà và doanh nghiệp của bà – khu du lịch Đại Nam. Ít người để ý rằng, ông Phạm Tam, Chủ tịch tập đoàn Asanzo, từng lên tiếng cảm ơn bà Hằng vì nhờ bà mà hãng Asanzo bán được thêm 3,000 cái tivi một ngày! Thậm chí trên mạng đã có quiz vui về bà Nguyễn Phương Hằng. Nhưng tất cả mọi thứ sụp đổ khi bà Nguyễn Phương Hằng bị bắt. Series drama Nguyễn Phương Hằng kết thúc đột ngột, khi bà chưa kịp “thông báo” ngày giờ “chương trình phát sóng tiếp theo”.

Tại sao? Vì đạo diễn đã cảm thấy diễn viên chính – nữ hoàng drama Nguyễn Phương Hằng – cương quá mức.

___________

Kỳ hai: Ai là “người trong kẹt” của “người trong cuộc” Nguyễn Phương Hằng?

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: