Nhật ký phong thành (số 2): Chuyện cách ly

5K giờ được dịch là: không thuốc, không khám, không bác sĩ, không biết, không được ra!

Ngày thứ hai cấm cửa dân Sài gòn, xảy ra đầy những chuyện tréo ngoe. Sáng sớm, ngoài đường cũng như trên các trang mạng đầy những hình ảnh dân chúng đi lại, bị các thành phần dân quân tự vệ, cảnh sát, trật tự phường… chặn lại, hỏi gắt về sự “chính đáng” và “thiết yếu” của quyền ra phố. Người hoa tay múa chân giải thích, người có đưa giấy tờ cũng không xong, và có người bị rơi vào hoàn cảnh bị phạt đủ thứ tiền, tịch thu cả xe đến méo miệng.

Nhưng để đó, từ từ cho kỳ sau, vì nó cũng dài dòng, đáng để buồn và cười lắm. Tạm thời, cứ ghi lại chuyện cách ly, như lời hẹn đã. Dân Sài Gòn bị đưa đi cách ly, chuyện không là mới, chỉ mới ở chỗ là nhiều điều trong khu cách ly đến giờ mới biết, gây bất ngờ không ít cho dân tình.

Hồi cuối Tháng Năm 2021, một người đi cách ly thoát ra, đưa lên mạng, cho coi tờ tính tiền 14 ngày cách ly, cộng các chi phí xét nghiệm đưa đón, là gần 6,500,000 đồng (khoảng $300, gần bằng một tháng lương của người làm công nhật). Nhiều người giật mình, nói nếu cả gia đình bốn người đi cách ly, kiểu này thì tiêu, không biết có tiền đâu mà trả. Cũng có người nói cầu may, biết đâu là phiếu cách ly này là tính tiền cho người nước ngoài về, chứ không phải cho người Việt Nam.

Đầu Tháng Bảy, một anh phụ hồ đi làm mỗi ngày từ Đồng Nai vô Sài gòn, bị chặn lại xét nghiệm đến 734,000 đồng, trong khi công việc chưa tới 500,000 đồng/ngày. Cầm tờ biên lai tính tiền, anh hét lên trong bản video đăng trên tiktok “bóp cổ dân, giết dân hay để an toàn đây?”

Giống như giọt nước tràn ly, nhiều chỗ cách ly bắt đầu gửi tin ra ngoài, nói cho biết các khu cách ly của họ giống như những trại giam lỏng: chỉ có nhân viên bảo vệ, không y tá, bác sĩ chăm sóc, không thuốc men, không xét nghiệm… thậm chí có nơi không có điện, quạt trong thời tiết nóng bức của mùa hè Việt Nam.

Trong một nhóm trò chuyện của người bị cách ly (hơn 300 người) và bác sĩ tại một khu cách ly có tên H2, ở Sài Gòn, người ta chuyển ra một tin nhắn đến rợn người. Nội dung gửi đến vị bác sĩ tên Thuấn – có lẽ là người phụ trách ở khu đó: “Bác sĩ thông cảm cho chúng tôi, chúng tôi cách ly đến giờ phút này là đã 45 ngày rồi. 45 ngày không biết đến gia đình ngoài kia như nào nữa, mà bây giờ bảo chúng tôi phải chờ, chờ đến khi nào nữa bác sĩ?”.

Không thấy vị bác sĩ đó trả lời, mặc dù bên dưới vẫn còn lời van nài về việc trả họ về nhà. Thật khó hiểu. Có cái gì đó đang diễn ra rất mù mờ về chuyện cách ly. Có nơi là thí điểm tuyên truyền, được giới thiệu trên báo, đầy lạc quan và đáng tin cậy. Nhưng có không ít nơi đang có tiếng chòi đạp của người bị đưa đi cách ly như một kiểu đưa vào ghetto Do Thái thời Đệ nhị Thế chiến, để kiểm soát đầy mệnh lệnh chính trị, hơn là để chăm sóc sức khỏe.

Trong một tin nhắn khác, được tải lên các trang mạng, cho thấy những phần ăn 80,000 đồng/ngày ở khu cách ly tại Củ Chi không thể nào nuốt nổi, phải bỏ vào thùng rác. Những người trong nơi cách ly nói họ chỉ còn trông mong vào thức ăn gia đình gửi vào.

Một bạn tên H, cho biết bị cách ly đến ngày thứ 10 ở khu chung cư đang xây dang dở tại Thủ Đức. Phòng của bạn chứa ba người, nguyên khu đó chắc cũng 300-400 người. Bạn kể là người cùng phòng trọ nhiễm Covid, nên bạn bị gom đi cách ly luôn. Sẵn đang ốm yếu và có lao phổi (tức có bệnh nền), bạn H. sốt nặng, khó thở và lo liên tục trong ngày đầu. Gọi bác sĩ theo số được cho, thì lúc bị ngắt máy, lúc bận máy, lúc reo không ai nghe. Nhắn tin cũng không trả lời.

Ngày hôm sau lại gọi, may mắn đầu dây bên kia có tiếng đáp. Khi nghe kể về tình trạng bệnh, sốt, bác sĩ trả lời đơn giản: “Ở đây chỉ là khu cách ly, nếu bị sốt hay gì thì kêu người nhà gửi thuốc vào uống. Lúc nào chuyển biến nặng thì gọi báo bác sĩ sẽ đưa đi, chứ không lên khám được”.

Bạn H. cho biết chị gái của bạn, bị cách ly gần đó thì được đối xử có vẻ tử tế hơn. Khi sốt quá, người ta có cho hai viên thuốc cảm Panadol, rồi thôi. Nghe mà bần thần. Hầu hết người bị đưa đi cách ly ở Sài Gòn, bị coi là có nguy cơ lây nhiễm loại virus chết người, và có thể bị chết vì loại virus đó. Nhưng kiểu đưa đi cách ly trong những tháng gần đây, cho thấy giống như là gom dân bị nghi là lây nhiễm vào một chỗ, rồi phó mặc cho định mệnh sinh tồn Việt Nam. Quan trọng là giữ yên họ trong đó, không cho thoát ra. Bạn H. gửi một mặt cười vào tin nhắn, và nói đành “tự sinh, tự diệt” vậy.

Thật khó tin được với nhiều lời kể khác nhau, đang lan nhanh trên mạng xã hội, khi một phía là hình ảnh trên báo chí, rùng rùng nhân viên mặc đồ bảo hộ y tế, tay cầm đủ loại dụng cụ và hết sức tận tâm, chuyên nghiệp. Một phía khác thì nhếch nhác và ơ thờ. “Họ kêu sẽ tự hết, có đề kháng trong người”, bạn H. lại cười.

Bạn H. trải qua 10 ngày “tự sinh tự diệt” như vậy, sống lại và bắt đầu liên lạc khắp nơi để đối chiếu tình trạng của mình, rồi thấy ai cũng như mình nên ngậm ngùi im lặng. Chẳng phải chính phủ đang kêu gọi chung tay chống dịch sao? Im lặng chấp nhận giờ đây cũng là một loại chung tay vậy.

Trương mục của chị Hạnh Quỳnh Lê trên facebook, đưa lên video mô tả khu cách ly của chị tại Trường Trung học Cơ sở Phú Lợi, quận 8, Sài Gòn, cho thấy rác ngập ở nhiều góc, người cách ly nằm đất la liệt và không có gì ăn. “Nhiều người sốt, có ca em bé sốt 40 độ mà gọi bác sĩ không ai đến”, chị Hạnh Quỳnh Lê nói trên trang của mình. Trong ngày 10 Tháng Bảy, bản video này như nước tràn vào khắp cánh cửa nhà của người đang còn chưa bị đưa đi cách ly. Nhiều người coi hình ảnh – gọi là phương pháp cách ly – để mặc những người nhiễm Covid nằm chỏng trơ ở mọi nơi, và phó mặc cho số mạng, ai nấy đều giật mình.

Trong những câu chuyện về dịch bệnh từ thời hàng ngàn năm trước, có nghe kể rằng thổ dân châu Mỹ, khi đối mặt với dịch bệnh, bắt gặp có người bị bệnh, họ lôi ra khỏi làng, và đưa đến một hẻo lánh, bỏ nằm đó. Nếu đủ sức vượt qua, người đó sẽ được trở về nhà theo thời gian một con trăng tròn, tháng sau đó. Còn không thì đành chịu chết, và bị lãng quên.

Nghe có giống như những trại cách ly hôm nay không?

À quên, ngay cả thời mông muội thổ dân ấy, cũng có điều giống hơn nữa. Là nếu tù trưởng hay chức sắc trong làng bị nhiễm bệnh, họ được đặc quyền không cần phải đi ra khỏi làng, mà mọi nguồn lực cúng bái tà ma, mọi thầy mo được triệu tập đến để mong chữa cho họ mau khỏi, để lại làm người lãnh đạo.

*****

– Đọc thêm:

Nhật ký phong thành (số 1): “Ai đang giỡn mặt nhân dân?”

– Đón xem Nhật ký phong thành (số 3): SÀI GÒN BAO NHỚ!

***

Các bạn độc giả ở Sài Gòn hãy chia sẻ với chúng tôi tất cả những gì các bạn đang trải qua vào lúc này, những gì các bạn không thể nói trên mạng xã hội bởi sự kiểm soát thông tin gay gắt của chính quyền. Các bạn ở nước ngoài có người thân hoặc bạn bè đang sống trong cảnh nghẹt thở tại Sài Gòn cũng có thể kể với chúng tôi những gì mà các bạn được thuật lại.

Vui lòng gửi về: [email protected].

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: