Tham nhũng 10 đồng, chỉ thu hồi được 3 đồng

Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng ở Việt Nam hiện nay chỉ đạt 32.5%, tức mất 10 đồng chỉ thu hồi được 3 đồng.
Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, số liệu từ Ban nội chính trung ương, đồ họa Tuổi Trẻ

Đó là thông tin từ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tuổi Trẻ trích đăng ngày 8 Tháng Năm 2023.

Trong kiến nghị gửi cấp trên (Bộ chính trị, Ban bí thư, Thường trực chính phủ), cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết trong giai đoạn từ 2018 – 2021 và chín tháng đầu năm 2022, việc thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế còn thấp.

Tỷ lệ thu hồi chỉ đạt 32.5%, tức mất 10 đồng chỉ thu hồi được 3 đồng. Cơ quan này phàn nàn đến nay chưa có quy trình cụ thể để truy tìm tài sản, xác định “đường đi” của tài sản bị chiếm đoạt để làm rõ hành vi che giấu nguồn gốc tài sản tham nhũng.

Cụ thể, Bộ luật hình sự quy định biện pháp tịch thu tài sản của người bị kết án để nộp ngân sách nhà nước chỉ áp dụng với người bị kết án về tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm ma túy, tham nhũng.

Hơn nữa, lại thiếu cơ chế về kiểm soát thu nhập cũng như luật đăng ký tài sản.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Trương Thị Ngọc Ánh, phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đề nghị để cải thiện việc này thì việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức, người có chức vụ quyền hạn trong bộ máy nhà nước tại nơi cư trú để người dân cùng giám sát là điều cần thiết.

Nếu có sự giám sát của người dân sinh sống cùng khu dân cư với cán bộ, đảng viên thì sẽ kịp phát giác việc tẩu tán tài sản.

Theo luật sư Trương Thanh Đức, giám đốc công ty luật ANVI, nhà nước nên xây dựng một website để công bố công khai tài sản quan chức, cán bộ để mọi người dân có thể giám sát. Các quan chức nên chấp nhận công khai tài sản trong khi đương nhiệm.

Quan chức có tài sản thì sẽ chịu sự giám sát của người dân; còn quan chức có tài sản nhưng không kê khai, cố tình che giấu tài sản thì khi phát giác có thể bị tịch thu.

Vụ án AVG thuộc loại hiếm hoi, thu hồi được 100%, hơn 8,000 tỷ đồng ($341 triệu) – Ảnh: Tuổi Trẻ

Còn việc kiểm soát đầu tư ra ngoại quốc của quan chức, cán bộ, trong đó có mua bất động sản thì sao? Theo ông Nguyễn Văn Toàn, phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, với quy định pháp luật về đầu tư hiện nay thì có thể kiểm soát được nếu họ có đăng ký dự án đầu tư và được Cục Đầu tư nước ngoài cấp phép.

Tuy nhiên, nếu họ đầu tư qua kênh thứ ba, đầu tư chui thì rất khó kiểm soát. Ông Trương Thanh Đức cũng công nhận việc kiểm soát tài sản của quan chức ở ngoại quốc là rất khó. Vấn đề mấu chốt là quan chức đầu tư bất hợp pháp ra ngoại quốc nên mới cần kiểm soát.

Ông Đức tư vấn: Phải đề ra cơ chế xử lý đủ tính răn đe nếu phát giác quan chức đầu tư bất hợp pháp ra ngoại quốc, nhằm hạn chế, ngăn chặn từ xa hoạt động tẩu tán tài sản của quan chức.

Ông Thang Văn Phúc, cựu thứ trưởng Bộ nội vụ, cho rằng cốt lõi là phải thay đổi quy định trong phòng chống tham nhũng, ông nói với Tuổi Trẻ: Cái gốc của vấn đề là phải thay đổi hệ thống quản trị để bịt dần những kẽ hở chính sách, pháp luật, tránh lợi dụng chính sách để tham nhũng, tiêu cực.

Luật sư Phạm Tấn Thuấn, Đoàn luật sư thành phố (Sài Gòn), tư vấn: Rất cần để dân giám sát bản kê khai tài sản của quan chức vì họ nắm rất nhiều thông tin và thậm chí rất chính xác.

Thế nhưng hiện nay, theo quy định phòng chống tham nhũng thì bản kê khai tài sản của cán bộ, đảng viên thuộc diện có nghĩa vụ kê khai tài sản chỉ công khai với tổ chức đảng tại nơi họ công tác.

Các bản kê khai này cũng được giao cho đầu mối quản lý tập trung là cơ quan Thanh tra, nên người dân không thể cùng giám sát, kiểm tra, ngăn ngừa… hành vi tham nhũng.

Vì thế, theo ông Thuấn, rất cần bổ sung vào quy định pháp luật phòng chống tham nhũng về việc công khai bản kê khai tài sản của đảng viên, cán bộ tại địa phương, nơi họ cư trú… cho người dân cùng giám sát.

Thật ra thì các ông các bà ấy chỉ nói thế thôi. Chẳng người dân nào có thể giám sát được cái hệ thống của họ cả. Còn lâu mới tin là họ thành thật để dân “giám sát”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: