‘Sài Gòn bây giờ ai khóc thương ai’

Đêm chia sẻ ân tình của người Sài Gòn (Ảnh: Quỷ Cốc Tử)

Sài Gòn giờ này đã bước sang giờ “G”. Sáng mai thức dậy, những con đường Sài Gòn sẽ ngỡ ngàng vì thưa hẳn người qua lại. Cứ như sau một giấc “mộng Nam Kha,” bừng tỉnh bỗng thấy xung quanh mình chẳng còn ai. Sẽ không còn tiếng rao hàng rong mỗi sáng. Sẽ không còn những tiếng “Đ.M” giòn rụm từ quán cà phê đầu hẻm vọng lên mấy căn gác xép. Sẽ không còn hình ảnh anh “shipper” vừa nhìn vào chiếc điện thoại vừa dáo dác tìm đúng căn hộ để giao món ăn “khoái khẩu” của vị khách nào đó. Sẽ không còn bà cụ còng lưng với xấp vé số “sáng mua chiều sổ” trên tay. Sẽ không còn gì nữa. Trong 15 ngày, kể từ hôm nay.

Ảnh: Quỷ Cốc Tử

Sài Gòn, dù đã mơ hồ đoán trước, vẫn hụt hẫng không kịp trở tay khi Chỉ thị 16 được “tung ra” với quá nhiều bất ngờ. Cú “knock-out” giáng xuống những mảnh đời mưu sinh trên hè phố, đánh gục những đôi chân lê từ đường này sang ngã nọ để bán may mắn cho những ai mưu cầu “một lần đổi đời.” Cánh cửa vào những khu chợ truyền thống, chợ đầu mối, chợ “chồm hổm” bị đóng sập chỉ trong vài giờ đồng hồ. Rau, củ, quả mới lấy về cho kịp buổi nhóm chợ sớm mai làm sao giải quyết? Nồi nếp đã ngâm từ trưa, chuẩn bị cho hai gánh xôi kịp giờ “ra lò” kiếm tiền chợ một ngày, nở hết rồi, nấu bán cho ai đây?

Chỉ thị 16 đã ghi rõ: “Tạm dừng bán vé số và dịch vụ ăn uống mang về từ 0h ngày 9 Tháng Bảy.” Như một bản án tử cho người dân Sài Gòn.

“Ngoại còn mấy chục tờ, cố gắng bán hết rồi về nghỉ, mà nghỉ rồi không biết làm sao, lấy cái gì để ăn đây!” – ngoại Linh ngồi nép mình một góc ở ngã tư đường Bình Quới – Thanh Đa, cố vẫy tay mời những người đi đường mua vé số (trích kenh14.vn). Tập vé số dày cộm chưa bao giờ nặng đến thế.

Vài ngày trước, người Sài Gòn đã tìm đủ cách chia sẻ với những khu phố bị phong toả bằng từng hộp cơm, thùng mì, chai nước mắm… Những “Siêu thị 0 đồng” đã xuất hiện nhiều nơi như “siêu thị 0 đồng” của các bạn trẻ đường Võ Văn Ngân, Thủ Đức là những chiếc phao cứu hộ cho những người đang cần giúp đỡ qua thời đại dịch. Đó cũng là những địa chỉ để triệu trái tim từ tứ phương gửi gấm tấm lòng về với người Sài Gòn.

Siêu thị 0 đồng. Ảnh: Nguyễn P

Vài ngày trước, dịch vụ ăn uống mang về vừa là giải pháp kinh doanh cho những hàng quán mùa dịch, vừa là cách hỗ trợ cho biết bao người để tìm thêm vài ngàn bỏ túi với công việc “shipper” giao hàng. Sau một đêm, hình thức dịch vụ vốn đã được nhiều doanh nghiệp ẩm thực lớn nhỏ của một quốc gia từng có số tử vong vì Covid-19 cao nhất thế giới là Mỹ áp dụng cả năm qua, nay bị vò nát trong Chỉ thị 16 ở Sài Gòn.

Sài Gòn chữ ‘thương’ còn đó 

Sài Gòn hoang mang. Những sợi dây nylon giăng khắp nơi vô tri vô giác bỗng đâu quấn quanh, siết chặt. Sài Gòn chỉ kịp vùng vẫy trong những giờ cuối, người ào đi mua sắm, người chạy đi vét hàng, người vội vã tìm cách “tháo chạy” khỏi thành phố để kịp về quê – nơi có nhà của họ… Người gọi người hỏi thăm nhau. Người theo người đi cứu giúp nhau.

Trong những giờ phút đó, trong lòng Sài Gòn, vẫn có những vòng tay nối nhau đến với bao phận người cơ nhỡ. Một ổ bánh mì, một chai nước suối, một bọc khẩu trang, một bó rau, một lời an ủi. Hơn tất cả, đó là một ân tình. Những thanh niên với gương mặt ngời sáng hối hả chạy đến từng góc đường. Các bạn trẻ cố gắng cho kịp giờ “G.” Các bạn lễ phép gửi đến bà cụ bán hàng khuya ngồi hè phố ổ bánh mì, hộp sữa, gửi ông cụ sống đơn chiếc cùng chú chó con hộp khẩu trang.  Khác với những buổi tối dạo phố với người yêu, đêm nay, sau yên xe của anh thanh niên là “cần xé” bánh mì, nước suối. Anh cùng với nhóm bạn thiện nguyện đang cố gắng chia sẻ những gì có thể cho những phận người bị quên lãng trong cuộc chiến chống dịch nhiều tranh cãi này.

Ảnh: Quỷ Cốc Tử

Khó mà định nghĩa trọn vẹn được chữ “THƯƠNG” mà người Sài Gòn dành cho nhau trong những ngày qua. Nó đậm đà, thơm lừng như giọt nước mắm nguyên chất của miền Trung nắng gió. Nó trong veo thơm ngọt như hạt gạo đồng bằng sông Cửu Long. Nó đơn giản mà chân tình như khí chất của người “Xì Gòn” muôn năm cũ.

Sớm mai thức dậy, Sài Gòn ngơ ngác với hàng trăm dải băng quấn quang người. Triệu triệu người Sài Gòn ở phương xa đang dõi về để biết “Sài Gòn bây giờ trời mưa hay nắng / Sài Gòn bây giờ ai khóc thương ai.” (*) Sài Gòn không chiến tranh nhưng “giới nghiêm che kín đêm dài.” 

Và dù gì, Sài Gòn, mãi mãi, chữ “THƯƠNG” vẫn còn đó.

(*) Lời của ca khúc “Khi xa Sài Gòn” của cố nhạc sĩ Lê Uyên Phương

Đọc thêm:

Sài Gòn băng bó thấy thương

Sài Gòn, những con hẻm bị thương

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: