Tài xế xe tải uống nước tăng lực hoặc sử dụng ma túy để chống buồn ngủ

Tài xế Sâm lái xe qua địa phận Mèo Vạc, Hà Giang, hôm 5 Tháng Ba – Ảnh: nhân vật cung cấp

Câu chuyện về ba người tài xế trên Vnexpress hôm 6 Tháng Ba 2023 hé lộ những góc khuất của nghề vận chuyển hàng hóa đường dài bằng xe tải có đầu kéo. 

Loại xe này là thủ phạm của hầu hết các vụ tai nạn giao thông ở Việt Nam, người Việt gọi là “hung thần đường phố” hay xe “hổ vồ”.

Người tài xế đầu tiên tên Khoa, chuyên chở hàng nông sản từ Đồng Nai ra Lạng Sơn, chỗ giáp biên giới Trung – Việt, bằng loại xe đầu kéo container có điều hòa, dài vài chục mét, nặng ba chục – bốn chục tấn, yêu cầu bằng FC, tuổi đời phải từ 24 trở lên. Khoa nói: “Công (container) lạnh yêu cầu thời gian chạy khoảng 50 tiếng, công nóng từ 45-48 tiếng cho quãng đường khoảng 2,000 km (1,242.7 miles)”. 

Khoa kể khó khăn lớn nhất và hiểm nguy nhất của cánh tài xế là buồn ngủ, nên Khoa thường mang theo cà phê, nước trà đặc và nước tăng lực vào buồng lái để cắt cơn thèm ngủ. Để giữ sức khỏe, hai ngày trước chuyến đi, Khoa không dám đụng đến rượu. Khoa còn tiết lộ có những tài xế xe tải sử dụng ma túy để có sự hưng phấn, tỉnh táo và tập trung trên đường. 

Chạy một mình đến tảng sáng là Khoa buồn ngủ phải đậu xe tại một nhà hàng quen ngủ ba tiếng rồi mới có sức chạy tiếp. Khoa kể:  “Hành trình Nam – Bắc phải chạy hai ngày, hai đêm. Tổng thời gian ngủ khoảng 6 tiếng”. Những ngày đậu ở bến chờ giao hàng, Khoa luôn tìm cách ngủ bù. Đơn độc đường dài mãi cũng ngán, giờ Khoa xin lái “công nóng”, loại có hai tài xế thay phiên nhau mỗi 4 tiếng, nên cũng bớt áp lực. 

Khác với Khoa, Sâm là tài xế điều khiển xe đò chở khách, loại 16 chỗ – 45 chỗ. Sâm thừa nhận buồn ngủ là kẻ thù nguy hiểm nhất, vì thế Sâm thường thủ theo xe các thùng nước tăng lực bò húc của Thái Lan. Chạy đêm ông uống một lon, còn chạy ban ngày, cứ 400 km (248.5 miles), ông uống hết 6 lon. Trung bình một tháng, Sâm mất một triệu đồng ($42) mua nước tăng lực, vì thứ nước này đối với ông là hiệu quả nhất. Ông nói với Vnexpress, uống nước tăng lực nhiều khiến sức khỏe ông giảm sút, nên bây giờ ông sẽ xin khách cho nghỉ khi buồn ngủ.

Người thứ ba là Minh, quê Gia Lâm, Hà Nội, gần 30 năm lái xe tải chở hàng từ Bắc vào Nam và ngược lại, áp lực chính của Minh là những cơn buồn ngủ do phải chạy liên tục để kịp giao hàng. Ông Minh bảo: “Nhắm mắt thấy tử thần là thật. Khi lái xe có hàng tỷ tình huống có thể xảy ra, người lái có thể giỏi nhưng người đi đường cũng vô vàn kiểu, bắt buộc phải luôn tập trung quan sát”. 

Minh từng suýt chết vài lần cũng chỉ vì buồn ngủ. Và với kinh nghiệm lâu năm trong nghề, năm 2018 ông lập diễn đàn Văn hóa xe (VHX), quy tụ khoảng 20,000 thành viên tài xế, nhằm giúp nhau chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức lái xe an toàn.

62% bạn đọc của Vnexpress đều chọn cách “dừng xe để ngủ” – Ảnh chụp màn hình

Trao đổi với Vnexpress, ông Lê Trọng Nghĩa, Giám đốc một công ty vận tải hành khách ở Quảng Ninh, cho biết thời ông Nghĩa còn lái xe (thập niên 1990), tình trạng tài xế sử dụng rượu bia rất phổ biến. Khoảng những năm 2000 – 2010, tài xế lại sử dụng ma túy phổ biến. Những năm gần đây, cơ sở hạ tầng cải thiện nhiều, ý thức người đi đường cũng tốt hơn, song vẫn còn những tài xế non nghề, thiếu kinh nghiệm lái xe…. Ông Nghĩa phân tích: “Nguyên nhân gây tai nạn giao thông 50% lỗi là do người lái xe, 20% do phương tiện không bảo đảm, lái xe không đủ kiến thức kiểm tra xe trước khi xuất bến, 15% do cơ sở hạ tầng và 15% do lý do khách quan”.

Năm 2022, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia thống kê, Việt Nam có 11,457 vụ tai nạn giao thông, trong đó 30-40% số vụ liên quan đến giấc ngủ. 

Luật Giao thông đường bộ Việt Nam quy định, trong vòng một ngày, thời gian lái xe của tài xế xe hơi không vượt quá 10 tiếng, mỗi 4 tiếng lái xe phải nghỉ 15 phút. Nếu tài xế vi phạm, sẽ bị phạt 3-5 triệu đồng ($126-$211), đồng thời tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 1-3 tháng. Có luật đấy nhưng dường như chưa tài xế xe tải nào bị công an phạt vì lái xe liên tục quá 4 tiếng. 

Dưới bài viết này, có hơn 60 ý kiến bạn đọc. Cánh tài xế thì bày nhau cách chống buồn ngủ theo kinh nghiệm bản thân, từ nhai kẹo cao su, uống sữa, đến ăn ớt hoặc dùng wasabi quẹt lưỡi, nhưng tốt nhất theo họ là khi đã buồn ngủ thì tài xế nên dừng xe để ngủ, không nên cưỡng lại nhu cầu này để bảo vệ tính mạng cho mình và cho người khác. Đứng ở góc độ khác, không phải dân tài xế, bạn đọc cho rằng cách tốt nhất khi lái xe đường dài phải có ít nhất hai tài xế thay phiên nhau, hoặc tổ chức các trạm nghỉ, chia tài xế theo kíp, đến mỗi trạm nghỉ là đổi kíp tài xế khác (lý tưởng quá, đúng là mơ). 

Bạn đọc tên Viet Truong hành nghề logistics được 10 năm, trong đó có  5 năm quản lý tài xế đường dài và ngắn đã cho biết: “Việc tài xế xe tải buồn ngủ có nguyên nhân xuất phát từ hai phía:  

1/Chính lái xe trước khi đi làm vẫn thức khuya, nhậu, chơi bời….; – Ham kiếm tiền dựa trên sự lao động quá sức (chạy nhanh, chạy nhiều thưởng nhiều); 

2/Từ doanh nghiệp/chủ xe: Muốn kiếm tiền nhiều từ việc tối ưu thời gian chạy xe. 

Dù có quy định tài xế không chạy xe quá 10 tiếng trong ngày và không quá 4 tiếng liên tục, khi chạy gần 4 tiếng thì phải nghỉ 15 phút rồi chạy tiếp nhưng người Việt Nam lách luật. Luật quản lý bằng các thiết bị GPS gắn với xe truyền về tổng cục, mỗi tài xế có một thẻ từ để ghi nhận ai đang chạy xe, thế là hai ông tài xế hợp tác bằng cách mỗi lần chạy một ông cầm cả hai thẻ, cứ 3 tiếng 30 phút là tự quẹt thẻ một lần, cứ một người làm một tuần, người kia ở nhà kiếm thêm…”. Viet Truong kết luận: Công ty ngoại quốc tuân thủ đúng, nhưng thường đối tác Việt Nam của họ (công ty loại vừa và nhỏ chiếm từ 60%-70%) thì thường lách luật!

Lễ khâm liệm cho ba mẹ con bị xe tải đụng sáng 6 Tháng Ba 2023 được tổ chức ngay tại nơi xảy ra tai nạn, quá thương tâm – Ảnh: Tiền Phong

Bạn đọc Phong Tiu đề nghị: Vấn đề phải giải quyết ở phần gốc, vì lợi nhuận của mình sẽ có doanh nghiệp bất chấp tất cả, còn tài xế cho rằng vì miếng cơm manh áo mà phải như vậy. Tại sao không buộc doanh nghiệp đăng ký hai tài cho một chuyến xe đường dài và nếu đột xuất công an giao thông kiểm tra mà trên xe chỉ có một tài ( tài còn lại ở nhà nghỉ) thì rút giấy phép. Tại sao không buộc các chuyến xe đường dài gắn thiết bị cảnh báo tài xế mất tập trung (buồn ngủ) để phát tín hiệu về lực lượng thanh tra giao thông gần nhất để dừng xe buộc họ phải đi ngủ (không phạt)? Phong Tiu cũng đề nghị về lâu dài Việt Nam cần hình thành hệ thống vận tải đường sắt siêu tốc, đảm trách vận tải hàng hóa cần vận chuyển nhanh và xa với chi phí thấp. Những đề nghị này cũng quá lý tưởng, còn lâu mới có. 

Chờ đến khi có xe lửa cao tốc, thì Việt Nam chắc chắn sẽ còn nhiều nạn nhân của xe tải. Thảm thương nhất là những vụ xe tải đụng xe gắn máy.

Vụ mới nhất xảy ra sáng 6 Tháng Ba 2023, xe tải đụng xe gắn máy, làm ba mẹ con chết tại chỗ. Sau khi công an khám nghiệm xong hiện trường tai nạn thì người dân địa phương và thân nhân đã kéo đến khâm liệm ba tử thi để đem về nhà mai táng. Thật thương tâm. 

Vụ việc xảy ra lúc 6:45 sáng, tại địa phận xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, khi bà mẹ đi xe gắn máy chở ba đứa con đi học (một cháu học mầm non, hai cháu học tiểu học) va chạm với xe tải mang biển số tỉnh Quảng Ninh, khiến bốn mẹ con ngã xuống đường. Ba mẹ con tử vong tại chỗ, bao gồm người mẹ là bà Nguyễn Thị Hồng (sinh năm 1997), hai người con là cháu Hoàng Văn B. (sinh năm 2014), cháu Hoàng Kim O. (sinh năm 2016). Cháu bé nhất học mầm non tên Hoàng Văn Tr. (sinh năm 2018) đang được cấp cứu tại bệnh viện Sản Nhi Nghệ An trong tình trạng chấn thương nặng. 

Dạo này, người viết thường gặp những tài xế xe bike công nghệ (Gojek hay Be) tuổi trung niên, đã từng làm tài xế xe tải đường dài, nay bỏ nghề vì thấy tai nạn giao thông do xe tải gây ra nhiều quá. Nghe họ mô tả những áp lực của nghề chạy xe tải đường dài mà thấy tiền kiếm được cũng không thể bù đắp cho cái giá mà họ phải trả, về sức khỏe thể chất cũng như tinh thần.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: