Nhà nước âm mưu tước đoạt mọi nguồn tiền cúng chùa, nạp vào ngân sách

Ngày 28 Tháng Tư 2021, Bộ Tài chính có ra Thông tư hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội. Điều này vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của dư luận, nhất là tăng ni, Phật tử. Vì nó tác động trực tiếp đến sự trường tồn của Tăng đoàn khi Giới Luật nhà Phật không được tôn trọng, do có một tổ chức thế tục đứng ra quản lý thu chi tài sản của tăng già.

Trước hết phải khẳng định rằng các di tích hiện nay, ngoài các đình, đền và danh lam thắng cảnh theo tín ngưỡng dân gian, còn lại đa phần có liên hệ hay gắn liền với Phật giáo trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Cho nên, đó là những di sản của Phật giáo được kế thừa qua nhiều thế hệ tăng ni Phật tử, do nhà nước hỗ trợ quản lý nhằm bảo tồn nguyên vẹn các giá trị văn hóa lịch sử, qua các giai đoạn trùng kiến.

Tuy nhiên, thực tế để duy trì hoạt động thường nhật cũng như lễ hội tại các cơ sở này, hoàn toàn do chư tăng ni tự túc. Kinh phí trùng tu, tôn tạo đều nhờ sự cúng dường của thập phương bá tánh do nhà chùa kêu gọi. Nhà nước chưa có khoản nào hỗ trợ thỏa đáng để chư tăng an tâm lo tu tập và bảo tồn di tích. Thậm chí đã xảy ra hiện tượng các ngôi chùa xếp hạng di tích xuống cấp trầm trọng, không thể chống chọi với thời gian, vẫn chưa được cơ quan chức năng quan tâm đúng mức. Nhiều nơi từng phải kêu cứu, để kịp thời sửa chữa.

Gắn liền với các di tích Phật giáo là lễ hội. Trong Phật giáo, dù một buổi cầu an, cầu siêu đơn giản được tổ chức nơi các tự viện đều gọi là lễ. Còn hội là phụ thuộc vào sự quy mô tổ chức, tùy theo truyền thống, phong tục, tập quán địa phương mà hình thành. Ngoài các lễ hội dân gian do nhà nước tổ chức, lễ hội Phật giáo luôn gắn liền với sinh hoạt chùa viện.

Cho nên, tiền công đức do tín chủ cúng dường qua các lễ hội dù bằng hình thức bỏ hòm công đức, chuyển khoản hay dâng trực tiếp cho chư tăng, đều là chi phí để duy trì đời sống tăng đoàn, từ chi phí sinh hoạt hàng ngày, cho đến đi học, thuốc thang, xây dựng chùa viện, từ thiện xã hội… Nếu Bộ Tài chính muốn tận thu tiền công đức của các di tích, lễ hội thì lấy gì tổ chức, huống chi là bảo đảm đời sống cho chư tăng ni an tâm tu học và phụng sự Tam Bảo?

Theo giới luật nhà Phật, tiền công đức là tài sản của tăng đoàn, do trụ trì bổn tự thay thập phương tăng tiếp nhận và quản lý. Dù đó là của hiện tiền Tăng Bảo, thập phương hiện tiền Tăng Bảo, đều không có quyền mua bán đổi chác, giao cho cá nhân, tổ chức nào ngoài Tam Bảo sử dụng. Vì đối tượng của bá tánh cúng dường gồm: Phật Bảo, Pháp Bảo và Tăng Bảo. Trong đó:

– Cúng dường Phật Bảo là dùng để sơn sửa, tạo tượng Phật.

– Cúng dường Pháp Bảo là dùng để in ấn kinh điển, phụng sự cho việc hoằng pháp.

– Cúng dường Tăng Bảo là dùng để xây chùa, Tăng xá hay chi phí cho đời sống Tăng đoàn.

Ngay cả chư tăng, nếu sử dụng sai mục đích cúng dường của thí chủ, khi chưa có sự đồng ý của người hiến cúng vẫn không phù hợp, trừ khi có sự Yết Ma đồng thuận của tăng đoàn. Tuy nhiên không tổ chức tăng già nào có thể vượt qua Thánh pháp và giới luật của Phật chế. Do đó, nếu thực hiện hướng dẫn dự thảo thông tư do Bộ Tài chính chủ trương về việc tận thu nguồn tiền công đức tại các di tích, lễ hội mà chủ yếu là các cơ sở thờ tự của Phật giáo thì phải có sự đồng ý của tất cả tín đồ Phật giáo trong và ngoài nước. Vì điều này hoàn toàn trái với luật Phật, xâm phạm nghiêm trọng đời sống tăng ni, cũng như trái với mục đích Hộ Trì Tam Bảo của tín đồ, Phật tử.

Vì đối tượng mà dân chúng cúng dường là Tam Bảo để cầu phước, thành tựu sự hướng nguyện, chứ không phải Bộ Tài chính. Nếu như muốn trưng dụng tiền công đức liệu Bộ Tài chính có thể thay chư tăng đứng ra làm lễ cầu an, cầu siêu cho quần chúng được chăng? Liệu có tín đồ Phật Giáo nào đồng ý việc đó?

Nên sự cúng dường là quyền tự do tín ngưỡng và quyền trao tặng tài sản hợp pháp của mỗi cá nhân mà không ai có quyền xâm phạm.

Hơn nữa, chư tăng ni cũng là công dân, phải bảo đảm được quyền tiếp nhận tài sản hợp pháp trong các giao dịch dân sự. Nếu Bộ Tài chính muốn trưng dụng nguồn thu chính của nhà chùa từ thập phương bá tánh thì trước hết nên kiến nghị đưa Phật giáo lên làm Quốc Giáo. Nhà nước phải có trách nhiệm trợ cấp 100% cho chư tăng ni từ khi mới xuất gia cho đến lúc viên tịch. Ngay cả các hoạt động xây chùa, hoằng pháp, tổ chức lễ hội v.v… nhà nước đều phải tài trợ. Ngoài ra, Phật giáo cũng không cần phải tham gia các công tác phúc lợi xã hội những khi có dịch bệnh, thiên tai, lũ lụt, v.v… vì tài chính tăng đoàn đã do nhà nước quản lý. Bên cạnh đó, phải đồng ý cho chư tăng đi khất thực trở lại, thì chư tăng sẽ không cần giữ tiền. Ngay cả chính phủ các nước mà Phật giáo là quốc giáo như Thái Lan, Bhutan hiện nay cũng không can thiệp sâu sắc vào đời sống tăng đoàn như vậy.

Sở dĩ, tăng ni Phật tử lên tiếng phản đối vì dự thảo này ảnh hưởng đến sự tồn vong của Phật giáo. Dù thông tư được ban hành, bá tánh cũng không đồng lòng cúng vào ngân khố nhà nước vì họ đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân thông qua việc đóng thuế đầy đủ. Không những vậy, đời sống tăng ni đã khó khăn lại càng khó khăn. Thực trạng ấy sẽ làm lão hóa tăng già, vì không còn ai dám xuất gia để kế thừa, trước thực trạng đời sống xuất sĩ bị bức ngặt.

Bởi người xuất gia vì lý tưởng giải thoát sanh tử, không ngoài mục đích: “Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh”. Cho nên, đâu thể trái di phong của chư Tổ là: “Sa Môn Bất Bái Vương Giả”, huống chi lại cam tâm làm điều trái với luật nghi khi tóc còn để chỏm, đó là: “Phải giữ của Tam Bảo như giữ tròng con mắt của mình” (Sa Di Luật Giải).

Nên việc góp ý thông tư chẳng phải vì tham tiếc vật chất thường tình mà chính là bảo vệ con mắt Chánh Pháp, duy trì Thế Gian Trụ Trì Tam Bảo. Hơn nữa, đó là lòng từ bi ngăn ngừa cái ác, tránh cho người khác trả quả báo lạm dụng của thường trụ. Vì kinh Đại Bi nói: “Tội này ngàn Phật ra đời, Bồ Tát Văn Thù cũng không thể cứu”.

Vì Bộ Tài chính không phải là Tam Bảo nên không có quyền trưng dụng giáo sản của Phật giáo. Nhà nước tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân thì không thể ép chư tăng làm trái luật Phật, cũng như buộc tín đồ Phật giáo phải cung ứng tài sản cho quốc khố, thông qua hình thức Hộ Trì Tam Bảo. Nếu thông tư này được thi hành, chắc chắn sẽ bị sự phản đối mạnh mẽ của tín đồ Phật giáo, vì đó là hành vi xâm phạm các quyền lợi cơ bản của con người, hoàn toàn không hợp Hiến pháp và luật pháp.

Là Phật tử, nhất định phải lên tiếng phản đối việc quốc hữu hóa tài sản của tăng đoàn. Nếu tiền công đức bị Bộ Tài chính quản lý thì chắc chắn sẽ không sử dụng vào mục đích Hộ Trì Tam Bảo. Đã là tịnh tài thập phương bá tánh tự nguyện hiến cúng, để lo Phật sự, thì không ai có quyền xâm phạm. Tăng đoàn có giới luật của Phật chế. Không có luật nào cao hơn Luật Phật. Khi Chánh Pháp không được tôn trọng và tuyên thuyết thì các hội, nhóm nhân danh Phật giáo chẳng còn xứng danh là bậc Chúng Trung Tôn. Các lễ hội truyền thống Phật giáo được kế thừa là vì nâng cao đời sống tinh thần, nhằm duy trì đạo đức và văn hóa xã hội chứ không thể biến thành nguồn thu lệch lạc của Bộ Tài chính!

Do các tôn giáo khác xuất hiện ở Việt Nam chậm trễ, nên không có nhiều di tích như Phật giáo, cũng như từ “công đức” là thuật ngữ riêng của nhà Phật. Cho nên, đây là Dự thảo Thông tư hoàn toàn gây bất lợi cho Phật giáo. Tất nhiên Bộ Tài chính có thể thu tiền tại các cơ sở tín ngưỡng thờ tự dân gian như đình, đền, miếu, không có đơn vị quản lý, để chăm lo đời sống tinh thần nhân dân, tránh tình trạng “buôn thần, bán thánh”. Còn đối với những cơ sở thờ tự, di tích thuộc Phật giáo, nếu nhà nước muốn quản lý thu chi, thì phải có sự đồng thuận của tăng ni Phật tử. Vì đó là quyền lợi chính đáng của Phật giáo để duy trì mạng mạch Chánh Pháp trong tương lai. Nếu Phật tử không lên tiếng phản đối dự luật trưng dụng tiền công đức của Bộ Tài chính có nghĩa là mặc nhiên để Phật giáo diệt vong, đời sống chư tăng ni thêm khốn khó và vĩnh viễn quý vị mất đi cơ hội gieo ruộng phước điền đúng nghĩa.

Lẽ ra, các di sản của Phật giáo phải để Phật giáo tự quản lý, nhà nước chỉ mang tính chất bảo hộ vì đó là giáo sản của Phật giáo. Cho nên, tăng ni Phật tử phải có quyền kế thừa, gìn giữ và phát triển. Hơn nữa, đứng về góc độ du lịch tín ngưỡng đây là nền kinh tế đặc thù của Phật giáo. Trong khi nguồn lợi ấy được nhà nước tận dụng thì tại sao tăng ni Phật tử phải trả tiền mua vé chiêm bái các Thánh tích Chùa Hương, Núi Yên Tử… mỗi khi về thăm lại chốn tổ của mình?

Chùa là nơi để tu học, chư tăng ni xuất gia vì lý tưởng giải thoát. Không thể biến nhà chùa thành trụ sở hành chánh, không thể biến lễ hội Phật giáo như cái máy in tiền, còn tăng ni thành ông từ giữ chùa, chịu sự quản lý thu chi tài chánh của thế tục. Hệ quả trưng dụng giáo sản của Phật giáo qua dự luật trên chẳng khác nào bóp chết Phật giáo bằng sự “thế tục hóa Phật Giáo”, điều này chưa từng xảy ra trong suốt hơn 2000 năm lịch sử Phật giáo Việt Nam, nếu không kể đến việc vua Lê Long Đĩnh róc mía trên đầu sư, để lại tiếng nhơ muôn thuở. Nếu Bộ Tài chính bòn rút của tăng đoàn thì đó là nỗi uất hận ngàn trùng cho tín đồ, Phật tử.

Làm suy kiệt Phật giáo, tức là tạo nguy cơ cho dân tộc, vì đạo Phật là đạo của dân tộc. Giữa lúc đại dịch đang hoành hành, Dự thảo Thông tư tận thu tiền lễ hội, công đức khác nào tạt một gáo nước lạnh vào sự đóng góp của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam trong cơn đại dịch. Rất mong chư tôn đức tăng ni, ban trị sự các tỉnh, thành trực thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng quý Phật tử đồng loạt lên tiếng vì sự tồn vong của Chánh Pháp và tương lai của dân tộc.

Bài viết của Điều Ngự Tử. Tựa gốc “Cần lên tiếng để bảo vệ đời sống của  tăng đoàn”

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: