Những cuộc “ăn mày dĩ vãng” bất tận

Thời Sự
Thời Sự
Những cuộc “ăn mày dĩ vãng” bất tận
/

Trên thế giới chỉ những nước cộng sản, trong đó hẳn nhiên có Việt Nam, mới có phong trào xây dựng tượng đài. Chúng đều có chung đặc điểm: Vinh danh chiến công của một thời kỳ, vinh danh lãnh tụ và ngốn tiền ngân sách.

Liên Xô cũ và Trung Quốc đi đầu trong việc xây dựng tượng đài. Sau khi Liên Xô sụp đổ, hàng trăm ông Lenin chổng vó lên trời, hàng trăm ông Stalin khác cùng chung số phận. Riêng Trung Quốc không ông nào bị đè đầu, thậm chí ông Mao còn được Tập Cận Bình vinh danh hơn những lãnh đạo trước đó. Mao được đánh bóng, suy tôn và phía sau những lời lẽ mạnh mẽ của tuyên giáo là những âm thầm chống đối, nói xấu hay bài bác của người dân Trung Quốc.

Ở Việt Nam thì khác, tượng đài đã, đang và sẽ là mục tiêu hàng đầu của nhiều thành phố, tỉnh thành khắp nước. Đảng khẳng định tượng đài là “mục tiêu chính trị”, vì vậy không nên ngạc nhiên khi bất cứ thành phố, huyện, xã thậm chí đến thôn cũng có tượng đài Hồ Chí Minh. Không người dân nào dám soi mói những tượng đài này vì nó là điều bất khả xâm phạm.

Mũi dùi dân chúng chỉ có thể tập trung vào cách mà chính quyền địa phương lập tượng: Xà xẻo vật tư, làm lấy có bất cần ý kiến của kiến trúc sư hay điêu khắc gia, đa phần nếu không muốn nói là tất cả đều mất thẩm mỹ, chúng na ná nhau từ hình thức đến nội dung, từ vật liệu đến địa điểm. Từ Nam chí Bắc, khi nói đến tượng đài, người dân lập trình ngay trong óc những điều lập đi lập lại từ sau năm 1975 đến nay. Tượng đài lổn nhổn xuất hiện trên cả nước nói lên điều gì? Chúng nói lên tính cách phô trương quá khứ, những hình ảnh mà tượng đài biểu trưng luôn nói về quá khứ, thứ “quá khứ hào hùng” mà những người cầm quyền hôm nay “ăn có” vào canh bạc lừa đảo mang tên tượng đài.

Ông Hồ chết từ lâu nhưng cán bộ sau thời của ông đều cúc cung ca ngợi bằng mọi phương tiện, bất kể ông có từng thực hiện những việc tốt đẹp mà họ bưng bê lên hay không. Họ dùng tên tuổi của ông để nói về họ, mặc dù khi ông mất đi lắm người lãnh đạo cao cấp hôm nay chưa chào đời. Họ khen ông như một cách nhắc nhở quần chúng về “tính cách mạng” mà ông đã làm và họ đang theo. Một nhà báo nổi danh trong nước gọi đây là hành vi “Ăn mày dĩ vãng”. Thứ dĩ vãng hào nhoáng và bịa đặt để lừa mắt quần chúng nhưng họ sẵn sàng ăn theo để có miếng cơm. Ăn theo chưa đủ nói lên phẩm giá mà họ đang có, phải gọi là ăn mày mới đúng.

Mà họ ăn mày khéo léo lắm. Những Võ Thị Sáu, Lê Văn Tám, Phan Đình Giót được dựng lên bằng tiền ngân sách nhưng lại do chính quyền địa phương đề xuất. Mỗi một tượng đài có giá từ vài chục tới vài trăm tỷ, không tượng nào bị đẩy ra vì nếu làm như vậy “nhân dân” sẽ uất ức vì họ yêu mến những người anh hùng này. Đảng sẵn sàng ký và sẵn sàng ra lệnh san phẳng mặt bằng, thứ mà dự án tượng đài nào cũng nhắm tới.

Mặt bằng là tiền bạc, những số tiền khổng lồ theo sau tượng đài là mật ngọt, là phần thưởng gian khổ cho người thảo ra dự án. Nếu một tượng đài cần không gian một mẫu đất thì bản vẽ phải lên tới vài chục cho tới con số trăm. Số đất dôi ra sẽ dùng vào các lãnh vực như nhà văn hóa, chỗ triển lãm, khu vui chơi giải trí…, những thứ họ sẽ giao cho một tập đoàn nào đó thực hiện và con số 7/3 ăn chia không phải là điều cần bàn cãi.

Tượng đài “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” ở Quảng Nam là công trình điêu khắc đã được trao Giải Vàng tại triển lãm mỹ thuật quốc gia 2015 cũng không tránh khỏi những băn khoăn của xã hội về quy mô và nguồn đầu tư. Dựa theo thiết kế của họa sĩ Đinh Gia Thắng, tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng ở Quảng Nam được dựng trên diện tích 15 ha trên đỉnh núi Cấm, thuộc thôn Phú Thạnh, xã Tam Phú, thành phố Tam Kỳ. Tổng mức đầu tư cho tượng đài là hơn 411 tỷ đồng (gần $17.5 triệu) được huy động từ nguồn vốn ngân sách và đóng góp của các tổ chức, cá nhân.

Người ta tự hỏi, những bà mẹ Việt Nam anh hùng ngoài đời thật được tôn vinh trong quần thể tượng đài có cuộc sống tốt đẹp hơn không. Khi những cơ quan chăm sóc tượng đài vô tư đếm tiền khách du lịch thì những bà mẹ ấy đang ngồi trong những căn nhà tình thương chờ nhận phần gạo mỗi tháng. Liệu họ có đau lòng hay uất ức gì không khi biết mình bị lợi dụng, khai thác? Cũng trong mục tiêu ăn mày dĩ vãng, Cà Mau đang lên phương án xây tượng đài “Chuyến tàu tập kết ra Bắc năm 54”. Theo báo chí thì tượng đài này nói về thời kỳ “cách mạng sôi động”, với những chuyến tàu chở dân tập kết ra Bắc gia nhập vào đội quân kháng chiến và sự kiện này cần phải ghi nhớ như một chuyển biến quan trọng của lịch sử.

Cần nhắc lại, trong thời gian đó, con tàu mang tấm biểu ngữ thật to “Your Path to Freedom” chở người dân miền Bắc vào miền Nam Việt Nam, theo những chuyến tàu được Pháp và Mỹ tổ chức. Hơn một triệu đồng bào miền Bắc vào Nam sống đời tự do nhưng chính quyền miền Nam không hề làm tượng đài để kể công chính mình. Tại sao? Vì họ không cần dùng dĩ vãng như một thứ phương tiện để kiếm tiền hay danh lợi. Hai chuyến tàu, hai cung cách. Theo ngành chức năng Cà Mau, công trình tượng đài “Chuyến tàu tập kết ra Bắc 1954” được lập ra để ghi nhớ cách nay gần 70 năm,  các chuyến tàu tập kết đã chở hàng trăm ngàn cán bộ, bộ đội, nhân dân, thiếu nhi miền Nam ra miền Bắc. Đây được xem là cuộc chuyển dịch lực lượng nhằm chuẩn bị nguồn lực phục vụ cho cuộc chiến trường kỳ giai đoạn sau.

Một chuyến tàu mang dân chúng về vùng tự do, no ấm trong khi đó một chuyến tàu khác mang dân chúng đi chuẩn bị cho lửa đạn chiến tranh, thử hỏi như vậy mục đích giữa hai con tàu, người dân phải ghi nhớ chuyến tàu nào?

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: