Những con dao không lưỡi

Dao không lưỡi thì có gì đáng sợ? Chính cái lưỡi dao mới làm đổ máu chứ? Ngược lại, có những con dao vô hình lại làm người chết không có máu, không có hung khí gây án, không có bất cứ hình thức pháp y nào nhận ra, vì nó là những con dao không lưỡi, giết người âm thầm nhưng đau đớn hơn những con dao có lưỡi rất nhiều.

Về lý tính, khi bị dao có lưỡi đâm vào cơ thể người ta đau lắm nhưng cái đau ấy chỉ diễn ra vài phút từ lúc bị đâm cho đến lúc chết. Còn con dao không lưỡi đâm vào cơ thể người ta âm thầm nhưng rất hiệu quả. Nó xuyên qua tim, qua trí não, qua những đêm mất ngủ… Nó đâm từ từ vào con người, âm thầm nhưng chắc nịch, không thể trốn chạy. Nó vừa đâm vừa khoét vào người bị đâm một cách tàn nhẫn.

Con dao có lưỡi chỉ một người sử dụng, trong khi đó con dao không lưỡi được nhiều bàn tay “góp phần” vào cái chết của người bị chúng đâm xuyên. Những bàn tay ấy đầy dẫy trong xã hội hôm nay, từ một tay trưởng thôn tới một chủ tịch xã lên trên nữa là bộ trưởng, là Bộ Chính trị, là Ban Bí thư….

Vụ dao không lưỡi mới nhất là cô giáo ở Bình Định, bị dao đâm ngày ngày, giờ giờ, qua chuyện cô đi dạy học, đau quá không chịu nỗi cuối cùng cô phải uống thuốc độc tự sát để lại bức thư gây xúc động cho toàn xã hội. Thi thể cô giáo Võ Thị Hồng Phúc (33 tuổi, quê huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) được một số người chăn bò ở bãi đất gần chợ Dinh (phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn, Bình Định) phát hiện. Cô để lại bức thư tuyệt mệnh:

“Sau những áp lực công việc mà giáo viên phải làm lên lớp, giảng dạy, chủ nhiệm, kế hoạch bài dạy, ra đề thi, chấm kiểm tra, ráp phách và sau cùng so điểm, hồi hộp không biết có tên mình sai sót trong đó không. Trong khi thời gian quá ít mà lượng công việc quá nhiều. Bao nhiêu thứ giáo viên là người chịu. Những công việc trên em đều làm được hết. Cẩn thận được hết. Nhưng có một việc mà em không thể chấp nhận được đó là điều khiến em phải ra đi hôm nay”.

Chỉ 33 tuổi, lứa tuổi của tràn trề sinh lực, lứa tuổi của nhiều hoài bão, tâm tư… Tất cả bị nghiền nát dưới gót giày của Bộ Giáo dục. Ai có đi dạy mới hiểu cách thức mà Bộ Giáo dục gây áp lực lên thầy cô giáo đứng lớp kinh khủng như thế nào. Một nhà giáo viết trên Facebook của mình:

“Với tôi, có lẽ trên mặt đất này không nơi đâu đáng sợ và khủng khiếp bằng các trường học hiện nay. Từ những áp lực vô lý vô nghĩa, ngột ngạt, bất công, rắc rối, lạnh lẽo, nó gây nên nỗi bức xúc, buồn bã, mỏi mệt, sợ hãi, giận dữ, trộn lẫn với những ước mơ, khát vọng và vô vọng, làm thành một cái không khí mà nếu ta còn chút nhạy cảm với đời sống, nhạy cảm với con người thì ta sẽ không thể nào chịu đựng nổi.”

Những áp lực ấy là gì? “Là giao lưu ban ngành đoàn thể, liên hoan văn nghệ văn gừng, thậm chí… tiếp khách như chúng ta từng đọc trên báo. Việc mà cựu Bộ trưởng Nhạ nói rằng các thầy cô nên xem lại mình trước. Nghề giáo chưa bao giờ gặp nhiều áp lực như hiện tại, áp lực từ phụ huynh, nhà trường, bộ môn, thi cử, chuyên môn. Áp lực lớn nhất có lẽ là nỗi sợ hãi điều chuyển, phân công… Đồng lương ít ỏi, thu nhập tăng thêm nằm ở thi đua và bình xét. Và chính ở đây họ sẽ gặp một áp lực khác, bị xé lẻ và không dám phản kháng; bị gạt ra ngoài lợi ích hoặc cô lập, trù dập.”

Phụ huynh góp phần vào áp lực ấy không ít khi luôn lên án việc thầy cô giáo một cách bỗ bã, thậm chí bạo hành với cả thầy cô giáo trước sân trường, trước mặt học sinh, trong khi họ không hề biết rằng muốn được vào dạy trong một ngôi trường tương đối có tiếng tăm thì cô, thầy giáo mới ra trường phải tìm đến hiệu trưởng trước tiên. Đến không phải để nộp resume mà là nộp tiền “biết điều”.

Một thầy cô giáo tốt sẽ bị những áp lực nói trên chi phối. Nó giống như những con dao không lưỡi ngày ngày rạch vào trí não vào tim óc… và cái chết xảy ra là tất yếu nếu không chấp nhận sự thỏa hiệp. Khi người ta không còn lối thoát thì sự giải thoát duy nhất chỉ là cái chết. Câu cuối cùng trong bức thư tuyệt mạng, cô giáo tuyên bố lời gan ruột đã dẫn đến cái chết của mình:

“Em mong khi em đi rồi, tuyệt đối không cho một ai là giáo viên đến viếng em. Nếu em được sống các kiếp tiếp theo, em không bao giờ ước một cái nghề cao quý này cả, thật kinh tởm”.

Từ ngàn xưa, học trò đã được dạy tôn sư trọng đạo, bởi vì người thầy trong Khổng Tử giáo có một vị thế đặc biệt: Quân – Sư – Phụ. Vua, Thầy rồi mới tới Cha. Ngày nay câu nói ấy đã bị quên lãng nhưng sự kính trọng người thầy trong trường học vẫn trọn vẹn như xưa ở hầu hết các nước trên thế giới. Chỉ có Việt Nam là khác. Vì Bộ Giáo dục Việt Nam đã trực tiếp làm cho vị thế người thầy bị hạ thấp một cách thảm hại. Người thầy không khác gì một bà bán hàng ngoài chợ, một viên chức nhà nước sốt sắng trong cách giữ chỉ tiêu thi đua, một nhân viên giữ trẻ và có lẽ kiêm luôn chạy sô khi len lén dạy thêm ngoài giờ.

Chưa hết, Việt Nam còn nhiều con dao không lưỡi khác, ngoài Bộ Giáo dục. Cứ có Bộ thì có dao giết dân. Bộ Giao thông Vận tải có BOT thu tiền dân một cách dơ bẩn; Bộ Tài nguyên Môi trường trực tiếp lấy đất của dân trao cho các nhóm lợi ích gây ra cái chết cho hàng ngàn dân oan. Bộ Tư pháp có những phiên tòa ức hiếp dân là chính. Còn Bộ Y tế: Giết dân bằng những con dao có tên viện phí.

Tin mới nhất sau cái chết của cô giáo ở Bình Định là cái chết thương tâm của vợ một người nghèo điển hình trong những điển hình của người dân Việt. Bài báo Không có tiền đóng viện phí, chồng giết vợ rồi tự sát kể lại, vào ngày 26 Tháng Chín, Tòa án Nhân dân TPHCM xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Huỳnh Quang Đạt (56 tuổi, ngụ TPHCM) bảy năm tù về tội Giết người. Theo nội dung vụ án, Đạt và bà U. là vợ chồng. Bà U. bị bệnh nặng phải điều trị tại một bệnh viện ở quận 8, Sài Gòn. Nhưng do nghèo quá không tiền nộp viện phí cho vợ, ông Đạt dùng điện giật vợ chết trước rồi sau đó cầm điện giật chính mình nhưng may cho ông, người chung quanh thấy nên cắt cầu dao. Ông thoát chết nhưng phải… ở tù bảy năm vì tội giết vợ.

Con dao Bộ Y tế dường như bén hơn dao của Bộ Giáo dục. Cô giáo chọn cách tự tử sau nhiều năm đứng lớp, còn ông bà Huỳnh Quang Đạt chỉ nhập viện vài tháng thì xảy ra chuyện đau lòng. Lỗi không phải do hai vợ chồng ông bà Đạt mà lỗi ở hệ thống cầm quyền. Cái hệ thống bén hơn dao trong các vụ tham nhũng bạc tỷ nhưng lại thờ ơ trước các vấn nạn xã hội mà chính nó là nguồn cơn. Nếu công chính và biết lo cho dân thì nó phải có chương trình an sinh xã hội tối thiểu để giải quyết những trường hợp cực kỳ khó khăn tương tự.

Cái hệ thống ấy xem người dân như giẻ rách trong khi đám cán bộ mới đáng được nâng niu. Bệnh viện chỉ dành riêng cho cán bộ. Việc có những nhóm chuyên gia y tế chỉ phục vụ cán bộ cao cấp trong Bộ Chính trị cho thấy tính chất kỳ thị người dân lộ liễu đến mức nào. Những con dao không lưỡi được mài bén trong mọi phòng ban của nhà nước. Chúng ta không còn ngạc nhiên khi nghe những cái chết tương tự.

Không ngạc nhiên nhưng đau lòng. Đau vô cùng! Đau quá, đồng bào tôi ơi!

____________

Bức thư tuyệt mệnh của cô giáo: Nếu có kiếp sau không bao giờ chọn nghề dạy học

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: