Những câu hỏi treo trên đầu đại án thảm sát Đồng Tâm

Sự kiện kinh hoàng Đồng Tâm: Cần phải được nhắc lại
Sáng ngày 8-3-2021, TAND cấp cao tại Hà Nội mở phiên phúc thẩm xét đơn kháng cáo của sáu bị cáo: Lê Đình Công (57 tuổi), Lê Đình Chức (41 tuổi), Lê Đình Doanh (33 tuổi), Nguyễn Quốc Tiến (41 tuổi), Bùi Viết Hiểu (78 tuổi) và Bùi Thị Nối (63 tuổi) trong vụ án “giết người”, “chống người thi hành công vụ” xảy ra tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội (ảnh: báo TT) – KẾT LUẬN: Y ÁN SƠ THẨM!

Tính đến ngày 9 Tháng Một 2022, sự kiện chấn động Việt Nam liên quan việc chính quyền Hà Nội tấn công tàn bạo vào làng Đồng Tâm và bắn chết ông Lê Đình Kình đã tròn hai năm. Thời gian trôi đi. Dư luận dù rất phẫn nộ vào thời điểm đó bây giờ ít người còn nhớ. Chính quyền đương nhiên không bao giờ muốn người dân nhớ. Tuy nhiên, chúng ta không nên để những vết nhơ cộng sản như thế này chìm vào quên lãng. Sự kiện Đồng Tâm và cái chết của ông Lê Đình Kình cũng như phiên tòa kết án tử cho những người trong gia đình ông cần được nhắc lại. Mời đọc lại bài viết dưới đây (đã được đăng trên Saigon Nhỏ cách đây một năm). Những câu hỏi trong bài viết vẫn còn nguyên giá trị của nó.

Trong sự kiện Đồng Tâm, nhà cầm quyền đã bắt hàng chục người, đặt ra nhiều mức án tàn nhẫn với người già, thanh niên như một cách trả thù cho việc không trả lời được về mặt pháp lý, với âm mưu muốn cướp mảnh đất đồng Sênh của người dân.

Không phải việc xung đột với nhà cầm quyền và người dân về quyền sở hữu đất đai chỉ mới có với người dân Đồng Tâm. Trước đó đã có vụ án Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng, Dương Nội với gương mặt đại diện như bà Cấn Thị Thêu… nhưng đến Đồng Tâm, sự xung đột đến từ quyết tâm nhà cầm quyền kiêu ngạo mới thật sự lên cao trào, khi chính quyền muốn chứng minh thế lực và quyền cai trị của mình, bất chấp lời kêu gào của hàng trăm người ở Đồng Tâm muốn có những phiên tòa xét công khai, bằng chính các chứng cứ pháp lý mà họ đã có.

Hai lần, Tháng Tư 2017, khi người dân trình bày lẽ phải thuộc về mình, công an Hà Nội dưới quyền của chủ tịch Nguyễn Đức Chung (vốn xuất thân từ giám đốc công an) đã bắt cóc và đánh cụ Lê Đình Kình hơn 80 tuổi đến gãy chân, thương tật vĩnh viễn. Người dân Đồng Tâm tiếp tục đòi ra tòa để phân xử về đất đai và bồi thường cho người thủ lĩnh tinh thần của họ. Nhưng đến chính quyền im lặng và đến rạng sáng ngày 9 Tháng Một năm 2020, họ lại đem 3,000 quân đột kích vào Đồng Tâm, bắt và đánh đập nhiều người, bắn chết cụ Lê Đình Kình (84 tuổi) ngay trong nhà của ông.

Mặc dù mở ra nhiều hướng ngôn luận lấp liếm và vu cáo cho người dân Đồng Tâm bằng cả một hệ thống truyền thông chính trị khổng lồ suốt một thời gian dài, nhưng công an Việt Nam vẫn không thể che mắt được thế giới và tất cả những người quan tâm về sự kiện này. Nhà văn Nguyên Ngọc đã gọi đây là một “tội ác trời không dung đất không tha”. Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao thì đặt câu hỏi rằng “Nhiệm vụ gì? Mà một lực lượng hơn 3,000 người vũ trang tiến vào làng khi người dân đang ngủ yên?”. Khắp nơi từ trong và ngoài nước, đã có rất nhiều câu hỏi đặt ra với chính quyền về vụ thảm sát này. Thế nhưng không có lời đáp nào từ bộ máy nhà nước.

Dưới đây là vài câu hỏi chính mà nhà cầm quyền Việt Nam cần trả lời trực tiếp và cụ thể, chứ không thể né tránh dưới máu và nước mắt của người dân Đồng Tâm.

Tòa án nào đã đưa ra lệnh cưỡng chế hay tấn công vào dân làng Đồng Tâm? 

Ai là người đã đồng ý để thực hiện vụ tấn công này? Sự kiện cần nhớ, là vào lúc rạng sáng (từ 3g sáng ngày 9 Tháng Một), công an đã mở đầu đánh chiếm xã Đồng Tâm, nơi không hề có bất kỳ phòng tuyến kháng cự nào, và lệnh bắt người ở nơi đó diễn ra hỗn loạn, không có lệnh bắt hay quyết định pháp lý nào. Việc tấn công làng Đồng Tâm không hề có một căn cứ pháp lý nào cả. Báo chí nhà nước thì đồng loạt gọi ông Kình là “kẻ cầm đầu nhóm phiến loạn”, nhóm “khủng bố”… nhưng lại không có một cơ quan pháp luật nào khẳng định điều đó. Điều đó cho thấy 3,000 cảnh sát cơ động không thể tổ chức tấn công và giết người từ những dư luận linh tinh, từ những tin đồn. Liên tục sau sự kiện, ba lần giải thích của Bộ Công An bất nhất, đều cho thấy cuộc tấn công vào thôn Hoành không hề có lệnh của tòa án, viện kiểm sát hay công an…

Nhà văn Nguyên Ngọc nói: “Kịch bản của cuộc tấn công cho thấy rõ: họ cô lập mọi gia đình chung quanh nhà ông Kình, dùng thuốc nổ phá cửa, tấn công bắt người và tra tấn, và giết. Người ta tìm thấy một cái bao đầy quần áo đầy máu, mà chúng dùng để lau dọn phi tang vụ tra tấn. Sau đó chúng dùng súng bắn vào ông. Cái phát súng bắn vào tim đó – tôi là bộ đội, tôi biết rõ – vết thương cho thấy phát súng đó bắn gọn, bắn rất gần, kê thẳng vào ngực mà bắn. Vết đạn sắc gọn, không nở toét ra như bắn từ xa. Họ còn bắn thêm vào đầu, bắn vào chân”.

Đây là một sự kiện kinh hoàng, lan rộng đến tin tức của thế giới, nhưng lại vô cùng bí ẩn, vì đến giờ, cả nước Việt Nam, không người dân bình thường nào có thể biết được ai là kẻ chủ mưu hay là người đưa ra kế hoạch điên cuồng này, thậm chí suốt một năm nay cho đến khi lệnh tập kích có tên gọi là “Kế hoạch 419a” được tiết lộ. Luật sư cũng như tất cả những người quan tâm về sự kiện này vẫn đang đòi hỏi Bộ Công an phải trả lời rằng: Chủ trương tàn bạo đó là từ ai, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hay chỉ từ Bộ trưởng Công an Tô Lâm?

Mù mờ chung quanh cái chết của ba nhân viên công an tấn công vào xã Đồng Tâm

Nhân dân đòi làm rõ nhưng công an thì chối quanh. Phía công an nói hai ông Lê Đình Công và Lê Đình Chức đã đẩy những chiến sĩ công an này xuống một hố sâu bên hông nhà, sau đó đổ xăng xuống thiêu sống những người này. Đây là mấu chốt của những mức án tử hình mà tòa đưa ra, và cũng là nội dung nhằm kích động với người dân bên ngoài về cái gọi là “tội ác”. Thế nhưng mọi chứng tích về điều này cũng như chứng lý cho lời kết tội, công an đều không đưa ra được. Cũng không ai làm chứng cho thấy việc hai người nông dân có thể đối phó với ba công an như vậy.

Ba chiến sĩ hy sinh như thế nào? Có trời biết! (ảnh MXH)

Điểm mờ ám nhất là phía công an đã vội vã an táng bí mật và nhanh chóng những thi thể mà không có biên bản pháp y nào trưng ra. Có đến 14 luật sư đã yêu cầu tòa án phải thực nghiệm lại hiện trường để xác minh những lời kết tội đối với những người nông dân Đồng Tâm nhưng chính quyền thì luôn bác bỏ, thậm chí trong đó lời bác bỏ trơ trẽn nhất, được tổ chức lập đi lập lại đó là “vì lý do nhân đạo”. Nói trong một cuộc phỏng vấn với BBC, tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao đặt câu hỏi rằng: “Công an có nhiệm vụ là để bảo vệ nhân dân. Vậy thì ba chiến sĩ công an đó nửa đêm đi vào làng, leo lên nóc nhà của người ta làm gì, theo lệnh của ai, để chết một cách đau đớn như vậy?”.

Vì sao phải xông vào nhà bắn chết một người già 84 tuổi, đang phải ngồi xe lăn…

… và lục soát và lấy đi mọi của cải cũng như giấy tờ liên quan đến quyền sở hữu Đồng Sênh đang tranh chấp? Nhiều câu hỏi về mặt nghiệp vụ của công an không được trả lời ở đây là ai đã bắn cụ Kình, và vì sao phải bắn? Cũng như lấy cắp tài sản và giấy tờ của nhà cụ Kình, rồi ngăn chặn tiền quyên góp phúng điếu đến cho gia đình cụ. Đó là chưa nói đại diện của Bộ Công an là Thiếu tướng Tô Ân Xô còn lên giọng phỉ báng cụ Kình là một loại “cường hào địa chủ mới”, tạo cớ cho hệ thống truyền thông độc quyền của nhà nước sỉ nhục người dân Đồng Tâm và gia đình cụ Kình. Hành động này nhắc cho người ta nhớ rất nhiều về việc những người cộng sản đã giết chết bà Nguyễn Thị Năm ở Hà Nội vào những ngày cải cách ruộng đất.

Bà Năm hay cụ Kình có một điểm chung. Họ là những người đi theo phục vụ cách mạng hoặc giúp đỡ cho cách mạng. Nhưng rồi sau đó, họ bị chọn để giết chết, làm gương cho một giai đoạn trấn áp và cầm quyền của hệ thống cộng sản. Và mặc dù đã giết sai, làm sai, nhưng hệ thống phục vụ tay sai cho tuyên truyền được lệnh phải liên tục chửi rủa, vu vạ, dựng lên những câu chuyện tồi tệ về nạn nhân. Từ bà Năm (vào năm 1945) cho đến cụ Kình (chuyện của năm 2020), vấn đề được đặt ra rằng, không hề có câu hỏi nào từ thắc mắc của người dân về tính minh bạch lẫn chính đáng của việc giết người, mà được chính quyền trả lời. Đáp lại chỉ có những tiếng reo hò thao túng vô nghĩa từ bọn thủ ác.

Điều không thể hiểu nổi trong cái gọi là luật pháp của Nhà nước XHCN là khi bà Dư Thị Thành, vợ của ông Lê Đình Kình nộp đơn đòi làm rõ việc bà chứng kiến chuyện công an cộng sản Việt Nam bắn chết chồng bà ngay tại phòng ngủ của ông, hệ thống cầm quyền trả lại, với lý do rằng bà không có chứng cứ để nói được điều như vậy.

Trên đây chỉ là ba câu hỏi đơn giản gửi đến công an và chính quyền Hà Nội về việc bắn chết một công dân và áp đảo tinh thần của cả một quốc gia về việc tùy tiện sử dụng vũ lực không cần thiết. Khi nào những câu hỏi này còn chưa được trả lời minh bạch thì lúc đó giá trị và bộ mặt của những người cầm quyền Hà Nội  vẫn tiếp tục được gọi tên bằng những ý nghĩa tồi tệ nhất trong mắt nhân dân.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: