Rừng thông già Đà Lạt chết vì bị đầu độc

Xót xa khi nhìn thấy những cây thông ở xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương bị hạ độc và chết đứng – Ảnh cắt từ video của Dân Việt

Du khách yêu Đà Lạt mỗi khi trở lại đây đều xót xa khi thấy rừng thông ngày càng mất dần.

Từ năm 2015, khi lên Đà Lạt du lịch, đi ngang những cánh rừng thông trơ trụi, tài xế người địa phương đã đau xót bảo: Bọn ác nhơn đã đổ thuốc dưới gốc cho thông chết dần để lấy đất bán.

Từ đó đến nay, năm nào báo chí cũng thông tin chỗ này chỗ kia ở Lâm Đồng, rừng thông chết dần vì bị đầu độc. Chỗ nào có rừng cũng có nhân viên kiểm lâm đấy, nhưng cũng bất lực chả làm gì được, chỉ đến khi cây chết đứng rồi mới biết.

Hôm 9 Tháng Sáu 2023, VietnamPlusDân Việt lại lên tiếng về việc gần 100 cây thông ba lá hơn 20 năm tuổi ở thôn 1, xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương (tỉnh Lâm Đồng) bị khoan gốc, bơm đổ hóa chất, khiến cây chết đứng hoặc bắt đầu vàng lá. Khu rừng này thuộc tiểu khu 145A, do Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim quản lý.

Diện tích rừng thông bị “đầu độc” nằm ngay cạnh đường lớn, chung quanh có nhiều nhà kính, khu sản xuất nông nghiệp của người dân địa phương. Tổng cộng có 53 cây, đường kính từ 30-50cm bị khoan gốc, đổ hóa chất, trên diện tích hơn 1,200m2.

Một gốc thông đã bị chết sau khi bị “đồ tể rừng xanh” khoan lỗ và đổ thuốc diệt cỏ – Ảnh cắt từ video của Dân Việt

Trên những gốc cây này đều có những lỗ khoan sâu khoảng 10cm rồi bị bơm thuốc diệt cỏ vào để đầu độc. Ngoài những cây thông đã chết được lực lượng kiểm lâm đánh dấu, phóng viên VietnamPlus và Dân Việt ghi nhận có 30 cây thông khác – đường kính 30-50cm, mới bị khoan gốc, đổ hóa chất tại lô a, khoảnh 5, tiểu khu 145A, lá bắt đầu vàng, nhựa thông trào từ lỗ khoan tạo ra dung dịch màu xanh, chưa được lực lượng chức năng kiểm tra, đánh dấu.

Khu vực nói trên rộng khoảng 3,000m2 có địa thế rất đẹp, ngay cạnh con đường đang tồn tại một số công ty sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao.

Khu vực này đã bị phát dọn, đốt cháy thảm thực vật trên bề mặt. Có nhiều ống dẫn nước lớn màu đen nằm trên mặt đất cho thấy bọn phá hoại số cây thông này có mục đích chiếm đất canh tác hoặc làm đất ở. Theo những người dân sống trong khu vực thì đất ở khu này đang có giá cao, khoảng 2-3 tỷ đồng/1,000m2.

Theo Trạm quản lý bảo vệ rừng Đa Ra Hoa (thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim), diện tích rừng bị “đầu độc” trên thuộc rừng phòng hộ và đơn vị này không biết ai là kẻ phá hoại (!?)

Ông Đinh Hữu Đạo, phó ban Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim, cho biết đơn vị này đã phối hợp với lực lượng chức năng liên quan tổ chức tuần tra, mật phục hai vị trí rừng bị phá trên và các khu vực xung quanh… nhưng chưa tìm ra người phá hoại (!?).

Trước đó, thông tin rừng thông ba lá của Lâm Đồng bị đổ hóa chất đã được Báo Đầu Tư đưa tin ngày 11 Tháng Mười 2022, cũng có nội dung tương tự như trên: “Rừng thông ba lá ở Lâm Đồng thường xuyên bị lâm tặc “ken” gốc, đổ hóa chất để cây chết rồi đốn bán, nhưng việc phát hiện, ngăn chặn ngay từ đầu các vụ phá rừng hầu như không đáng kể”.

“Không đáng kể” tức là bất lực!

Ảnh cắt từ video của Dân Việt: Sau 10 năm bị mất gần 100,000 ha rừng thông, tỉnh Lâm Đồng không còn khí hậu trong lành mát mẻ như xưa

Điều đáng nói là thông ba lá là biểu tượng của tỉnh Lâm Đồng, hình thành nhiều cánh ở các huyện Bảo Lộc, Di Linh, Đức Trọng, Đơn Dương và TP. Đà Lạt… không chỉ có giá trị cao về mặt kinh tế mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ môi trường sống, tạo mảng xanh và làm đẹp hình ảnh du lịch của “xứ sở sương mù”. Nhưng để có đất đem bán, bọn phá hoại đã đầu độc những cánh rừng thông ba lá, đáng tiếc là có rất ít vụ được phát giác, ngăn chặn ngay từ đầu.

Báo Đầu Tư thống kê: trong hai năm 2021-2022, mỗi năm có hàng trăm cây thông ba lá ở Lâm Đồng bị giết vì bị đổ thuốc diệt cỏ, hết cánh rừng này bị lại đến cánh rừng khác mà việc phục hồi để cây đừng chết vô cùng khó khăn.

Tuổi Trẻ ngày 29 Tháng Mười Một 2020 có bài viết “Đầu tiên, họ giết một cây…” đọc mà rùng mình. Bọn phá hoại đã dùng muối mỏ, dầu hỏa, thuốc diệt cỏ, bao nylông, đốt lửa… để giết một cái cây, theo hướng dẫn công khai trên mạng. Hàng ngàn cây thông ở Lâm Đồng đã bị giết theo cách như vậy. Từ một cái cây… đến nhiều cây và sau 10 năm, gần 100,000 ha rừng thông ba lá đã biến mất!

Lâm Đồng là tỉnh có diện tích rừng lớn hàng đầu Việt Nam, thế nhưng, tính từ năm 2013 đến nay (2020), địa phương này đã mất khoảng 90,000ha rừng, trong đó chủ yếu là rừng thông.

Tốc độ mất rừng diễn ra nhanh nhất từ 2013 – 2016. Năm 2010 Lâm Đồng có khoảng 602,000 ha rừng, độ che phủ 61.2%, nhưng đến năm 2019 chỉ còn 539,000ha, độ che phủ còn khoảng 54%!

Trong ba năm 2017, 2018 và 2019, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng ghi nhận hơn 2,400 vụ phá rừng, trong đó hơn 50% vụ không tìm được người vi phạm (!?)

Thông rừng cổ thụ bị giết ngay trong núi thiêng Langbiang – Ảnh: Tuổi Trẻ

Không chỉ hạ độc vài cây thông đến vài trăm cây thông, có kẻ hạ độc cả một cánh rừng, như năm 2019, một nhóm “đồ tể rừng xanh” đã giết 3,500 cây thông rừng ở huyện Lâm Hà bằng cách “ken” cây, đục lỗ đổ thuốc sâu. Nguyên cả cánh rừng thông đã hơn 20 năm tuổi rộng cả 10ha đã bị giết trong vài tuần!

Tuổi Trẻ dẫn lời ông Đồng Văn Lâm, hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Lạc Dương (tỉnh Lâm Đồng), cho biết rừng thông ở đây bị giết theo hai cách: Cây bị khoan lỗ đổ thuốc diệt cỏ, cây sẽ chết rất nhanh; hoặc bị rạch vòng quanh thân cây thông, tạo thành rãnh rộng khoảng một lóng tay, sâu hết phần vỏ, gọi là “ken” cây, với ống dẫn lưu thuốc diệt cỏ, cây sẽ chết từ từ.

“Ken” cây còn có một kiểu khác là tạo vết rạch tròn xung quanh thân cây, chia thân cây thành hai phần trên dưới. Khi tạo vết rạch sâu trên thân cây thông thì chất dinh dưỡng từ phần gốc không thể lên trên, tương tự như cây thông bị cưa đứt ngang thân.

Ông Võ Thanh Sơn, hạt trưởng Hạt Kiểm lâm TP.Đà Lạt, kể nhiều “đồ tể rừng xanh” dùng khoan di động gắn pin, khi khoan không phát ra tiếng động. Đổ thuốc xong, những kẻ giết cây lột một đoạn vỏ thông khác, dùng keo dán lên trên, giấu vết khoan, không phát tán mùi thuốc diệt cỏ. Vì thế, khi kiểm lâm phát giác thì cây thông đã chết!

Những cánh rừng có thông chết thường là điểm tiếp giáp giữa rừng và vườn dân. Cứ cách vài chục mét lại có một cây chết với hiện tượng giống nhau. Phía dưới là cây trồng của người dân, những cây cafe, những cây điều… đã lấn tới sát chân những cây thông chết. Sau khi hạ thủ rừng thông, nhà kính đã lan tới chân những quả đồi, thậm chí ăn dần lên lưng đồi, đỉnh đồi.

Liên quan vụ gần 10ha rừng thông ở huyện Lâm Hà bị giết năm 2019, một cán bộ lâm nghiệp cùng sáu bị can bị truy tố. Một trong những bị can là Ngô Văn Diệm (36 tuổi, Ninh Bình), đã khai: dùng khoan máy có gắn mũi dài khoảng 20cm đâm sâu vào thân cây thông, khi rút mũi khoan thì đổ thuốc diệt cỏ vào thân cây.

Nhưng Diệm chỉ là người làm thuê cho Bạch Đình Kế (38 tuổi), người có mục đích chiếm đất rừng thông để bán dạng “không giấy tờ” cho người dân làm nông.

Bộ dụng cụ của bọn “đồ tể rừng xanh” dùng để giết cây rừng rất đơn giản – Ảnh: Tuổi Trẻ

Thế nhưng bọn “đồ tể rừng xanh” khoác áo nông dân như Diệm hay Kế cũng chưa gây hậu quả lớn bằng bọn “đồ tể rừng xanh” mặc áo quan chức, Tuổi Trẻ kết luận.

Bọn “đồ tể rừng xanh” mặc áo quan chức không dùng khoan điện, không dùng thuốc diệt cỏ, cũng chẳng động tay vào một cái cây, vậy mà cây chết vô tội vạ!

Đó là nhóm Lê Văn Minh, Cựu giám đốc Sở Nông nghiệp Lâm Đồng (đã nghỉ hưu), Lê Quang Nghiệp, Cựu chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Lâm Đồng và Mai Hữu Chanh, Giám đốc công ty Lâm nghiệp Lộc Bắc. Chỉ bằng cách ký quyết định cấp phép khai thác tận dụng lâm sản, nhóm Minh- Nghiệp đã cho phép công ty Lâm Nghiệp Lộc Bắc phá bỏ rừng thông tự nhiên để trồng cao su trái pháp luật trong diện tích 75.8ha!

Đáng sợ hơn, cách giết cây rừng ở Lâm Đồng hiện đã phổ biến đến những tỉnh thành khác như Hải Phòng, Tây Ninh, Đồng Nai, Sài Gòn… với mục đích biến đất rừng thành sở hữu cá nhân!

Một đất nước rừng vàng biển bạc sắp thành rừng chết biển chết.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: