Nhà hát Quan họ Bắc Ninh – một vật thể phi văn hóa

Bên trong Nhà hát Quan họ Bắc Ninh (ảnh: VOV)

Nhiều trang báo điện tử và mạng xã hội đang đưa tin về nhà hát Dân Ca Quan họ Bắc Ninh. Dưới đây là góc nhìn của Saigon Nhỏ…

Ngoài vấn đề nội thất bên trong nhà hát với lối thiết kế quê mùa và phản văn hóa, một trong những câu hỏi lớn đặt ra ở đây là, nhìn tổng thể, người ta tự hỏi với tổng mức đầu tư của dự án trên 241 tỷ đồng ($10,266,600) với nhiều hạng mục từ nguồn ngân sách nhà nước, có tổng số ghế là 341 chiếc được làm bằng gỗ đỏ nhập từ Nam Phi… thì nhà hát này sẽ hoạt động thế nào cho hiệu quả, chừng nào thu hồi được vốn?

Chưa có thông tin nào đề cập giá vé dự định bao nhiêu. Tuy nhiên, giả định giá vé là 700,000 đồng ($30), lấy căn cứ vào giá vé thấp nhất cho suất diễn A O Show tại nhà hát Opera House ở Sài Gòn; thì như vậy, số lượng vé cần bán ra để thu hồi vốn là 344,286 vé [bằng cách lấy 241 tỷ đồng chia cho 700,000 đồng = 344,286 vé]. Để bán được ngần ấy số vé với giả định rằng nhà hát lúc nào cũng bán hết số ghế trong suất diễn thì số suất diễn thu hồi vốn phải cần là 1,009 suất [344,286 vé: 341 ghế = 1,009 suất diễn].

Nhà hát Quan họ Bắc Ninh (ảnh: VOV)

Nhiều người không khỏi không giật mình tự hỏi liệu nhà hát phải hoạt động trong thời gian bao lâu mới có thể thu hồi vốn, huống chi có lời? Bên cạnh đó, họ còn phải trả tiền vận hành, tiền lương v.v… trong khi thực tế, số khán giả hâm mộ yêu làn điệu Quan họ chỉ là rất ít, chưa kể mức sống của người dân địa phương (tỉnh Bắc Ninh) cũng không khá giả gì để vào nhà hát xem Quan họ, bất luận họ là địa phương có người yêu Quan họ nhiều nhất Việt Nam.

Ngay tại Sài Gòn, cũng hiếm ai dám mua vé vào xem A O Show; và người ngoại quốc cũng e dè khi mua vé xem show diễn này.

Nếu Nhà hát Quan họ Bắc Ninh nhắm đến khán giả là du khách ngoại quốc thì e rằng càng khó hơn. Trong nhiều dịp tiếp xúc khi dạy người nước ngoài tiếng Việt, tôi đã giới thiệu với các bạn ngoại quốc về Quan Họ, Ca trù, Hát xẩm, Ca cổ miền Nam nhưng họ luôn tỏ thái độ không quan tâm. Đối với họ, tất cả làn điệu dân ca dân gian Việt Nam đều nghe như nhau, tức là họ không phân biệt được sự khác biệt giai điệu của mỗi thể loại đó. Thêm vào đó, ca từ dân ca mang ý nghĩa ẩn dụ khá nhiều, luôn khó hiểu đối với người ngoại quốc. Có thể vài người trong số họ muốn coi vì tò mò nhưng chắc chắn một điều rằng không phải ai cũng tò mò. Họ không hiểu từ vựng tiếng Việt đơn giản thì làm sao họ có thể hiểu nổi những ca từ đầy ẩn ý? Thậm chí, một số người Việt còn không hiểu được hết ý nghĩa bài Quan họ.

Tôi có thể nghe Quan họ hàng tiếng đồng hồ nhưng người ngoại quốc có lẽ chỉ có thể “cầm cự” được chừng 10 phút trước khi họ cảm thấy ngán và… buồn ngủ. Mỗi dân tộc đều có nền văn hóa riêng và mỗi nền văn hóa đều có tính địa phương. Làm sao Quan họ có thể hấp dẫn nổi du khách phương Tây? Điều này cũng giống như đa số người Việt không cảm thụ nổi Opera vậy.

Đến đây tôi tự hỏi, cơ quan có chức năng xét duyệt hồ sơ có tính đến tính khả thi của dự án không? Chủ đầu tư Nhà hát Dân Ca Quan Họ Bắc Ninh có bao giờ nghĩ đến phương án B (phương án thoái lui) hay không? Nếu phương án kinh doanh thất bại thì chủ đầu tư sẽ làm gì với nhà hát đó? Dĩ nhiên, chúng ta hiểu rằng họ không mảy may quan tâm đến những vấn đề này.

Bên trong Nhà hát Quan họ Bắc Ninh (ảnh: VOV)

Còn nếu viện cớ xây dựng Nhà hát Dân Ca Quan Họ Bắc Ninh để góp phần giới thiệu với du khách trong và ngoài nước biết đến sản phẩm gỗ Đồng Kỵ của làng nghề Bắc Ninh – như biện bạch của những người lãnh đạo nhà hát – thì tôi thấy có cái gì đó sai sai. CafeF đưa tin trong khán phòng, có 176 bàn nhỏ và 9 bàn lớn, vị chi là 526 món gỗ Đồng Kỵ bao gồm cả ghế với tổng số tiền là 6 tỷ 300 triệu đồng ($268,000).

Xem ra dùng nhà hát để “quảng cáo” cho gỗ Đồng Kỵ là không ổn. Tính trung bình một món đồ gỗ Đồng Kỵ gần 12 triệu đồng ($500). Ai có tiền mua một món đồ gỗ Đồng Kỵ lên đến 12 triệu đồng, và liệu có bao nhiêu người thật sự thích những chế tác của làng nghề Đồng Kỵ? Dân ngoại quốc thì chắc chẳng ai nhập cảng đồ gỗ gia công ở Việt Nam nhưng chất liệu nhập từ nước thứ ba (ở đây là gỗ đỏ nhập từ Nam Phi).

Còn nữa, nhìn những bức hình bên trong Nhà hát, có thể thấy rõ ràng việc thiết kế hàng ghế không chừa lối đi dọc (aisle) là điều rất sai. Một suất diễn trong bất kỳ nhà hát cũng mất khoảng một giờ và với thời gian như thế, nếu khán giả nào muốn đi vệ sinh thì phải đi ngang hàng ghế, ảnh hưởng tầm nhìn người ngồi phía sau… Tất cả cho thấy thiết kế nội thất bên trong nhà hát không chỉ thô kệch, quá kém về thẩm mỹ mà còn sai những nguyên tắc căn bản của một nhà hát thông thường. Nó trông giống như một sân đình khổng lồ có mái che, nơi các quan bu lại ngồi xơi nước chè giải khuây sau những ngày nhọc công phân chia ngân sách!

Dân ca Quan họ Bắc Ninh ra đời khoảng thế kỷ 17, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới năm 2009. Tuy nhiên, di sản này trở nên ít nhiều mất đi giá trị khi nó được đặt bên trong một vật thể phi văn hóa như Nhà hát Bắc Ninh.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: