Sài Gòn lockdown: Chuyện cười ra nước mắt thời dịch ‘giật’

Bữa cơm tối của gia đình, bạn bè gần tháng nay bỗng trở thành nơi hội tựu những câu chuyện “cười ra nước mắt.” Tất cả xoay quanh một chủ đề nóng rang như bắp nướng: Sài Gòn lockdown.
Tranh của hoạ sĩ Lê Sa Long về Sài Gòn mùa giãn cách.

Bữa cơm tối của gia đình, bạn bè gần tháng nay bỗng trở thành nơi hội tựu những câu chuyện “cười ra nước mắt.” Tất cả xoay quanh một chủ đề nóng rang như bắp nướng: Sài Gòn lockdown.

Một số chuyện được viết lại qua lời kể của một người có gia đình ở Đồng Tháp.

Thông điệp “ba ngón tay”

Ông Tư (tên nhân vật đã đổi) là người bán “bánh mì nóng hổi vừa thổi vừa ăn” quen thuộc trong xóm. Những ngày trước dịch, bộ quần áo ông mặc để đạp xe đi bán bánh mì đúng nghĩa từ trong lò bánh mì mới ra. Ông đạp xe từ đầu hẻm đến cuối hẻm, không có gì phải vội vã, đủ chậm để người ta nghe tiếng rao và chạy ra vừa kịp để gọi ông dừng lại. Cứ thế, ông Tư đi qua hết mấy con hẻm. Cần xé bánh mì nóng hổi thơm lừng cả khu phố.

Rồi dịch giã xảy ra. Hẻm bị phong toả. Người dân bị “bế quan toả cảng.” Lệnh ban xuống rằng: Người dân chỉ được ra khỏi nhà để mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hoá, dịch vụ thiết yếu khác. Thành ra, ông Tư không còn được thong dong đi đạp xe ngang qua các con hẻm để rao gọi mua bánh mì nóng hổi nữa. Mà nếu không đi bán, thì lấy gì xoay sở trong 15 ngày “lockdown”?

Nhóm bạn trẻ hỗ trợ bánh mì cho người khó khăn (Minh hoạ: Quỷ Cốc Tử)

Thế là, cái khó nó ló cái khôn. Ông Tư “lên đồ” với chiếc áo sơ mi trắng, quần tây xếp ly “bén mượt.” Ông bảnh bao “đóng thùng” rồi lên chiếc xe đạp cà tàng đạp quanh phố. Thay cho tiếng rao sang sảng xưa nay vốn có, ông “thì thầm”: “Bánh mì hơm…bánh mì nóng hổi đây…”

Cô Lài (tên nhân vật đã đổi), người gắn bó với khu xóm này ngót ngét ba chục năm có, chạy ra đưa ba ngón tay lên. Ký hiệu của cô và ông Tư. Ông Tư “trả lời” cô Lài bằng ánh mắt, trong lúc hai bánh xe đạp của ông vẫn quay đều. Chốc sau, ông quay lại xóm đó. Cô Lài “canh” sẵn trong nhà. Cô chạy nhanh ra, “giựt” ba ổ bánh mì trên tay ông Tư rồi chạy nhanh trở vào. Cuộc “giao thương” giữa ông Tư và cô Lai diễn ra nhanh như cắt. Dĩ nhiên, cô cũng kịp đặt vào tay ông Tư số tiền của ba ổ bánh mì.

Ngẫm nghĩ, chắc cuộc mua bán “thuốc trắng” trong phim hành động Mỹ cũng không nhanh được như thế.

‘Tui hóng gió, có làm gì đâu hè’

Ở một xóm khác, cũng gần đó, nhà bà Năm sống mấy đời với nghề bán rượu đế. Bình thường, tụi con nít trong xóm, cứ chiều chiều được người lớn sai vặt, cầm chai không chạy qua nhà bà mua mấy xị. Cũng giống như ông Tư rao sang sảng “bánh mì nóng hổi mới ra lò đây,” tụi nhỏ đến trước cửa nhà bà la lớn: “Bà Tư ơi cho ba con xị rượu.” Trong nhà, chỉ cần nghe tiếng, bà cũng biết con cái nhà ai, có tên trong sổ ghi nợ của bà không. Mà có hay không, bà cũng bán. Xóm này quí nhau cái tình trên hết.

Bây giờ cái thời dịch “giật,” chẳng đứa nhỏ nào được sai qua nhà bà nữa. Bà bắt ghế ngồi trước cửa. Nhà nào cần xị rượu, đi ngang “ra tín hiệu” với bà. Bà đong đầy chai, mang ra để kế bên ghế. Người trong nhà quay lại, bà chạy ào ra đưa, xong trở lại ghế ngồi. Xui xẻo bữa đó có mấy ông mặc áo xanh, cầm dùi cui, mang băng đỏ trên tay đi ngang, thấy bà Tư ngồi trên ghế, bên cạnh để xị rượu to tướng, bèn hỏi: “Ai qua mua rượu của bà Tư hả?”

Bà quạt cái quạt giấy phành phạch, trả lời: “Có đâu? Tui ngồi hóng gió, có làm gì đâu hè.”

Bánh mì không phải lương thực!!!???

Anh công nhân Trần Văn Em, làm việc trong công trường của một dự án du lịch phía Bắc thành phố Nha Trang, chạy xe ra ngoài mua bánh mì, nước uống. Trước khi đi, anh có xin phép người quản lý. Thế nhưng, anh công nhân tội nghiệp này hoàn toàn không biết “cái thứ” mà anh đang đi mua vì nó giúp cho anh no bụng, để sống, để làm việc, không phải là “lương thực thiết yếu.” Anh công nhân hàn nhôm mới mức lương 200,000 đồng/ngày ngơ ngác khi được “khai sáng” một bài học bởi ông Trần Lê Hữu Thọ, Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Hòa: “Đồ ăn không phải thiết yếu, bánh mì mà thiết yếu gì? Mày ở trên núi xuống đúng không?”

Anh công nhân Trần Văn Em bị chặn ở chốt canh gác (Ảnh cắt từ clip)

Chưa hết, sau khi “dạy” cho anh Em định nghĩa “bánh mì không phải lương thực”, ông Thọ tăng thêm hình phạt: “Mai cho mày nghỉ luôn. Mai cho mày nghỉ luôn đó.” Mà đúng vậy thiệt. Sáng Thứ Hai, 19 Tháng Bảy, anh Trần Văn Em nhận được thông báo nghỉ việc một tháng, tháng sau có việc thì sẽ được kêu đi làm lại.

Bài học định nghĩa về “bánh mì” mà anh công nhân hàn nhôm có được đắt giá quá.

‘Chứ không có rồi dịch có thai sao ba?’

Đó là chuyện thực phẩm, buôn bán lẻ của người dân đen thật thà, chất phát. Chuyện thật mà ngồi kể nhau nghe cứ tưởng như đùa. Còn chuyện đùa thì…đùa thật.

Mạng xã hội TikTok mấy ngày qua thích thú chia sẻ một video clip, không rõ ở địa phương nào, cho thấy cô gái bị tổ công tác thi hành Chỉ thị 16 yêu cầu dừng lại kiểm tra, xuất trình giấy tờ và trình bày lý do ra khỏi nhà vào thời điểm tối như thế này. Cô gái chấp hành lệnh, xuất trình món đồ thiết yếu mình mua là 2 hộp “ba con sói” (bao cao su.)

Cô phản bác: “Chứ không rồi dịch có thai sao bao?” (Ảnh cắt từ TikTok)

Những người thực thi lệnh của cơ quan chức năng tức tối, nghiêm mặt, chất vấn cô gái rằng đây không phải đồ dùng thiết yếu. Cô phản bác: “Chứ không rồi dịch có thai sao ba?” Chưa hết, cô còn yêu cầu tổ công tác cho mình đi nhanh vì: “Cái này quan trọng lắm đó anh, anh xử nhanh đi bạn trai em đang chờ.”

Không khó khăn để dân mạng nhận ra đây chỉ là đoạn clip diễn cho vui. Tuy nhiên, nó đã đưa ra một thông điệp đúng, đó là người dân đang rất cần một hướng dẫn cụ thể về thế nào là việc làm “cấp thiết và thiết yếu” trong Chỉ thị 16?

Bánh mì, rượu đế có phải là thực phẩm thiết yếu hay không? Chỉ có người dân “đen” mới tỏ tường. Mà khi tỏ tường rồi, thì giá đã trả, quá đắt.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: